Một số vướng mắc trong việc xác định số tiền, tài sản dùng để cho vay trong các vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
- Thứ ba - 29/10/2024 16:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định cụ thể tại Điều 201 Bộ luật Hình sự (BLHS) và được hướng dẫn áp dụng tại Công văn số 212/TATC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao; Công văn số 4688/VKSTC-V14 ngày 09/10/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (gọi tắt là Nghị quyết số 01).
Tuy nhiên các Công văn và Nghị quyết số 01 nêu trên chỉ hướng dẫn một số nội dung như: Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội; Xác định tư cách tố tụng người vay; Xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm; Xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự. Trong đó chỉ hướng dẫn chung đối với khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay phải tịch thu sung quỹ nhà nước.
Qua thực tế theo dõi các vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã được điều tra, truy tố, xét xử phát sinh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thấy rằng, trong một số vụ án có tính chất tương tự như nhau nhưng việc xác định, xử lý số tiền gốc lại hoàn toàn khác nhau, cụ thể các vụ án sau:
Vụ án thứ nhất: Ngày 30/3/2023, Lục Thị D trú tại xã KT, huyện Y cho Hoàng Thị M, trú cùng xã vay 20.000.000 đồng, với lãi xuất thỏa thuận là 1.500.000 đồng/tuần (tương ứng với mức lãi suất 391,07%/năm, gấp 19,55 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự). Đến ngày 16/5/2023, M đã trả toàn bộ tiền gốc và tiền lãi tính từ 30/3/2023 đến ngày 16/5/2023 là 48 ngày (07 tuần), M đã trả cho D tổng số tiền lãi là 10.100.000 đồng (M trả thiếu 400.000 đồng, D đồng ý cho). Trong giao dịch trên, số tiền lãi tính theo mức lãi suất cao nhất của Bộ luật Dân sự là 526.027 đồng, thu lợi bất chính số tiền 9.573.973 đồng.
Ngày 03/6/2023, D tiếp tục cho M vay 20.000.000 đồng và thỏa thuận lãi xuất như lần trước. Đến ngày 11/12/2023 là 191 ngày (27 tuần), M đã trả tiền gốc và 12 lần chuyển khoản tiền lãi với tổng số tiền là 34.200.000 đồng (Số tiền lãi theo thỏa thuận còn thiếu D đồng ý cho M). Trong giao dịch trên, số tiền lãi tính theo mức lãi suất cao nhất của Bộ luật Dân sự là 2.093.150 đồng, thu lợi bất chính số tiền 32.106.850 đồng.
Bản án số 30 ngày 03/6/2024 của huyện Y đã tuyên về tội danh, hình phạt,… và truy thu của bị cáo D tổng số tiền là 22.619.177đ (trong đó 20.000.000đ tiền gốc và 2.619.177đ là số tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự).
Vụ án thứ hai: Trong khoảng thời gian từ 05/4/2023 đến 03/10/2023, Phạm Trung Đ, trú tại xã HS, huyện S cho Vũ Văn H, trú cùng xã vay 04 lần, với mức lãi xuất 5.000đ/01 triệu/ngày (cao gấp 9 lần theo quy định), cụ thể:
Ngày 05/4/2023, cho H vay 20.000.000đ, đến ngày 21/11/2023 (231 ngày), H đã trả tiền gốc và 21.000.000đ tiền lãi (Số tiền lãi theo thỏa thuận còn thiếu Đ đồng ý bù vào lần vay sau và cho H).
Ngày 26/9/2023, cho H vay 20.000.000đ, đến ngày 21/11/2023 (57 ngày), H đã trả tiền gốc và 6.000.000đ tiền lãi.
Ngày 10/10/2023, cho H vay 40.000.000đ, thời gian vay 20 ngày, đến ngày 30/10/2023, H đã trả tiền gốc và 4.000.000đ tiền lãi.
Ngày 04/11/2023, tiếp tục cho H vay 60.000.000đ, thời gian vay 20 ngày, đến ngày 24/11/2023, H đã trả tiền gốc và 6.000.000đ tiền lãi.
