Viện KSND tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đột phá về công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân
- Thứ sáu - 18/10/2024 15:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ công tác năm 2024, ngay sau khi nhận được Chỉ thị 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024, Viện KSND tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Kế hoạch số 01/KH-VKS-VP ngày 02/01/2024 về công tác của Viện KSND tỉnh Tuyên Quang năm 2024, trong đó xác định đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Kiểm sát Tuyên Quang là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; xây dựng kế hoạch số 2143/KH-VKS-VP ngày 26/12/2023 về chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát Tuyên Quang năm 2024; Kế hoạch số 133/KH-VKS-VP ngày 18/01/2024 thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá năm 2024 về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Kiểm sát Tuyên Quang” nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo, công chức, người lao động ở hai cấp kiểm sát đối với việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Kiểm sát Tuyên Quang, góp phần bảo đảm thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của Viện KSND trong giai đoạn hiện nay; nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành, ứng dụng công nghệ số hiện đại, bảo mật để đem lại kết quả công việc tốt hơn trong các khâu công tác và khắc phục khó khăn trong điều kiện chất lượng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu. Nâng cao kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 194/QĐ-VKSTC ngày 19/06/2024 của Viện KSND tối cao); người đứng đầu Viện KSND hai cấp chịu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số, bảo mật để đem lại kết quả trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành, công tác chuyên môn, nghiệp vụ; đầu tư về cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin tương xứng với mục tiêu ứng dụng, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm; có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và giữa các đơn vị trong Ngành trong quá trình tổ chức thực hiện.
Kết quả đạt được: Thực hiện Nghị quyết số 129-NQ/BCSĐ ngày 10/4/2024 của Ban cán sự đảng Viện KSND tối cao, Viện KSND tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Kế hoạch số 718/KH-VKS-VP ngày 26/4/2024 về thực hiện chuyển đổi số của ngành Kiểm sát tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Viện kiểm sát hai cấp tiếp tục thực hiện báo cáo án bằng sơ đồ tư duy; chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Toà án cùng cấp áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án có đủ điều kiện; tổ chức phiên tòa trực tuyến; phiên tòa có sử dụng tài liệu, chứng cứ đã được số hóa (Phòng 1, 2, 7 và Viện KSND cấp huyện mỗi đơn vị thực hiện số hoá ≥ 50% số vụ án được đưa ra xét xử/ năm), 100% các vụ án tham nhũng, chức vụ được số hoá hồ sơ để phục vụ xét xử. Cập nhật đầy đủ, kịp thời dữ liệu vào các phần mềm quản lý; khai thác, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị thông tin và một số ứng dụng công nghệ thông tin hiện có.
Ngày 31/01/2024, Đảng ủy Viện KSND tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”; tham dự tập huấn có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Viện KSND tỉnh; Bí thư, Phó Bí thư, Chi ủy viên các Chi bộ trực thuộc và toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ Viện KSND tỉnh. Tại Hội nghị tập huấn, các đồng chí Chuyên viên công nghệ thông tin Viện KSND tỉnh đã trực tiếp triển khai, hướng dẫn vận hành, sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Tuyên Quang đến toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ Viện KSND tỉnh. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn cài đặt, quản trị phần mềm theo phân cấp và hướng dẫn sử dụng các chức năng của phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử trên điện thoại thông minh và sử dụng trên trình duyệt web với các chức năng như: Quản lý tài khoản, tổ chức Đảng, hồ sơ đảng viên, Quản lý văn bản - tài liệu, Quản lý giao việc, …đảm bảo sử dụng thống nhất giúp cho tổ chức Đảng, đảng viên, nâng cao vai trò, nhận thức, xây dựng và phát triển đảng trong thời kỳ mới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng – Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu, chỉ đạo tại Hội nghị
Ngày 26/03/2024, 01 đồng chí cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin của đơn vị thi các chứng chỉ uy tín về quản trị mạng, an toàn thông tin mạng, đã đạt kết quả tốt. Tiếp tục cử cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tham gia lớp đào tạo chứng chỉ an toàn thông tin mạng CompTIA Network+ do VKSND tối cao tổ chức.
