Vướng mắc trong việc xác định thời điểm bản án cho hưởng án treo có hiệu lực pháp luật để tổng hợp hình phạt
- Thứ hai - 21/10/2024 16:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chế định án treo được quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và được hướng dẫn áp dụng cụ thể tại các Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 và Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Hiện nay, pháp luật hiện hành đã quy định, hướng dẫn cụ thể 02 trường hợp, một là khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được hưởng án treo tiếp tục phạm tội thì Tòa án xét xử lần sau quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp hình phạt theo khoản 2 Điều 56 BLHS. Hai là trường hợp người đang được hưởng án treo mà lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và không tổng hợp hình phạt với bản án cho hưởng án treo theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 (gọi tắt là Nghị quyết 02) của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Tuy nhiên trong thực tế phát sinh những trường hợp chưa được quy định và hướng dẫn, gây khó khăn trong việc nhận thức và áp dụng, ví dụ:
Ngày 15/6/2024, Triệu Đức A bị Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh YB xử phạt 07 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 01 năm 02 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm về tội Trộm cắp tài sản. Ngày 22/6/2024, Triệu Đức A tiếp tục trộm cắp 01 chiếc xe máy, có giá trị 08 triệu đồng. Ngày 17/9/2024 bị Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh TQ xử phạt 09 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày A bị bắt tạm giữ, ngày 24/6/2024.
Vấn đề vướng mắc đặt ra trong vụ án này là Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh TQ có được tổng hợp bản án theo quy định tại Điều 56 BLHS không? do còn có 02 quan điểm khác nhau, cụ thể:
- Quan điểm thứ nhất: Án treo là một chế định đặc biệt, là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù khi có đủ điều kiện nên Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh TQ được tổng hợp bản án của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh YB vì:
+ Khoản 1 Điều 5 của Nghị quyết số 02 quy định: “Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm” và bản án của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh YB đã tuyên “…, thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm”.
+ Khoản 5 Điều 65 BLHS quy định: “... Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này” và khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 02 quy định: “Trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm mới và tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Bộ luật Hình sự;...”.
Như vậy, thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án và đến ngày 17/9/2024, khi Tòa án huyện C xét xử, bản án của Tòa án huyện B đã có hiệu lực pháp luật, A đã vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án nên phải tổng hợp hình phạt, chuyển hình phạt cho hưởng án treo sang hình phạt tù theo quy định tại khoản 2 Điều 56 BLHS “Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này”.
- Quan điểm thứ hai: Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh TQ không được tổng hợp bản án vì các lý do:
+ Ngày 15/6/2024, Triệu Đức A bị Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh YB xử phạt 07 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, sau 07 ngày A tiếp tục phạm tội, Bản án của huyện B chưa có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự “Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị”.
+ Điều 56 BLHS quy định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, theo đó việc tổng hợp hình phạt được quy định trong 03 trường hợp:
Thứ nhất, trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này.
Thứ hai, một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới.
Thứ ba, một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp.
Như vậy việc tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 56 có một điều kiện bắt buộc chung là các bản án đã có hiệu lực pháp luật. Trường hợp khi xét xử mà bản án trước chưa có hiệu lực pháp luật thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền sẽ tiến hành tổng hợp khi các bản án đã có hiệu lực pháp luật.
+ Tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 02 quy định: “Trường hợp người đang được hưởng án treo mà lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và không tổng hợp hình phạt với bản án cho hưởng án treo. Trong trường hợp này, người phạm tội phải đồng thời chấp hành 02 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.
Từ những quy định nêu trên, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, khi A phạm tội lần sau, bản án của Tòa án huyện B chưa có hiệu lực pháp luật nên không thể tổng hợp 02 bản án trên được, bị cáo phải chấp hành đồng thời 02 bản án. Hơn nữa, việc tổng hợp sẽ không đúng với khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và Điều 13 Bộ luật TTHS về nguyên tắc suy đoán vô tội.
Từ thực tế nêu trên, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm có hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện, áp dụng pháp luật bảo đảm đúng quy định và thống nhất.
Trần Việt Cường Phòng 7 VKSND tỉnh Tuyên Quang