Vấn đề xử lý vật chứng lâm sản là gỗ thuộc sở hữu Nhà nước trong các vụ án hình sự “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”

Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án (Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án  (Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử (khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự). 

Tùy theo từng loại vật chứng sẽ được xử lý bằng các biện pháp khác nhau, như: Tịch thu tiêu hủy, tịch thu sung quỹ nhà nước, trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Tại khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

- “Nếu vật chứng là công cụ phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy.
- Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước…"

Tại khoản 3 điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Trong quá trình điều tra truy tố, xét xử, cơ quan người có thẩm quyền xử lý vật chứng có quyền:

a)Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án ….”

Tại Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

 "1. Tịch thu sung công quỹ nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với
a) …
b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp...”

Theo quy định trên thì trong những vụ án hình sự “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, vật chứng là lâm sản (gỗ) đã được phát hiện và thu giữ trong các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, việc áp dụng biện pháp tư pháp khi xử lý vật chứng trong từng vụ án có sự khác nhau, trên thực tế đã xảy ra những trường hợp sau:

Vật chứng của vụ án hình sự lâm sản (gỗ) là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước đã xác định rõ Chủ quản lý rừng (hay còn gọi là người quản lý hợp pháp), nhưng khi xử lý vật chứng lại tồn tại ở hai dạng khác nhau:

- Một là khối lượng lâm sản đã bị khai thác nhưng vẫn còn ở tại rừng (hiện trường);
- Hai là vật chứng (lâm sản) đã được vận chuyển ra khỏi rừng và đang bị tạm giữ chuyển theo vụ án.


Việc xử lý vật chứng đối với những trường hợp này trên thực tế đã có sự khác nhau trong việc áp dụng pháp luật, cụ thể: 

Vụ án thứ nhất:
Ngày 18/01/2017, Chúc Văn N cùng đồng phạm đến khu vực rừng phòng hộ thuộc Thôn C, xã P, huyện L, khai thác 01 cây gỗ Nghiến, thuộc nhóm IIA có khối lượng 142,528 m3 (Chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện L). Trong vụ án này toàn bộ khối lượng gỗ Nghiến bị các bị cáo khai thác còn lại tại hiện trường đã được Tòa án tuyên giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện L quản lý theo quy định, đối với 08 khúc gỗ Nghiến được sơ chế thành dạng cột nhà và 10 thanh gỗ Nghiến đã được sơ chế thành dạng hộp có tổng khối lượng 2,125m3 đã bị các bị cáo và các đối tượng khai thác đem ra khỏi hiện trường (thu giữ theo vụ án) đã được Tòa án tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước.    

Vụ án thứ hai:
Cuối tháng 9/2017, Hoàng Văn L cùng Phùng Sành H, đến khu rừng S, thuộc thôn N, xã S, huyện N (đối tượng rừng phòng hộ) khai thác 01 cây gỗ Sâng (nhóm VI) khối lượng 23,428 m3, UBND xã S được xác định chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ  rừng (theo Luật lâm nghiệp). Trong vụ án này, toàn bộ khối lượng gỗ các bị cáo khai thác để lại tại hiện trường (tại rừng) đã được Tòa án xét xử tuyên giao cho Hạt kiểm lâm huyện N (là đơn vị có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan có liên quan tổ chức bảo vệ rừng) quản lý, xử lý theo thẩm quyền.

Vụ án thứ ba:
Tháng 3/2017, Hoàng Văn T và Đặng Kim H khai thác trái phép một cây gỗ nghiến (thuộc  nhóm  IIA) có khối lượng là 23,530m3, tại khu vực rừng đặc dụng C, khu vực K, thuộc thôn C xã Y huyện H (UBND xã Y chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng). Sau khi cắt đổ cây gỗ nghiến, T và H cắt được 08 tấm bìu nghiến có tổng khối lượng là 0,163m3 từ cây nghiến đó và vận chuyển 08 tấm bìu về nhà. Khoảng 17 giờ cùng ngày thì bị tổ công tác Trạm kiểm lâm Y, huyện H phát hiện và thu giữ toàn bộ vật chứng. Toàn bộ khối lượng gỗ các bị cáo khai thác để lại tại hiện trường (tại rừng) và khối lượng gỗ đã bị thu giữ tại gia đình bị cáo đều được Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên giao lại cho UBND xã Y huyện H để xử lý theo quy định pháp luật.

