Bàn về quyền con người trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam.

Qua nghiên cứu pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định về bảo vệ quyền con người, Tác giả bài viết xin trao đổi một số vấn đề về Quyền con người trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam.
         
        Trong tiến trình thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người là một đòi hỏi khách quan của xã hội, phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của thời đại; trong đó có trách nhiệm nặng nề của Viện kiểm sát nhân dân được Hiến pháp năm 2013 quy định. Qua nghiên cứu pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định về bảo vệ quyền con người, Tác giả  bài viết xin trao đổi một số vấn đề về Quyền con người trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam như sau:

          Thứ nhất: Chế định pháp lý về quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua bằng Nghị quyết 2200A (XXI) ngày 16/12/1966, có hiệu lực ngày 23/3/1976 theo Điều 49 - Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982; trong đó quy định về Quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 7); Quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm (Điều 9, 10); Quyền hưởng tự do và an ninh cá nhân (Điều 14); Quyền được pháp luật bảo hộ chống lại những can thiệp hoặc xúc phạm một cách độc đoán hoặc bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, danh dự và uy tín (Điều 17)…Pháp luật Việt Nam đã cụ thể hoá các quyền cơ bản của con người theo các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử phát triển đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc thông qua các bản Hiến pháp năm 1946 (Điều 11), Hiến pháp năm 1959 (Điều 27), Hiến pháp năm 1992 (Điều 71), Hiến pháp năm 2013 (Điều 20); Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về bảo vệ quyền con người liên quan đến việc giam giữ  hạn chế quyền con người (từ Điều 5 đến Điều 11) các biện pháp ngăn chặn gồm: Bắt tạm giam (điều 80); bắt khẩn cấp (điều 81); bắt quả tang, truy nã (Điều 82); tạm giữ (Điều 86); tạm giam (Điều 88); cấm đi khỏi nơi cư trú (Điều 91); bảo lĩnh (Điều 92); đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm (Điều 93)…. Nội dung của việc tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 7.11.1998 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27.11.2002 và Nghị định số 09/2011/NĐ-CP ngày 25/11/2011) góp phần bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, sự tôn trọng về nhân phẩm, danh dự, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam theo pháp luật.

          Thứ hai: Việc bắt, tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, do cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền áp dụng đối với người có hành vi phạm tội nhằm mục đích hạn chế một số quyền tự do cá nhân, cách ly họ khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định, ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội mới hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm thi hành án. Tuy nhiên, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, người bị tình nghi (bị buộc tội) được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013), do đó những quyền, lợi ích hợp pháp của họ mà pháp luật không hạn chế hoặc tước bỏ phải được tôn trọng. Pháp luật quy định cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội… và công dân đều bình đẳng trước pháp luật nhưng thực tiễn cho thấy, mối quan hệ tố tụng là không bình đẳng giữa một bên là cá nhân (người bị giam giữ) với một bên là Nhà nước (cơ quan tiến hành tố tụng); một bên có quyền áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp ngăn chặn (hạn chế quyền công dân) còn bên kia phải có nghĩa vụ chấp hành; một bên là người có kiến thức pháp luật, được đào tạo cơ bản để áp dụng pháp luật còn bên kia hiểu biết pháp luật còn hạn chế thậm chí không hiểu biết gì về luật pháp. Vì thế trong điều kiện tâm lý, hoàn cảnh đang bị giam giữ (bị hạn chế quyền), người bị tình nghi rất dễ buông xuôi, khai nhận những việc mình không làm, hoặc những hành vi không đúng với thực tế, diễn biến của vụ án; họ sẵn sàng nghe theo, nói theo và khai nhận theo hướng dẫn hoặc ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng để mong được cải thiện tình trạng bị giam giữ của bản thân; đó cũng là giai đoạn người bị bắt tạm giữ, tạm giam bị áp lực về tâm lý  trước những người tiến hành tố tụng quyền uy cũng như guồng máy của các cơ quan tố tụng; chính vì thế họ dễ bị tác động do các hành vi trái pháp luật (dụ cung, mớm cung, bức cung, nhục hình…) của người tiến hành tố tụng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân sâu sa của những vi phạm pháp luật dẫn đến oan, sai trong thời gian qua.

