Một số bất cập, vướng mắc về quy định người phạm tội bị mắc bệnh hiểm nghèo
- Thứ bảy - 04/05/2024 08:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, xét xử đối với một số vụ án hình sự đối với bị can, bị cáo (người phạm tội) liên quan đến trường hợp người phạm tội bị mắc bệnh hiểm nghèo còn có nhiều bất cập, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật, nhất là trong việc áp dụng điểm b khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) “…khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn dến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa” thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Bệnh hiểm nghèo có được hiểu khái quát là người bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị hoặc không chữa trị được như: Ung thu giai đoạn cuối, AIDS… Hiện nay, trong hệ thống pháp luật của nước ta, chưa có văn bản quy định thống nhất về bệnh hiểm nghèo, danh mục bệnh hiểm nghèo. Các quy định về bệnh hiểm nghèo được quy định, hướng dẫn ở nhiều văn bản khác nhau như:
Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27/6/2003 của Chính phủ quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thì người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng, như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo.
Thông tư số 26/2014/TT-BQP ngày 20/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định danh mục bệnh hiểm nghèo, danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày để thực hiện chế độ, chính sách trong quân đội có quy định 09 loại bệnh nguy hiểm, gồm: Các bệnh ung thư, các bệnh hệ thần kinh; các bệnh về gan; các bệnh hệ tiết niệu; các bệnh chuyển hóa; các bệnh hệ hô hấp; các bệnh hệ tuần hoàn; các bệnh hệ cơ, xương, khớp; hội chứng suy giảm miễn dịch.
Phụ lục IV Danh mục bệnh hiểm nghèo ban hành kèm Theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định về miễn thuế đối với người bị mắc bệnh hiểm nghèo thuộc danh mục tại phụ lục IV của Nghị định. Theo nội dung quy định tại phụ lục IV, đã liệt kê nhiều loại bệnh là bệnh hiểm nghèo mà các văn bản quy phạm pháp luật khác không liệt kê hoặc quy định là bệnh hiểm nghèo như: Bệnh đột quỵ, bệnh hôn mê sâu, Bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ, liệt hai chi, mù hai mắt…
Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo quy định mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
Khoản 4 điều 3, Nghị định 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư giai đoạn cuối, bại liệt, phong hủi, lao đã kháng thuốc, xơ gan cổ trướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS hoặc bệnh khác có văn bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên xác nhận là bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế.
Hiện nay, trong đời sống xã hội xuất hiện nhiều loại bệnh nguy hiểm đến tính mạng mà người phạm tội bị bệnh, dẫn đến việc giải quyết vụ án còn gặp nhiều khó khăn, ví dụ như:
- Vụ thứ nhất: Khoảng 21 giờ ngày 07/5/2023, Hoàng Thị Nh điều khiển xe mô tô biển số 22FA-024.35 chở Nông Văn Tr đi theo hướng Tuyên Quang, Chiêm Hóa. Khi đi đến Km 245+590, Quốc lộ 3B, thuộc thôn Tụ, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hoá do không làm chủ tốc độ và sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông nên xe mô tô do Nhung điều khiển đã đi lấn sang bên phần đường của xe đi ngược chiều va chạm với xe ô tô bán tải biển số 88H-9603 do Nguyễn Thị O điều khiển. Hậu quả, Nông Văn Tr chết trên đường đi cấp cứu, Hoàng Thị Nh bị chấn thương sọ não. Quá trình giải quyết vụ việc, Cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án, bị can đối với Hoàng Thị Nh về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra, bị can Nh bị hôn mê sâu do chấn thương sọ não, không có khả năng hồi phục. Kết luận giám định tổn thương cơ thể trên người sống Hoàng Thị Nh bị tổn hại 93% sức khỏe.
- Vụ thứ hai: Khoảng 07 giờ ngày 23/4/2023, Ma Đình M đã có hành vi trộm cắp 11.960.000 đồng được để trong hòm công đức của Đền Bản Ba do Ban quản lý Đền Bản Ba làm đại diện chủ sở hữu. Quá trình chuẩn bị xét xử, bị can Ma Đình M bị đột quỵ, không có khả năng hồi phục được gia đình đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu, điều trị.
Thông qua 02 ví dụ nêu trên thấy người phạm tội đều bị bệnh nặng, một người bị hôn mê sâu, một người bị đột quỵ và đều không có khả năng hồi phục sức khỏe. Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện nay như đã nêu trên thì người mắc bệnh đột quỵ, hôn mê sâu được quy định tại Phụ lục IV - Danh mục bệnh hiểm nghèo ban hành kèm Theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định về miễn thuế đối với người bị mắc bệnh hiểm nghèo thuộc danh mục tại phụ lục IV của Nghị định. Các văn bản khác chưa liệt kê hoặc không quy định người bị mắc các bệnh này thuộc bệnh hiểm nghèo. Vì vậy quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng có thể vận dụng quy định Phụ lục IV - Danh mục bệnh hiểm nghèo ban hành kèm Theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ được không?
Hiện nay còn có nhiều quan điểm về áp dụng quy định nêu trên:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng quy định về bệnh hiểm nghèo tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ chỉ áp dụng trong lĩnh vực thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nên không thể áp dụng trong lĩnh vực tố tụng hình sự.
- Quan điểm thứ hai cho rằng quá trình giải quyết vụ án, nếu người phạm tội mắc các loại bệnh như đột quỵ, hôn mê sâu…thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể vận dụng Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ để giải quyết vụ án vì đây là văn bản quy phạm pháp luật.
Theo quy điểm của cá nhân tôi trong quá trình giải quyết vụ án, nếu người phạm tội mắc các loại bệnh như đột quỵ, hôn mê sâu không…thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể vận dụng Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ để giải quyết vụ án vì mặc dù Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định danh mục các bệnh hiểm nghèo trong lĩnh vực thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tuy nhiên Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ là văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Mặt khác, các loại bệnh mà văn bản này quy định là bệnh hiểm nghèo cũng phù hợp với khái niệm về bệnh hiểm nghèo mà các văn bản quy phạm pháp luật khác như đã nêu trên quy định “người bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị hoặc không chữa trị được”.
Để áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về bệnh hiểm nghèo, cá nhân tôi đề xuất liên ngành Tố tụng trung ương cần phối hợp với Bộ Y tế ban hành quy định, danh mục các bệnh hiểm nghèo để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án được chính xác, đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Phạm Anh Tuấn - VKSND huyện Chiêm Hóa