Qua 03 vụ án nêu trên, cho thấy việc xử lý vật chứng là lâm sản thuộc sở hữu của Nhà nước đã thiếu sự thống nhất, nơi thì tuyên tịch thu sung công quỹ Nhà nước, nơi thì giao cho Kiểm lâm, nơi thì giao cho Chủ quản lý rừng, do có 2 quan điểm  trong việc xử lý vật chứng (gỗ) như sau:

Quan điểm thứ nhất:
Cho rằng căn cứ điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự tịch thu sung quỹ nhà nước khối lượng lâm sản (tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước) do các đối tượng phạm tội khai thác trái phép, đang bị tạm giữ chờ xử lý, đó là tài sản do phạm tội mà có nên tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Quan điểm thứ hai:
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự và khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự, khi xét xử cần giao vật chứng (khối lượng lâm sản) đã bị các đối tượng phạm tội khai thác trái phép cho Chủ rừng (người quản lý hợp pháp). Chủ rừng có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh đối với số gỗ (lâm sản) đã bị thu giữ để xử lý theo quy định.

Nếu thực hiện theo quan điểm thứ nhất thì không đúng quy định tại khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự và khoản 2 Điều 47 Bộ luật hình sự, nhưng đáp ứng được yêu cầu thực tế bởi lẽ tài sản của Nhà nước trước sau cũng phải tịch thu sung quỹ nhà nước. 

Nếu thực hiện theo quan điểm thứ hai thì đúng với quy định tại khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, vì gỗ (lâm sản) vừa là vật chứng, vừa là tài sản đã xác định được Chủ quản lý phải giao lại cho Chủ quản lý. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo quan điểm này còn có những bất cập, vì đây là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, Chủ quản lý rừng không có thẩm quyền bán sung quỹ Nhà nước, mà sau khi giao cho Chủ quản lý rừng, thì Chủ quản lý rừng vẫn phải có trách nhiệm nhận quản lý bảo quản và báo cáo cấp trên có thẩm quyền xử lý theo quy định (như làm các thủ tục phát mại bán xung quỹ nhà nước). Như vậy, trong trường hợp cụ thể này vật chứng tuyên trả lại cho chủ quản lý tài sản cũng chưa đáp ứng được hết yêu cầu thực tế đã xảy ra, vì có giao cho Chủ quản lý thì cuối cùng vẫn phải tịch thu bán sung quỹ Nhà nước, trong khi đó vật chứng này lại là vật cồng kềnh, việc vận chuyển ra khỏi rừng và bảo quản khó khăn, phải chi phí tốn kém.

Để khắc phục bất cập này, theo tôi khi xử lý vật chứng là lâm sản thuộc sở hữu Nhà nước đã xác định được chủ quản lý hợp pháp, cần căn cứ thực trạng của vật chứng đã và đang được bảo quản trên thực tế mà xử lý cho phù hợp. Nếu vật chứng là lâm sản vẫn được để ở trong khu vực thuộc quản lý của Chủ rừng thì giao cho Chủ rừng (tức người quản lý hợp pháp) có trách nhiệm phối hợp với Kiểm lâm quản lý và bảo quản theo quy định; Trường hợp vật chứng (lâm sản) đã được vận chuyển ra khỏi rừng (ngoài hiện trường) thì tuyên tịch thu sung công quỹ Nhà nước để tránh việc phải vận chuyển, bảo quản chi phí tốn kém không cần thiết.

Trên đây là bất cập trong việc xử lý vật chứng lâm sản là gỗ (thuộc sở hữu Nhà nước) trong các vụ án hình sự “vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, rất mong liên ngành trung ương sớm có văn bản hướng dẫn để việc áp dụng pháp luật về xử lý vật chứng được thống nhất, đúng quy định Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự

Tác giả bài viết: Lê Thị Tiên