Một số hình ảnh tại cuộc thi
Trong tháng 4/2024 Viện KSND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Cuộc thi về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp năm 2024 (02 vòng thi). Sau Cuộc thi đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; nâng cao ý thức trách nhiệm, kỹ năng của lãnh đạo, công chức của Viện KSND hai cấp trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện nghiêm việc trao đổi văn bản, xử lý công việc hành chính trong ngành Kiểm sát tỉnh Tuyên Quang được thực hiện trên môi trường mạng, có chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật và của Ngành). Đã triển khai trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh trong việc thực hiện hỏi cung bị can đến Viện KSND cấp huyện, thành phố.
Tại Quyết định số 310/QĐ-VKSTC ngày 18/9/2024 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về việc phê duyệt kết quả đánh giá chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024, Viện KSND tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 22/63 tỉnh thành.
Xếp hạng kết quả đánh giá chuyển đổi số ngành Kiểm sát Tuyên Quang năm 2024
Kết quả đạt được nêu trên còn hạn chế do một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: Nhiều trang thiết bị đã cũ, không đồng bộ. Kinh phí mua sắm và thay thế, nâng cấp trang thiết bị còn hạn chế. Trang bị phần mềm có bản quyền cho máy tính tại đơn vị còn rất ít, dẫn đến có nhiều rủi ro an toàn thông tin, an ninh mạng. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành (cũ) nhiều lúc load chậm, menu tính năng còn dài chưa gọn. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành (mới) chưa được liên thông với các cơ quan tại địa phương do không cùng mã định danh trong trục liên thông quốc gia. Hệ thống thư điện tử công vụ hoạt động tốt tuy nhiên dung lượng của các hòm thư còn hạn chế. Khai thác số liệu dài hạn trên phần mềm thống kê còn khó khăn và mất thời gian, do từ 2009 - 2019 có đến 04 phần mềm thống kê khác nhau, không liên kết dữ liệu. Phần mềm quản lý án Dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động thường xuyên không kết nối được, dẫn đến việc nhập số liệu chưa kịp thời.
Để thực hiện có hiệu quả, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện khâu đột phá năm 2024 về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và tại các đơn vị Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Tuyên Quang nói riêng, đơn vị đã triển khai một số giải pháp như sau:
Một là, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin của Đảng, của Nhà nước, của Ngành và đơn vị đến toàn thể công chức, người lao động thuộc ngành Kiểm sát tỉnh Tuyên Quang. Xác định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 và những năm tiếp theo để tập trung chỉ đạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Hai là, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Ngành: Thực hiện chuyển đổi số trong công tác Đảng, công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; trong hoạt động nghiệp vụ. Chủ động phối hợp với Tòa án tổ chức xét xử các phiên tòa có sử dụng tài liệu, chứng cứ đã được số hóa, phiên tòa trực tuyến.
Ba là, nâng cao chỉ số đánh giá chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát tỉnh Tuyên Quang theo Quyết định số 194/QĐ-VKSTC ngày 19/06/2024 của Viện KSND tối cao. Cập nhật đầy đủ, kịp thời dữ liệu vào các phần mềm quản lý; khai thác, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị thông tin hiện có và một số ứng dụng công nghệ thông tin như: Phần mềm thống kê; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thư điện tử; Hệ thống truyền hình hội nghị; các phần mềm quản lý án hình sự và quản lý án dân sự; ứng dụng chữ ký số; ứng dụng sơ đồ tư duy trong công tác nghiệp vụ; ứng dụng phòng họp không giấy....