          Thứ ba: Hoạt động kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam: Theo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 có hiệu lực từ 01/6/2015 quy định chức năng, nhiệm vụ của ngành (từ Điều 2 đến Điều 4); quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam (từ Điều 22 đến Điều 24) và Quyết định số 35/QĐ-VKSTC-V4 ngày 29/01/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành kèm theo Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự thì Viện kiểm sát nhân dân thực hiện công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam ngay từ giai đoạn bắt đầu của quá trình tố tụng, kể từ khi phát sinh việc bắt, tạm giữ, tạm giam đến khi kết thúc việc giam, giữ; nguyên tắc suy đoán vô tội được đặt ra và phải được kiểm soát chặt chẽ, bởi lẽ trên thực tế, mọi vi phạm như tình trạng chết, mớm cung, dụ cung, bức cung, nhục hình… đều xảy ra trong thời điểm bắt tạm giữ, tạm giam; Trách nhiệm của Viện kiểm sát phải bảo đảm bất cứ trường hợp nào bị bắt, tạm giữ, tạm giam đều có đầy đủ hai yếu tố đó là: Đúng người, đúng hành vi và phải tuân theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật; hay nói cách khác đó là hai yếu tố “cần” và “đủ” trong khâu “đầu vào” của hoạt động giam giữ. Kiểm sát chặt chẽ việc trích xuất lấy lời khai cũng như quy trình dẫn giải người bị giam giữ từ nơi giam giữ đến nơi lấy lời khai, thủ tục kiểm tra sức khoẻ…. để tránh việc người bị bắt, tạm giữ, tạm giam bị xâm hại về thể chất, bị uy hiếp về tinh thần; đồng thời kiểm sát thật sát sao việc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc phân loại giam giữ, chế độ của người bị giam giữ được hưởng và các quyền công dân không bị pháp luật hạn chế hoặc tước bỏ; trực tiếp gặp, nghe, hỏi ý kiến đánh giá, nhận xét, quan điểm và những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam trong việc thực hiện các quy định về giam giữ của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và cơ quan trực tiếp giam giữ.

          Ngoài chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát còn có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (từ Điều 2 đến Điều 4 Luật Tổ chức VKSND năm 2014), qua công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam, Viện kiểm sát kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót trong hoạt động bắt, giam giữ để kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu sửa chữa khắc phục và chấm dứt vi phạm, xử lý người vi phạm, không để xảy ra tình trạng bắt, giam giữ không có căn cứ trái pháp luật cũng như lạm dụng việc bắt, tạm giữ hình sự sau đó phải chuyển xử lý hành chính, bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người trong công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, phòng chống oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự.

          Hiện nay, dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam gồm 11 chương, 87 điều (Chương VIII - Kiểm sát hoạt động giam, giữ, từ Điều 55 đến Điều 57, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát hoạt động giam, giữ; quyền yêu cầu, kháng nghị, kiến nghị trong hoạt động giam, giữ) đang được nhân dân tham gia đóng góp rộng rãi và được Quốc Hội xem xét cho ý kiến.

          Theo quan điểm của Tác giả bài viết thì nội dung dự thảo cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn mang tính cấp thiết, trực tiếp liên quan đến quyền con người cũng như công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam theo hướng như sau:

          Một là: Chỉ hạn chế quyền tự do đi lại, tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi thông tin, liên lạc của người bị tạm giữ, tạm giam (sau đây gọi tắt là người bị giam giữ) với người khác để bảo đảm bí mật điều tra, tránh việc thông cung, tiêu hủy hoặc ngụy tạo chứng cứ, giúp cơ quan, người tiến hành tố tụng nhanh chóng xác định sự thật khách quan của vụ án, không bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Do đó không hạn chế các quyền công dân khác.

          Hai là: Bảo đảm an toàn trong việc tạm giữ, tạm giam nhằm ngăn chặn việc người đó bỏ trốn gây khó khăn, cản trở cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, không để vụ án kéo dài gây bức xúc dư luận. Vì thế phải nhanh chóng thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi điều kiện trở ngại đó không còn nữa.

          Ba là: Bảo đảm hoạt động giam giữ của cơ quan, người tiến hành tố tụng; cơ quan, người trực tiếp giam giữ phải tuân theo đúng quy định của pháp luật như: Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn giam giữ; Các chế độ về ăn, mặc, ở, y tế, sinh hoạt, học tập, giáo dục cảm hóa…Tạo mọi điều kiện thuận lợi để người bị giam giữ thực hiện các quyền công dân khác mà không bị pháp luật hạn chế hoặc tước bỏ, nhất là quyền khiếu nại tố cáo những hành vi, quyết định trái pháp luật… trong quá trình họ bị giam giữ.
 
          Bốn là: Kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm của những người cùng bị tạm giữ, tạm giam với nhau; của cơ quan, người tiến hành tố tụng và cơ quan, người trực tiếp làm công tác giam giữ với người bị giam giữ:

          - Không để xảy ra tình trạng cơ quan, người tiến hành tố tụng chậm giao nhận lệnh, quyết định về giam giữ cho người bị giam giữ cũng như cơ quan trực tiếp giam giữ (đã hết thời hạn giam giữ nhưng người bị giam giữ cũng như Cơ quan trực tiếp giam giữ chưa nhận được lệnh, quyết định tố tụng về giam giữ thay thế). Trong trường hợp này cần kiên quyết trả tự do ngay cho người bị giam giữ, không loại trừ bất cứ lý do nào.

          - Thiết kế, bố trí phòng hỏi cung phải có vách kính hoặc rào sắt ngăn giữa Người tiến hành tố tụng với Người bị giam giữ tránh việc tiếp xúc trực tiếp khi thẩm vấn, ghi lời khai; đồng thời tăng cường sự có mặt của Kiểm sát viên, Luật sư, người bào chữa… và cảnh sát bảo vệ dẫn giải khi thẩm vấn, ghi lời khai theo quy định. 

          Việc xây dựng, ban hành Luật tạm giữ, tạm giam thể hiện tính nhất quán của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta về nhân quyền nói chung cũng như quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nói riêng, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật,  xây dựng  Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân cũng như xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.

 
                                                                               Lưu Tiến Độ