Một số khó khăn vướng mắc trong thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

     
     Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, qua thực tiễn thi hành bộ luật này chúng tôi thấy còn có một số bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tố tụng hình sự và không bỏ sót một số căn cứ khi áp dụng Bộ luật này.
     
     Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (viết tắt là BLHS năm 2015): “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
     
     Còn theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (viết tắt là BLTTHS năm 2015):
     
     “Điều 157. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự
     
     Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:
     
     1. Không có sự việc phạm tội;
     
     2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
     
     3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
     
     4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
     
     5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
     
     6. Tội phạm đã được đại xá;
     

     7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
     
     8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố”.
     
     Như vậy theo quy định của BLTTHS năm 2015, những trường hợp không khởi tố vụ án hình sự không có quy định về việc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó thực tế hiện nay trong quá trình thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, nếu người thực hiện hành vi phạm tội có đủ điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành một số hoạt động điều tra, sau đó mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can với căn cứ “được miễn trách nhiệm hình sự”.
     
     Qua nghiên cứu chúng tôi thấy quy định này còn thiếu và chưa hợp lý vì chỉ cần ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do “thuộc diện được miễn trách nhiệm hình sự”, không cần phải làm các bước như trên thì sẽ giảm bớt thủ tục, thời gian, kinh phí… cho các cơ quan tiến hành tố tụng, phù hợp với chủ trương “cải cách, giảm bớt thủ tục hành chính” hiện nay. Ngoài ra, còn có một lý do quan trọng nữa là sẽ có lợi cho người thực hiện hành vi phạm tội vì trong lý lịch tư pháp của họ sẽ không có “án tích”. Đây là tư tưởng nhân văn, tiến bộ đã được Hiến pháp quy định.
     
     Về cơ bản, việc vận dụng quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 để miễn trách nhiệm hình sự cho người thực hiện hành vi phạm tội cần được thực hiện linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và đặc thù của từng vụ việc, từng nơi, và quan trọng nhất là sự thống nhất quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về đường lối giải quyết vụ án. Trên cơ sở đó, cần có cách thức giải quyết và áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 hợp lý, hợp tình và đúng quy định của pháp luật, tránh áp dụng tràn lan, tùy tiện… Nói cách khác, việc áp dụng quy định này cần linh hoạt, đúng pháp luật, tránh cứng nhắc, hình thức, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
     
     Từ những phân tích trên thấy rằng cơ quan lập pháp cần bổ sung thêm căn cứ ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 157 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “Người thực hiện hành vi phạm tội mà người đó có đủ điều kiện được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 BLHS năm 2015”
     
     Thứ hai: Theo quy định tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015:
     
     “Điều 148. Tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
     
     1. Hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:
     
     a) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
     
     
b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
     
     ...”
     
     Như vậy căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố chỉ có: Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
     
     Tuy nhiên qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, chúng tôi thấy có một số vụ việc không xác định người bị tố giác đang ở đâu nên Cơ quan Cảnh sát điều tra không tiến hành lấy lời khai người bị tố giác được, do vậy chưa xác định có hành vi phạm tội hay không. Ví dụ: có đơn tố giác bị lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt chiếc tài sản, nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra không xác định được tài sản đó ở đâu, người bị tố giác ở đâu, ý định chiếm đoạt tài sản của người bị tố giác có trước hay sau khi nhận được tài sản.... Từ đó không có căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hay không khởi tố vụ án hình sự. Hiện nay khi gặp các trường hợp nêu trên các cơ quan tiến hành tố tụng đang áp dụng một cách “khiên cưỡng” theo điểm b khoản 1 Điều 148 BLTTHS “Đã yêu cầu cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả” để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác tin báo về tội phạm.
     
     Từ những phân tích trên thấy rằng cơ quan lập pháp cần bổ sung thêm căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “Khi không biết rõ người bị tố giác đang ở đâu và không có căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhưng đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”.
     
                                      Phạm Việt Hùng - VKSND huyện Sơn Dương