Bốn là, bảo đảm an toàn, an ninh mạng: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 03/7/2017 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân và Quyết định số 12/QĐ-VKSTC ngày 08/01/2018 của Viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành Quy định quản lý và sử dụng mạng Internet trong Ngành, Quy chế về bảo đảm an toàn an ninh thông tin mạng của Viện KSND (ban hành kèm theo Quyết định số 245/QĐ-VKSTC ngày 29/7/2021) và các văn bản về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, khắc phục các lỗ hổng mật. Thực hiện nghiêm các hạng mục về phương án, thiết bị tối thiểu phục vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo Công văn số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thực hiện mã hóa đường truyền số liệu khi truyền gửi số liệu; thực hiện nghiêm túc việc bảo mật chứng thư số, chữ ký số được cấp theo đúng quy định; chỉ sử dụng Hệ thống thư điện tử công vụ của ngành Kiểm sát nhân dân để gửi, nhận văn bản theo đúng chỉ đạo của Viện KSND tối cao.
Năm là, lãnh đạo Viện KSND hai cấp tạo điều kiện cho công chức tham gia các khóa đào tạo, đào tạo lại về tin học; các lớp bồi dưỡng, giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số do Viện KSND tối cao và địa phương tổ chức (nếu có). Công chức cần nâng cao ý thức tự nghiên cứu, học tập, tìm tòi các kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin qua nhiều kênh thông tin, từ đó chắt lọc những kiến thức bổ ích, thiết thực phục vụ cho công việc.
Sáu là, phát động phong trào “Thi đua đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành”; tổ chức cuộc thi về lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai thực hiện các nền tảng số dùng chung trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân như: nền tảng định danh số, nền tảng Quản lý án hình sự, nền tảng Bàn làm việc số ngành Kiểm sát nhân dân; nền tảng Trợ lý ảo, nền tảng Quản lý đầu tư xây dựng, kế hoạch - tài chính, tài sản công và một số nền tảng khác khi Viện KSND tối cao yêu cầu; tiếp tục xây dựng Báo cáo sơ kết, tổng kết bằng Video clip. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Viện KSND tỉnh xem xét đề nghị Viện trưởng Viện KSND tỉnh khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân điển hình về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; có sáng kiến, bài viết, tài liệu tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Bảy là, tiếp tục bảo đảm mạng nội bộ được vận hành thông suốt 24/24 giờ trong tất cả các ngày, bảo đảm tốc độ và dung lượng đường truyền số liệu theo quy định phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành và tra cứu, trao đổi thông tin nghiệp vụ giữa các đơn vị trong Ngành. Thực hiện kịp thời việc đăng tải các tin, bài, ảnh và quản lý, vận hành Trang thông tin điện tử Viện KSND tỉnh hoạt động có hiệu quả.
Tám là, Tổ chức hoạt động hiệu quả Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát tỉnh Tuyên Quang (ban hành theo Quyết định số 1885/QĐ-VKS và Quyết định số 1886/QĐ-VKS ngày 02/11/2023 của Viện KSND tỉnh Tuyên Quang).
Một số đề xuất, kiến nghị:
Đề nghị cấp có thẩm quyền đầu tư, nâng cấp trang thiết bị cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, công chức ở hai cấp tỉnh Tuyên Quang.
Đối với hệ thống thư điện tử của ngành, đề nghị Viện KSND tối cao nghiên cứu, xem xét tăng dung lượng file đính kèm và dung lượng chung của hòm thư để người dùng được thuận tiện trong việc trao đổi và lưu trữ dữ liệu. Đối với phần mềm quản lý văn bản và điều hành, cần thống nhất với đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm về Mã định danh của ngành Kiểm sát với trục liên thông quốc gia.
Cần triển khai ứng dụng Trợ lý ảo cho Kiểm sát viên và ứng dụng phòng họp không giấy trong toàn ngành.
Tiếp tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin để nâng cao trình độ công tác chuyên môn nghiệp vụ.
Đỗ Mạnh Dũng - VPTH