Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Chuyên đề nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 5987

   Kiểm tra viên VKSND huyện Na Hang báo cáo chuyên đề: Kỹ năng xây dựng nội dung kế hoạch hỏi cung bị can.


Thứ tư - 28/03/2018 08:10
 
           Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018 đã khẳng định cần “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm” và “Tăng cường các biện pháp chống oan, sai”, đề cao tính trách nhiệm, chủ động của Kiểm sát viên. Qua đó yêu cầu bắt buộc các Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự phải trực tiếp lấy lời khai trước khi khởi tố bị can; trực tiếp hoặc tham gia hỏi cung, phúc cung bị can trước khi ban hành các quyết định tố tụng, chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra thực hiện việc lấy lời khai, hỏi cung, phúc cung phải có ghi âm, ghi hình có âm thanh.
 
          Để thực hiện việc hỏi cung bị can đạt hiệu quả cao cần thiết phải xây dựng Kế hoạch hỏi cung bị can. Qua nghiên cứu những quy định của pháp luật và kinh nghiệm thực tế trong quá trình công tác tại VKSND huyện Na Hang tôi xin trình bày báo cáo chuyên đề về kỹ năng xây dựng nội dung kế hoạch hỏi cung bị can.
 
          I. Lý luận chung về hỏi cung bị can
 
          1. Khái niệm hỏi cung bị can
 
          Hỏi cung bị can là một biện pháp thu thập chứng cứ trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, do Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên tiến hành ngay sau khi khởi tố bị can, nhằm xác định chính xác hành vi, mức độ phạm tội của bị can, đồng phạm và những tin tức, tài liệu khác mà bị can biết có ý nghĩa với hoạt động điều tra và phòng ngừa tội phạm.
 
          2. Nhiệm vụ của hỏi cung bị can
 
          - Làm rõ nội dung vụ án, vị trí, vai trò, động cơ, mục đích phạm tội của bị can, mức độ phạm tội trong vụ án có nhiều bị can;

          - Kịp thời phát hiện đồng phạm, vật chứng còn cất giấu chưa kịp thời thu giữ, các âm mưu và hành động chuẩn bị gây án để kịp thời ngăn chặn;

          - Xác định nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, những sơ hở trong hoạt động điều tra và phòng ngừa tội phạm.

          - Kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai, bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra.
 
          3. Những điểm mới của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về hỏi cung bị can
 
          So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, hoạt động hỏi cung bị can quy định tại Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có 04 điểm mới như sau:
 
          - Thứ nhất: Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung.
 
          - Thứ hai: Điều tra viên chỉ cần giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ khi hỏi cung lần đầu.
 
          - Thứ ba: Quy định rõ các trường hợp Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can, đó là: Khi bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra, hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật, hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.
 
          - Thứ tư: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi có yêu cầu của bị can hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
 
           Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định chi tiết, cụ thể hơn về hoạt động hỏi cung bị can. Đồng thời với quy định sử dụng các thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chống oan, sai, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người theo đúng quy định của Hiến pháp.
 
           II. Kỹ năng xây dựng nội dung kế hoạch hỏi cung bị can
 
          1. Chuẩn bị xây dựng Kế hoạch hỏi cung bị can
 
          Trước khi xây dựng Kế hoạch hỏi cung bị can, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ nội dung vụ án, các nội dung trong biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung bị can mà Điều tra viên đã thu thập, cùng với các tài liệu khác đã thu thập trong quá trình điều tra (biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, biên bản khám xét, biên bản ghi lời khai của người bị hại, người làm chứng, các kết luận giám định, vật chứng đã thu giữ...) để phát hiện mâu thuẫn cần triệt tiêu, những vấn đề chưa được làm sáng tỏ, những vấn đề đã có manh mối nhưng còn bỏ ngỏ chưa tiếp tục đấu tranh, có ý nghĩa đối với chứng cứ buộc tội, gỡ tội.
 
          - Cần nghiên cứu kỹ đặc điểm nhân thân của bị can, như lý lịch, quan hệ xã hội, nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, thói quen, sở thích nhằm đánh giá toàn diện diễn biến tâm lý tội phạm.
 
