Viện kiểm sát nhân dân huyện Na Hang tăng cường công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm

 
          Thực hiện Nghị quyết số 37, số 63 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, VKSNDTC xác định một trong những nhiệm vụ của ngành Kiểm sát là: “Chú trọng làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm để kiến nghị với cơ quan hữu quan và tham mưu cho Đảng, Nhà nước các giải pháp phòng ngừa, tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp, góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước”.

          Tại khoản 3 Điều 4 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát có nhiệm vụ kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; kiến nghị Cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

          Trên cơ sở Kế hoạch công tác kiểm sát của VKSND tỉnh Tuyên Quang, VKSND huyện Na Hang tăng cường công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh và đúng quy định của pháp luật; các chỉ tiêu công tác kiểm sát đạt kế hoạch đề ra. Trong đó xác định: Phòng ngừa, ngăn chặn với ý nghĩa loại trừ nguyên nhân, điều kiện phạm tội là cơ bản; khởi tố điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội nghiêm minh nhằm răn đe, giáo dục người phạm tội là quan trọng. Việc tăng cường công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật được đơn vị quan tâm triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả.

          Qua theo dõi tình hình công tác năm 2015 và 06 tháng đầu năm 2016, Viện kiểm sát huyện đã làm tốt các khâu kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; việc bắt tạm giữ, tạm giam, việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại Công an huyện và các xã, thị trấn. Qua đó phát hiện vi phạm thiếu sót để kiến nghị khắc phục, tạo điều kiện giúp cho các đơn vị được kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. 

          Thông qua việc kiến nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, kiến nghị các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp đã góp phần làm giảm thiểu các vi phạm trong hoạt động tư pháp; thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa vi phạm, tội phạm, tuyên truyền phổ biến pháp luật trên địa bàn huyện. Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng chặt chẽ, đồng thời vị thế vai trò của Viện kiểm sát nhân dân ngày càng được nâng cao.

          * Năm 2015, VKSND huyện đã ban hành 10 kiến nghị đối với các cơ quan tư pháp và cơ quan hữu quan:

          - Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã ban hành 04 văn bản kiến nghị, trong đó: 02 kiến nghị đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện; 01 kiến nghị đối với Hạt Kiểm lâm huyện và 01 kiến nghị đối với Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện; góp phần bám sát và thực hiện tốt Kế hoạch đột phá năm 2015 trong lĩnh vực “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố” của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang, đồng thời nâng cao hiệu quả và giúp các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện tốt nội dung Thông tư liên tịch số 06 ngày 02/8/2013 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; khắc phục vi phạm về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

          - Ban hành 01 kiến nghị đối với Công an huyện và 02 kiến nghị đối với Tòa án nhân dân huyện về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; 02 văn bản kiến nghị đối với Tòa án nhân dân huyện về công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; 01 kiến nghị đối với Tòa án nhân dân huyện và 01 kiến nghị đối với Chi cục thi hành án dân sự huyện về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

          * Trong 06 tháng đầu năm 2016, VKSND huyện ban hành 06 kiến nghị đối với các cơ quan tư pháp và cơ quan hữu quan:

          - Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố: Đã ban hành 01 văn bản kiến nghị đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện về việc vi phạm thời hạn giải quyết tin báo.

          - Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự: Ban hành 01 kiến nghị yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện khắc phục vi phạm trong việc đề nghị gia hạn điều tra vụ án; 01 kiến nghị yêu cầu Tòa án nhân dân huyện khắc phục vi phạm trong hoạt động xét xử.

          - Trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật: Ban hành 01 kiến nghị yêu cầu Tòa án nhân dân huyện khắc phục vi phạm thời hạn mở phiên họp tuyên bố một người mất tích.

          - Trong công tác kiểm sát thi hành án hình sự: Ban hành 02 kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm trong việc gửi quyết định thi hành án hình sự và ghi sai nơi cư trú của người bị kết án.

          Các văn bản Kiến nghị của VKSND huyện Na Hang đều đảm bảo có căn cứ, đúng quy định của pháp luật và được các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan chấp nhận tiếp thu khắc phục vi phạm.

        Từ những kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, VKSND huyện Na Hang rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

          Một là: Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ngành cấp trên và Cấp ủy địa phương, xây dựng mối quan hệ giữa VKS và các cấp, các ngành nhất là các cơ quan trong Khối Nội chính. Quán triệt và vận dụng các quy định của Đảng - Nhà nước vào thực tiễn công tác kiểm sát và công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm. Thông qua triển khai thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

          Hai là: Duy trì chế độ giao ban Khối Nội chính để nắm bắt tình hình việc chấp hành pháp luật. Trên cơ sở đó, xây dựng dự báo tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm. Đề xuất với Cấp ủy và cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan tố tụng, các ngành chức năng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, có biện pháp khắc phục; hạn chế nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.

          Ba là: Luôn quan tâm đến công tác xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

          Bốn là: Cán bộ, Kiểm sát viên phải nắm vững nguyên tắc về sự lãnh đạo của Đảng gắn với nguyên tắc thực thi pháp luật của ngành mà cụ thể là các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để thực hiện trong quá trình kiểm sát; chú ý theo dõi các vi phạm trong hoạt động tư pháp, đối chiếu quy định của pháp luật để định dạng chính xác vi phạm, từ đó đảm bảo việc ban hành các kiến nghị có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

          Năm là: Theo dõi tình hình ban hành kiến nghị, đồng thời tăng cường  phúc tra việc thực hiện kiến nghị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKSND.

          Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, VKSND huyện Na Hang đề ra các giải pháp tăng cường công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm như sau:

          Thứ nhất: Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 63 của Quốc hội, chủ động và tích cực phát hiện các vi phạm trong hoạt động tư pháp để ban hành kiến nghị, cùng với việc kết hợp hài hòa mối quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan hữu quan đề ra các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

          Thứ hai: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, nhất là ý thức tham gia đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Tiếp tục tăng cường tổ chức các phiên tòa lưu động để tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua các vụ án cụ thể góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho quần chúng nhân dân, ngăn chặn  các phần tử xấu, các thế lực thù địch lôi kéo, kích động dẫn đến không chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các qui định của địa phương, vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội.

          Thứ ba: Tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra sâu sát của Lãnh đạo Viện, tranh thủ sự ủng hộ của Cấp ủy Đảng đối với công tác kiến nghị của Viện kiểm sát.

          Thứ tư: Nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ Cán bộ, Kiểm sát viên, sắp xếp, bố trí cán bộ trong từng khâu công tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

          Thứ năm: Để kiến nghị của Viện kiểm sát đem lại hiệu quả, các vi phạm pháp luật được khắc phục cần có sự trao đổi, thống nhất nhận thức với Cơ quan hữu quan (mà kiến nghị của Viện kiểm sát tác động đến) làm rõ căn cứ pháp lý, hậu quả tác hại của vi phạm đồng thời kiên quyết thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật. Khẳng định ngày một tốt hơn vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.
 
Trần Đức Hiệp