Bàn về việc Kiểm sát viên đề nghị mức hình phạt tại phiên tòa sơ thẩm hình sự

Tại phiên tòa sơ thẩm một trong những nội dung nêu trong luận tội Kiểm sát viên phải có trách nhiệm đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung đối với bị cáo đây là điều rất cần thiết.
   
     Tại phiên tòa sơ thẩm một trong những nội dung nêu trong luận tội Kiểm sát viên phải có trách nhiệm đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung đối với bị cáo đây là điều rất cần thiết. Bởi lẽ nếu không có phần đề nghị cụ thể về mức án thì luật sư, bị cáo và nhưng người tham gia tố tụng khác lấy căn cứ nào để tranh luận, tất nhiên nội dung tranh luận có nhiều vấn đề khác như xác định về tội danh, tình tiết định khung, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng vv  và trên thực tế điều quan tâm  nhất đối với những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng, những người tham dự phiên tòa là việc Kiểm sát viên đề nghị áp dụng hình phạt cụ thể như thế nào đối với bị cáo, đây cũng  một trong những tiêu chuẩn để đánh giá năng lực của Kiểm sát viên trong nội bộ ngành kiểm sát cũng như nhận xét của dư luận xã hội.


     Theo tiến sỹ Dương Thanh Biểu “ Tại phiên tòa, Kiểm sát viên là người đưa ra chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo nhằm bảo vệ cáo trạng và đề xuất hình thức xử lý đối với bị cáo. Hội đông xét xử là người thẩm tra các tình tiết của vụ án theo cáo trạng mà Viện kiểm sát đã truy tố để quyết định có xử phạt bị cáo theo đề nghi của Kiểm sát viên hay không”(1)

     Vấn đề này còn có rất nhiều ý kiến khác nhau. Theo ý kiến của của luật sư Đinh Văn Quế trong bài viết: “ Kiểm sát viên có nên đề nghị mức hình phạt cụ thể ? ”  Đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam số 03 tháng 3/2015: “ Từ trước đến nay trong Bản luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm cũng có phần đề nghị xử phạt bị cáo từ năm... đến năm tù, phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc cho hưởng án treo.

     Việc Kiểm sát viên đề nghị mức án thiết tưởng không có gì phải bàn, nó đã thành một “ nguyên tắc” bất thành văn, như là một sự hiển nhiên, ăn sâu vào tiểm thức của ngành  kiểm sát và của cả xã hội, nếu nói khác làm khác e không ổn.

     Tuy nhiên, nghiên cứu quy định của pháp luật thì thấy “ nguyên tắc này” chẳng được quy định ở đâu cả nó chỉ là thói quen khó sửa...”

     Sau khi nêu lịch sử có việc Công tố viên ( thảm phán đứng) đề nghị mức án  tác gỉa cho rằng “Việc kiểm sát viên đề nghị một mức án phạt cụ thể khi luận tội lâu nay đã gây ra sự hiểu lầm của những người tham gia phiên tòa và dư luận. Nếu hội đồng xét xử quyết định hình phạt như đề nghị của Kiểm sát viên thì bị coi là “ Tòa với Viện chỉ là một”, còn nếu Hội đồng xét xử quyết định hình phạt nặng hơn hoặc nhẹ hơn hình phạt do Kiểm sát viên đề nghị lại bị coi  là “ Viện Tòa chọi nhau”. Phần cuối bài viết tác giả nêu quan điểm cá nhân: “ Việc kiểm sát viên đề nghị mức hình phạt tại phiên tòa chỉ là một thói quen và thói quen này nó không gây hậu quả nghiêm nghiệm trọng mà nó chỉ ảnh hưởng đến nhận thức của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người dự  phiên tòa. Nếu e không tiện thì phải quy định cụ thể trong BLTTHS như một vài nước trên thế giới. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi thì nên bỏ vì nó có lợi về nhiều mặt và không ảnh hưởng gì đến hoạt động tố tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa  ”.