          - Cần lưu ý trường hợp bị can không biết chữ, nhưng nghe, nói tiếng Việt thành thạo thì cần mời người chứng kiến; đối với trường hợp bị can là người dân tộc thiểu số không biết nói tiếng Việt, là người nước ngoài, hoặc bị can có nhược điểm về thể chất như: câm, điếc thì phải mời người phiên dịch tham gia lấy lời khai, hỏi cung, phúc cung; đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi cần mời người giám hộ tham gia lấy lời khai, hỏi cung bị can; đối với trường hợp có luật sư, trợ giúp viên tham gia bào chữa và trường hợp hành vi phạm tội của bị can có khung hình phạt chung thân, tử hình cần phải thông báo cho luật sư, trợ giúp viên thời gian, địa điểm hỏi cung.
 
          - Trước khi tiến hành hỏi cung bị can cần chủ động trao đổi với Điều tra viên về kế hoạch hỏi cung, nội dung hỏi cung, những vấn đề còn mâu thuẫn trong lời khai của bị can, các phương pháp hỏi cung sẽ được sử dụng, để thống nhất quan điểm giữa hai ngành, tránh phá vỡ các chiến thuật hỏi cung mà Điều tra viên đang thực hiện.

          2. Những nội dung cơ bản trong Kế hoạch hỏi cung bị can
 
          - Thời gian, địa điểm tiến hành lấy hỏi cung bị can:
 
          + Thời gian hỏi cung: Thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và quy định của ngành Kiểm sát nhân dân;
 
          + Địa điểm: Lựa chọn địa điểm hỏi cung tùy thuộc vào từng vụ án: Tại trụ sở Cơ quan điều tra, trụ sở Viện kiểm sát, Trại tạm giam... Địa điểm hỏi cung phải đảm bảo an toàn, bí mật, có đủ điều kiện làm việc như bàn ghế, ánh sáng.
 
          + Chuẩn bị các đồ vật phục vụ cho cuộc lấy lời khai, hỏi cung như: máy ghi âm, ghi hình có âm thanh...
 
          - Hỏi rõ bị can về tình trạng sức khỏe, thời điểm hiện tại có ốm đau, bệnh tật gì hay không, có đủ sức khỏe, tỉnh táo, minh mẫn để làm việc với Viện kiểm sát hay không? Cần đặc biệt chú ý trường hợp bị can là người cao tuổi, người nghiện ma túy, người mắc các bệnh về tim mạch... để có phương pháp hỏi cung cho phù hợp.
 
          - Giải thích rõ cho bị can về quyền và nghĩa vụ của bị can theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, thông báo rõ cho bị can đang bị khởi tố về tội gì.
 
          - Những vấn đề chính cần làm rõ khi tiến hành hỏi cung: Căn cước, lý lịch bị can, những nơi bị can đã từng sinh sống và làm việc; thời gian, địa điểm, công cụ, phương tiện, hành vi phạm tội, tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can. Đối với những vụ án có đồng phạm cần hỏi rõ vị trí, vai trò, mức độ phạm tội của từng đồng phạm.
 
          - Dự kiến câu hỏi cần đưa ra để bị can trả lời: Tùy thuộc vào đặc điểm tâm lý của bị can, những tài liệu chứng cứ đã thu thập được về vụ án, hành vi phạm tội, đặc điểm tâm lý của bị can cần dự kiến trong bản kế hoạch những câu hỏi và trình tự đưa ra để bị can trả lời. Các dạng câu hỏi có thể sử dụng như:
 
          + Câu hỏi thẳng: Nhằm tạo yếu tố bất ngờ, đẩy bị can làm thế bị động, buộc phải khai báo trung thực.
 
          + Câu hỏi bổ sung lời khai: Nhằm bổ sung lời khai trước đó của bị can còn thiếu thông tin cần thu thập thêm.
 
          + Câu hỏi làm chính xác lời khai: Sử dụng trong trường hợp lời khai trước đó của bị can chưa cụ thể, chưa có tính thuyết phục cao.
 
