Khi người bị hại không chấp hành quyết định dẫn giải

Khi người bị hại không chấp hành quyết định dẫn giải
 
Trong việc xử lý đối tượng có hành vi cố ý gây thương tích hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều vướng mắc, bất cập. Đặc biệt, do phụ thuộc vào ý chí của người bị hại trong việc chấp hành quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan điều tra để xác định tỷ lệ phần trăm (%) tổn thương cơ thể của người bị hại làm cơ sở giải quyết nguồn tin về tội phạm; đồng thời cũng làm căn cứ để xác định trong trường hợp nào thì khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS), hay thuộc trường hợp việc khởi tố vụ án không theo yêu cầu bị hại, để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS).

 
Theo quy định tại khoản 4 Điều 206 BLTTHS: Các trường hợp phải trưng cầu giám định: “Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động”. Như vậy, trong quá trình thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm xâm phạm đến sức khỏe của người khác, Cơ quan điều tra đều phải ban hành quyết định trưng cầu giám định để xác định tổn hại % sức khỏe của người bị hại mà không phụ thuộc vào đơn đề nghị của bị hại. Thực tế cho thấy, nhiều nguồn tin về tội phạm cố ý gây thương tích sau khi Cơ quan điều tra ban hành quyết định trưng cầu giám định để xác định tổn hại % sức khỏe của người bị hại, nhưng người bị hại và đối tượng gây thương tích đã tự nguyện thỏa thuận bồi thường xong về dân sự, người bị hại đã tự nguyện (không thuộc trường hợp trái với ý muốn do bị ép buộc, cưỡng bức) rút đơn yêu cầu không khởi tố vụ án và từ chối việc giám định tổn hại % sức khỏe.
 
Do người bị hại từ chối việc giám định, Cơ quan điều tra đã ban hành quyết định dẫn giải người bị hại theo đúng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS Quy định dẫn giải “Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”.
 
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Thông tư số 47 ngày 15/5/2020 của Bộ Công an quy định thực hiện nhiệm vụ bắt, áp giải, dẫn giải của lực lượng làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân: “Người bị bắt, áp giải, dẫn giải không chấp hành lệnh, quyết định bắt, áp giải, dẫn giải có hành vi chống đối thì giải thích các quy định của pháp luật và yêu cầu của người đó phải chấp hành lệnh, quyết định bắt, áp giải, dẫn giải và các quy định của pháp luật có liên quan”.
 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mặc dù lực lượng làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp đã lập biên bản và giải thích các quy định của pháp luật và yêu cầu người đó phải chấp hành lệnh, quyết định dẫn giải và các quy định của pháp luật có liên quan, nhưng người bị hại không có hành vi chống đối, chỉ không chấp hành quyết định dẫn giải và tiếp tục từ chối giám định. Do đó, không thể thực hiện được việc dẫn giải đối với người bị hại để đưa đi giám định. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Thông tư số 47 của Bộ Công an quy định người bị bắt, áp giải, dẫn giải có hành vi chống đối thì thực hiện các biện pháp không chế, vô hiệu hóa hành vi chống đối, còn hành vi không chấp hành quyết định áp giải của người bị hại, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này.
 
Điều 2 Thông tư số 22 ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế quy định về Nguyên tắc giám định.
 
1. Giám định xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể phải được thực hiện trên người cần giám định, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
 
2. Giám định để xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể được thực hiện trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đã chết hoặc bị mất tích hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
 
Như vậy, theo quy định trên về nguyên tắc giám định không giám định trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đang sống. Hiện nay Thông tư số 22 ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào thuộc “trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
 
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên tác giả đề xuất, kiến nghị:
 
1. Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể khoản 2 Điều 2 Thông tư số 22 thế nào thuộc “trường hợp khác theo quy định của pháp luật” và có thể bổ sung về nguyên tắc giám định trên hồ sơ trong trường hợp nếu người bị hại từ chối giám định.
 
2. Bộ Công an cần có hướng dẫn cụ thể về điểm a khoản 1 Điều 14 Thông tư số 47 việc xử lý đối với người bị hại, người làm chứng nếu không chấp hành quyết định dẫn giải.
 
3. Liên ngành Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp mà bị hại từ chối giám định sức khỏe nhưng đối chiếu với Bảng tỷ lệ % tổn thương cơ thể theo Thông tư số 22 ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế quy định có căn cứ xác định thuộc trường hợp việc khởi tố vụ án không theo yêu cầu bị hại có ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS không.
 

 
CTA: VKSND huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) và Cơ quan CSĐT cùng cấp họp bàn giải quyết những vướng mắc về việc dẫn giải người bị hại.
 
Cấn Văn Tuấn