     Theo ý kiến cá nhân tôi, hiện  nay trình độ dân trí đã cao, nhờ vào khoa học công nghệ thông tin phát triển phần lớn mọi người đã phân biệt được chức năng, thẩm quyền của  mỗi cơ quan, tổ chức không thể coi việc“ Tòa với Viện chỉ là một”, còn nếu Hội đồng xét xử quyết định hình phạt nặng hơn hoặc nhẹ hơn hình phạt do Kiểm sát viên đề nghị lại bị coi  là “ Viện Tòa chọi nhau” đó chỉ là nhận thức của một số người chưa nắm được nội dung Điều 16 BLTTHS quy định:“ Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Mặt khác trong phần thủ tục phiên tòa theo Điều 201 BLTTHS Vị chủ tòa  phiên tòa nào cũng giải thích rất rõ quyền và nghĩa vụ của những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng đặc biệt là thẩm quyền của Hội đồng xét xử quyết định hình phạt.

     Nếu cho rằng Kiểm sát viên đề nghị hội đồng xét xử áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự cũng tức là đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khung hình phạt đối với bị cáo. Nhưng đó là “ khung hình phạt” chứ không phải mức hình phạt từ mấy năm tù đến mấy năm tù như hiện nay thì điều gì sẽ xảy ra ? Giả sử một bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân cấp Tỉnh truy tố về tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS, hình phạt  tù có các mức: Mười hai năm, đến hai mười năm, tù chung thân hoặc tử hình, hay trường hợp bị cáo bị truy tố về tội Mua bán người theo các điểm d,e khoản 2  Điều 119 BLHS có khung hình phạt từ năm năm đến hai mươi năm, trong phần luận tội Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử kết tội bị cáo theo toàn bộ nội dung cáo trạng, gặp  trường hợp bị cáo không có điều kiện  để áp dụng điều 47 BLHS thì luật sư, bị cáo dựa vào đâu để bào chữa cho rằng mức hình phạt của Kiểm sát viên đề nghị là nghiêm khắc còn bị hại hoặc đại diện bị hại cho rằng mức hình phạt đề nghị  như vậy là chưa tương xứng với hành vi phạm tội ?  Ngoài ra theo khoản 3 Điều 51 BLTTHS quy định” Trong trường hợp  vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 của Bộ luật này thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa, trong thực tế  Tòa án thừa nhận lời buộc tội của  họ gắn liền với quyền đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng mức  hình phạt cụ thể với bị cáo, (chế định này mới ra đời từ BLTTHS năm 1988)  Cũng  như các bị hại khác nếu không đồng ý với bản án sơ thẩm, họ có quyền kháng cáo lên cấp phúc thẩm đề nghị tăng  hoặc giảm hình phạt đối với bị cáo.

     Việc Kiểm sát viên đề nghị mức hình phạt theo BLTTHS không chỉ giới hạn ở Điều 217 mà nó có thể thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến thực tế tại phiên tòa ( thường có lợi cho bị cáo) ở các Điều  218, 219, 223 và chỉ kết thúc khi chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc việc tranh luận, thực tế đã xảy ra trường hợp trong Chuyên án 304H Phạm Thị Đức là một trong 50 bị can bị xét xử về tội mua bán trái phép chất ma túy với hành vi trong 2 năm Đức đã nhiều lần mua bán 148 kg thuốc phiện, tại phiên tòa Đức phủ nhận toàn bộ lời khai trước đây, căn cứ vào tính chất, hậu quả, số lượng hàng phạm pháp và thái độ khai báo của bị cáo, trong phần luận tội Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt tử hình, nhưng hôm sau trong phần đối đáp, cùng với sự tác động của luật sư, bị cáo lại thành khần khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải nên trong  phần đối đáp Kiểm sát viên đã đề nghị Hội đồng xét xử  thay đổi  mức hình phạt bị cáo từ tử hình xuống tù chung thân. Đề nghị thay đổi mức án của Kiểm sát viên được dư luận đồng tình, Hội đồng xét xử chấp nhận.