Tổng số tiền lãi Đ thu được là 37.000.000đ, trong đó tiền lãi theo quy định là 4.252.860đ, tiễn lãi thu lợi bất chính là 32.474.140đ
Bản án số 125 ngày 30/7/2024 của Tòa án huyện S đã tuyên về tội danh, hình phạt,… và truy thu của bị cáo Đ tổng số tiền là 144.252.860đ (trong đó 140.000.000đ tiền gốc của 04 lần cho vay và 4.252.860đ là số tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự).
Như vậy, ở vụ án thứ nhất D cho M vay 02 lần, nhưng quá trình điều tra, D khai sau khi M trả tiền gốc ở lần thứ nhất, D tiếp tục dùng số tiền đó quay vòng cho vay lần thứ hai. Ở vụ án thứ hai, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định 04 lần Đ cho H vay đều là số tiền gốc dùng vào việc phạm tội cho vay, nên cần phải truy thu theo quy định tại Điều 47 BLHS và Điều 106 BLTTHS.
Quan điểm của tác giả, việc xử lý truy thu số tiền gốc cho vay ở vụ án thứ nhất là phù hợp, vì: Số tiền cho vay lô gích về mặt thời gian (16/5/2023 trả, ngày 03/6/2023 tiếp tục cho vay); theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 15 BLTTHS. Hơn nữa trên thực tế xảy ra một số vụ án cho vay trên môi trường không gian mạng, quá trình phạm tội kéo dài hoặc cho nhiều người vay, khi bị phát hiện, số tiền đang cho vay lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, quá trình điều tra bị can khai nhận khi mới phạm tội, tiền gốc ban đầu chỉ có một phần trong số đang cho vay, quá trình phạm tội, bị can thu gốc và lãi của những người vay trước rồi tiếp tục cho những người sau vay và một phần đã chi tiêu là phù hợp.
Việc không làm rõ số tiền cho vay lần thứ tư của vụ án thứ hai (nếu dùng tiền gốc và lãi đã trả của lần vay thứ ba để cho vay tiếp) có thể sẽ không phản ánh đúng bản chất của sự việc phạm tội, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo vì ngoài số tiền gốc, lãi đã trả lần thứ ba và phần bù thêm (60.000.000đ - 44.000.000đ = 16.000.000đ) để mang cho vay lần thứ tư thì ngoài phần tiền gốc 40 triệu, bị cáo bị truy thu 02 lần mà phần lãi theo quy định và lãi xuất vượt quá (nếu người vay yêu cầu trả lại) cũng sẽ bị tính truy thu và trả lại 02 lần.
Ngoài ra, hiện nay trên thực tế việc xác định số tiền gốc cho vay trong một số vụ án “bốc bát họ” trừ lãi trước vào số tiền vay còn có nhiều quan điểm khác nhau (tính số tiền thỏa thuận vay hay số tiền thực nhận). Việc vay trả lãi hằng ngày, tuần hoặc tháng, người vay chưa trả được lãi nhưng có nhu cầu vay thêm, người cho vay thường nhập vào gốc số tiền lãi còn nợ, yêu cầu người vay ký nhận số tiền vay gốc mới, hủy giấy vay cũ mà thực chất người vay chỉ nhận được một phần trong số đó nên việc xác định số tiền gốc cho vay gặp rất nhiều khó khăn.
Để đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, việc xử lý theo pháp luật được công bằng, khách quan và nghiêm minh cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo, Kiểm sát viên cần nghiên cứu nắm vững các quy định của pháp luật, nội dung của vụ án, chủ động trao đổi, thống nhất với Điều tra viên về cách thức tính, làm rõ số tiền gốc cho vay đúng với bản chất của từng vụ án. Đồng thời đề nghị liên ngành trung ương sớm tổng hợp những vướng mắc, hướng dẫn cách thức tính số tiền gốc cho vay đối với các hình thức cho vay cụ thể.
Trần Việt Cường - Phòng 7 VKSND tỉnh Tuyên Quang