Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở trong công tác cán bộ
- Thứ sáu - 25/10/2024 08:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi ra đời đến nay, Ðảng ta luôn coi công tác cán bộ là một trong những vấn đề chiến lược. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, “mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương”. Để nhấn mạnh yêu cầu phát huy dân chủ gắn với công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba BCHTW khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã nêu: “Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật … Có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ … Nghiên cứu ban hành quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn … Quy định về trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm”. Thực tiễn đã chứng minh, phát huy dân chủ, đặc biệt là dân chủ trong công tác cán bộ giúp quy tụ sức mạnh, trí tuệ của tập thể, bảo đảm hiệu quả lãnh đạo; góp phần vào xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt thật sự có đức, có tài; góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng cơ quan, đơn vị đoàn kết, thống nhất. Ngược lại, mất dân chủ có thể dẫn đến mất đoàn kết, hạn chế khả năng cống hiến, làm việc của công chức, người lao động.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, trong thời gian qua, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm chỉ đạo sát sao việc thực hiện dân chủ trong công tác cán bộ. Kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế của Ngành về thực hiện dân chủ ở hai cấp Kiểm sát. Việc thực hiện các quy trình về nâng lương, nâng ngạch, khen thưởng, kỷ luật, tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, luân chuyển, điều động, biệt phái, nhận xét, đánh giá cán bộ… và các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của công chức, người lao động đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định của Đảng, Nhà nước và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tuân thủ các quy định của Đảng về công tác cán bộ và quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:
Năm 2024, VKSND tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức thi tuyển công chức đợt 2 năm 2023 đảm bảo đúng quy định của pháp luật và quy chế của Ngành; kết quả có 11 công chức nghiệp vụ kiểm sát trúng tuyển. Hiện nay, VKSND tỉnh đang tiếp tục tổ chức thực hiện việc tuyển dụng 01 công chức kế toán và 04 chỉ tiêu công chức nghiệp vụ kiểm sát theo kế hoạch của VKSND tối cao. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được thực hiện đúng quy định của VKSND tối cao và Tỉnh ủy Tuyên Quang. Trong thời điểm, VKSND tỉnh đã đề nghị VKSND tối cao bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tỉnh 03 đồng chí, Viện trưởng VKSND cấp huyện đối với 01 đồng chí, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện đối với 02 đồng chí; Viện trưởng VKSND tỉnh điều động 01 đồng chí Viện trưởng VKSND cấp huyện; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng đối với 06 đồng chí; trên cơ sở kết quả thi tuyển Kiểm sát viên năm 2023, VKSND tỉnh đã rà soát, báo cáo VKSND tối cao bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên đối với 09 đồng chí qua thi tuyển (02 Kiểm sát viên trung cấp; 07 Kiểm sát viên sơ cấp); rà soát, đề nghị VKSND tối cao bổ nhiệm lại chức danh Kiểm sát viên đối với 05 đồng chí. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với công chức được thực hiện đúng quy định, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan. Để nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của cán bộ, Kiểm sát viên, VKSND tỉnh Tuyên Quang đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hằng năm, đơn vị đều rà soát, cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng do VKSND tối cao tổ chức; xây dựng kế hoạch tự đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị để triển khai thực hiện. Năm 2024, VKSND tỉnh đã tổ chức 02 Hội nghị tập huấn về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Ngành, tổ chức 02 cuộc thi về báo cáo án bằng sơ đồ tư duy và công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án. Thực hiện các quy định, hướng dẫn của Trung ương và VKSND tối cao về công tác quy hoạch cán bộ, năm 2024, Ban cán sự đảng phối hợp với Đảng ủy, Lãnh đạo VKSND tỉnh thực hiện rà soát quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và 2025-2030; quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý, giai đoạn 2021-2026 và 2026-2031 đúng quy định. Việc thực hiện các nội dung của công tác tổ chức cán bộ đều được thảo luận dân chủ, công khai; xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và điều kiện, tiêu chuẩn của công chức; bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ công chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn có những hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại một số ít đơn vị có lúc, có việc chưa kịp thời. Một số công chức, người lao động có lúc chưa thực sự phát huy được tinh thần dân chủ trong nội bộ đơn vị, còn ngại va chạm, nể nang trong công tác tự phê bình và phê bình, chưa chủ động tích cực trong việc đề xuất ý kiến và tham gia các hoạt động tập thể.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế tồn tại, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của Ngành về thực hiện dân chủ trong công tác cán bộ, trọng tâm là Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của BCHTW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ ba BCHTW khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Quy chế về thực hiện dân chủ trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Thứ hai, Đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ thường xuyên nghiên cứu, tham mưu thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của ngành Kiểm sát nhân dân; quy định của cấp uỷ địa phương trong tất cả các khâu của công tác tổ chức cán bộ. Đảm bảo việc tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, luân chuyển, điều động, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, nhận xét, đánh giá cán bộ… và các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của công chức, người lao động phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Ngành, từ đó, đảm bảo thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Qua thực tiễn triển khai thực hiện các quy định trên tại đơn vị, tích cực tham mưu đóng góp ý kiến hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định, hướng dẫn đảm bảo thực hiện chặt chẽ các khâu, bước, quy trình của công tác cán bộ, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
Thứ ba, đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương trong đơn vị gắn với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo việc giải quyết công việc đạt chất lượng, hiệu quả, đúng quy định. Thường xuyên giữ mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ. Từ đó, phát hiện thiếu sót, vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, đề ra giải pháp khắc phục góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân chủ nói chung và kết quả thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND nói riêng.
Thứ sáu, cán bộ, đảng viên thường xuyên tự học tập, nghiên cứu và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước và của VKSND tối cao về thực hiện dân chủ ở cơ sở, đảm bảo các hoạt động của ngành Kiểm sát tỉnh Tuyên Quang được triển khai thực hiện đúng quy định.
Hương Thảo - P15