     Theo Điều 19 BLTTHS quy định: Kiểm sát viên với những người tham gia tố tụng đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu tranh luận dân chủ trước Tòa án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án, trong nội dung tranh luận, đối đáp có phần những người tham gia tố tụng  nhất trí hay không nhất trí với mức án mà Kiểm sát viên vừa đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng.

     Trong quan hệ tố tụng mức án của Kiểm sát viên đề nghị tại phiên tòa còn là một trong những nguồn để Viện kiểm sát thực hiện quyền năng của mình, sau khi kiểm tra toàn bộ bản án riêng phần quyết định hình phạt  tuy có khác với mức hình phạt của Kiểm sát viên đề nghị nhưng lại thấy bản án lập luận và quyết định có căn cứ thì Viện kiểm sát không kháng nghị, ngược lại nếu thấy “vênh" nhau nhưng quyết định về hình phạt không có cơ sở  thì Viện kiểm sát phải kháng nghị, đề nghị cấp phúc thẩm tăng hay giảm các loại hình phạt. Thậm chí với thái độ cầu thị cho dù án sơ thẩm chấp nhận mức án đề nghị của mình nhưng kiểm tra lại xét thấy không có căn cứ thì Viên kiểm sát cấp dưới chủ động báo cáo lên Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị.

     Theo số liệu thống kê từ năm 2008 đến năm 2010 các Tòa án nhân  dân đã xử sơ thẩm 171.766 vụ án, trong đó Viện kiểm sát nhân dân đã ban hành 2.167 quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm do bản án sơ thẩm xử khác quan điểm của Viện kiểm sát chiếm tỷ lệ khoảng 1,26%, trong đó kháng nghị tăng hình phạt chiếm từ 50-55%, kháng nghị giảm hình phạt chiếm tỷ lệ khoảng 12%, kháng nghị theo hướng cho bị cáo hưởng án treo chiếm tỷ lệ vào khoảng 11%, còn lại là kháng nghị khác như sửa tội danh, bồi thường thiệt hại không đúng. (2).

     Từ số liệu trên cho thấy số án sơ thẩm bị Viện kiểm sát kháng nghị phần áp dụng hình phạt chiếm tỷ lệ cao trong số các lý do khác. Mà cơ sở để kháng nghị chủ yếu dựa vào mức hình phạt cụ thể của của Kiểm sát viên đã đề nghị với Hội đồng xét xử áp dụng, còn  khi xét xử phúc thẩm ai cũng biết Tòa án có “ toàn quyền” chấp nhận một phần, chấp nhận toàn bộ hoặc không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát.

     Mọi quy phạm pháp luật đều xuất phát từ hoạt động thực tiễn của con người. Nó được hình thành phát triển rồi quy định trong văn bản, nếu một thói quen nào đó trong cách xử sự nhưng do sắp xếp của tổ chức được chuyển giao từ chủ thể này sang chủ thể khác song vẫn được xã hội chấp nhận vì nó phù hợp với đạo đức xã hội và định hướng của pháp luật thì nên duy trì và  hoàn thiện.

     Trong quá trình xây dựng pháp luật còn khiếm khuyết chưa quy định những quan hệ đang tồn tại lại có những nhận thức khác nhau thì nay cần quy định cho rõ, trách nhiệm của những người thực hiện phải đề xuất,  kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để tham khảo luật của các nước nhằm sửa đổi bổ sung ,điều chỉnh cho hoàn thiện nhưng phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Vì vậy, tôi đề nghị sửa đổi theo hướng: Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn và áp dụng các mức hình phạt; Nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xư tuyên bố bị cáo không có tội.

Ghi chú:
   
1.Tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm tác giả Dương Thanh Biểu, NXB Tư pháp năm 2008
2.Tài liệu hội thảo: Nâng cao chất lương thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phát hành tháng 11/2011.

                                                                   
                                                                 Lương Minh Hạnh