Khó khăn, vướng mắc trong việc giao quản lý, giám sát đối với người phải thi hành được hoãn thi hành án phạt tù không có nơi cư trú trong thời gian hoãn thi hành án

 
Hoãn chấp hành án phạt tù thể hiện sự khoan hồng của chính sách pháp luật, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Theo quy định khi bản án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị kết án phải chấp hành. Trên thực tế có những lí do khách quan đặc biệt mà người bị phạt tù chưa thể đi chấp hành hình phạt tù ngay được và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù trong một số trường hợp có thể gây ảnh hưởng đến gia đình, người thân của họ, do đó pháp luật có quy định chặt chẽ đối với một số đối tượng thuộc các trường hợp nhất định mới được cơ quan có thẩm quyền cho hoãn chấp hành án phạt tù.

 
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin đề cấp đến việc quản lý, giám sát đối với người phải thi hành án trong thời gian được Tòa án cho hoãn thi hành án đối với trường hợp cụ thể sau:
 
Tóm tắt nội dung vụ án:
 
Đỗ Thị Khánh Ng, sinh năm 1997, đăng ký hộ khẩu tại, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình: năm 2014 đã đăng ký kết hôn với Đào Văn Th và sinh được 02 người con, đến cuối năm 2018, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn và sống ly thân nhau (đã nộp đơn ly hôn đến Tòa án nhưng chưa được giải quyết). Cuối năm 2019, Ng đến lao động tự do tại khu vực quận Hà Đông, thành phố Hà Nội gặp, có quan hệ tình cảm và có thai với Đinh Văn D, sinh năm 1992, trú tại xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, sau đó Ng chuyển đến cư trú sinh sống tại gia đình nhà D nhưng không nhập hộ khẩu.
 
- Để làm được các thủ tục đăng ký kết hôn; nhập hộ khẩu vào gia đình nhà D và làm các giấy tờ hành chính, khai sinh cho con Đỗ Thị Khánh Ng đã 02 lần truy cập mạng xã hội Facebook đặt mua được 01 giấy xác nhận tình trạng hôn nhân giả và 01 giấy chuyển hộ khẩu giả, sau đó Ng đã sử dụng giấy tờ giả trên để làm các thủ tục đăng ký kết hôn với D; khi làm thủ tục nhập hộ khẩu thì bị Công an xã phát hiện. Hành vi phạm tội của Đỗ Thị Khánh Ng đã bị TAND huyện áp dụng Điểm b Khoản 2 Điều 341 BLHS xử phạt 02 năm tù, về Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.
 
- Sau khi bị xét xử gia đình anh D xác định đã bị Ng lừa dối trong một thời gian dài nên đã không cho Ng cư trú, sinh sống với gia đình mình tại xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn.
 
Giai đoạn thi hành án:
 
Sau khi Bản án có hiệu lực Pháp luật: Do Đỗ Thị Khánh Ng không còn cư trú tại xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn nên ngày 08/6/2024, TAND huyện Yên Sơn đã ra Quyết định ủy thác thi hành án hình sự số 07/2024/QĐ-CA Ủy thác cho TAND Huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình ra quyết định thi hành án đối với Đỗ Thị Khánh Ng (nơi Ng đã đăng ký hộ khẩu); sau khi nhận được ủy thác TAND huyện Đông Hưng đã tiến hành xác minh tại Công an xã Phong Châu và xã Hợp Tiến huyện Đông Hưng, xác định bị án Ng không còn cư trú tại địa phương nên ngày 28/6/2024 TAND huyện Đông Hưng đã trả lại hồ sơ ủy thác cho TAND huyện Yên Sơn.
 
- Ngày 29/6/2024, Đỗ Thị Khánh Ng có đơn xin hoãn chấp hành án với lý do “Đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi”; Sau khi xem xét đơn xác định Ng đủ điều kiện để được Hoãn thi hành án theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 “1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:…b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi”, nên ngày 29/6/2024 TAND huyện Yên Sơn đã ra Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù số 06/2024/THAHS-QĐ “Hoãn chấp hành án phạt tù đối với người chấp hành án phạt tù Đỗ Thị Khánh Ng; thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Giao cho UBND xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn quản lý trong thời gian được hoãn chấp hành án phạt tù”. Khi giao quyết định trên cho UBND xã Đạo Viện UBND xã cho rằng bị án không đăng ký hộ khẩu tại địa phương, không khai báo tạm trú, sau khi bị xét xử đã không còn cư trú, sinh sống tại địa phương nên chính quyền xã không chịu trách nhiệm quản lý, giám sát đối với Đỗ Thị Khánh Ng.
 
Nhận xét, quan điểm của tác giả:
 
Trong trường hợp này về điều kiện hoãn thi hành án là bảo đảm đúng quy định. Tuy nhiên khi ra quyết định hoãn thi hành án phát sinh khó khăn, vướng mắc về xác định chính quyền cơ sở nào chịu trách nhiệm quản lý, giám sát đối với người phải thi hành án trong thời gian cho hoãn thi hành án: do bị án không còn cư trú, sinh sống tại xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình (địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú) nên việc ủy thác THA đã được trả lại; nhưng cũng không thể giao bị án cho UBND xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn quản lý vì thực tế ngay sau khi xét xử vụ án xong, bị án tự do cư trú (không còn cư trú, sinh sống tại thôn 4, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn; nhưng cũng không trở về nơi đang ký hộ khẩu thường trú tại xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), các cơ quan chức năng cũng không xác định được nơi bị án sinh sống, cư trú.
 
Trên quan điểm, lập trường cá nhân tôi thấy trường hợp trên TAND huyện Yên Sơn ra Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù số 06/2024/THAHS -QĐ ngày 29/6/2024 là đúng quy định, tuy nhiên quyết định “Giao cho UBND xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn quản lý trong thời gian được hoãn chấp hành án phạt tù” là không có căn cứ vì đây không phải là nơi bị án đăng ký hộ khẩu thường trú cũng như tạm trú và thực tế bị án không còn cư trú, sinh sống tại địa phương  nên chính quyền xã Đạo Viện không nhận trách nhiệm quản lý bị án trong thời gian hoãn THA; nhưng Tòa án cũng không biết giao cho ai quản lý.
 
Qua tình huống phát sinh thực tế trên, tác giả rất mong nhận được sự trao đổi và góp ý của các đồng chí.
 
Nguyễn Hồng Tư - Viện KSND huyện Yên Sơn