          + Câu hỏi gợi nhớ: Sử dụng khi hành vi phạm tội của bị can đã xảy ra quá lâu, hoặc có nhiều sự kiện làm bị can không thể nhớ đầy đủ.
 
          + Câu hỏi kiểm tra: Sử dụng trong các trường hợp lời khai của bị can chưa có đủ độ tin cậy.
 
          + Câu hỏi vạch trần lời khai gian dối: Là câu hỏi đưa ra nhằm mục đích vạch trần lời khai gian dối của bị can, mà trước đó bằng những chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ, Kiểm sát viên có thể khẳng định có hay không sự trung thực trong lời khai của bị can.
 
          Trong trường hợp cuộc hỏi cung bị can có sự tham gia của Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, cần dự kiến các dạng câu hỏi Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý có thể đặt ra gây bất lợi cho hoạt động điều tra để có phương pháp hỏi bị can cho phù hợp.
  
          - Làm rõ trong quá trình hỏi cung bị can có bị Điều tra viên mớm cung, dụ cung, ép cung, nhục hình hay không? Từ đó có cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can.

          - Đối với các trường hợp bị can từ chối khai báo, khai báo quanh co, chối tội cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm chắc hành vi phạm tội của bị can, các đặc điểm về nhân thân, trình độ, hoàn cảnh gia đình của bị can, các yếu tố về tâm lý nhằm giáo dục, thuyết phục bị can.

          - Trong bản Kế hoạch hỏi cung cần liệt kê những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra về hành vi phạm tội của từng bị can và những chứng cứ khác có thể được sử dụng trong quá trình hỏi cung (vật chứng, kết luận giám định...). Cần chú ý đến những chứng cứ phản ánh tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can để làm cơ sở cho việc cảm hóa, giáo dục nhằm khơi dậy tính tích cực trong tư tưởng, nhận thức của bị can, thúc đẩy bị can khai báo thành khẩn, trung thực.
 
           3. Sau khi xây dựng nội dung Kế hoạch hỏi cung bị can, Kiểm sát viên cần trình Lãnh đạo quản lý trực tiếp xét duyệt.
 
          III. Thực trạng xây dựng Kế hoạch hỏi cung bị can tại VKSND huyện Na Hang; những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế.
 
          Năm 2017, VKSND huyện Na Hang đã xây dựng được 17 bản Kế hoạch hỏi cung bị can. Với những số liệu kể trên cho thấy VKSND huyện Na Hang xây dựng khá ít các Kế hoạch hỏi cung bị can, do số lượng án hình sự không nhiều, tội phạm giản đơn, ít nghiêm trọng, nên kinh nghiệm xây dựng Kế hoạch hỏi cung bị can chưa cao. Nội dung các bản Kế hoạch hỏi cung còn chung chung, không nêu rõ được những vấn đề cần điều tra thu thập, củng cố chứng cứ, chưa dự kiến được các chiến thuật hỏi cung và các tình huống bất lợi có thể phát sinh trong quá trình hỏi cung. Nguyên nhân của tình trạng này là do Kiểm sát viên nhận thức chưa đúng đắn về tầm quan trọng của việc hoạt động hỏi cung bị can. Bên cạnh đó các cán bộ kiểm sát đa phần chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng hỏi cung bị can, tâm lý tội phạm, nên việc xây dựng Kế hoạch hỏi cung chưa đạt chất lượng cao.
 
          Đối với quy định việc hỏi cung bị can phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay Thông tư liên tịch số 03/2018 ngày 01/02/2018 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên để thực hiện việc bảo quản, lưu trữ, sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và trình độ chuyên môn nhất định, nhìn chung Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân huyện Na Hang chưa đáp ứng được yêu cầu.
 
           IV. Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch hỏi cung bị can
 
          Thứ nhất: Nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và việc thực hiện các đạo luật mới, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên của ngành Kiểm sát nhân dân cần không ngừng học tập, trau dồi kinh nghiệm, am hiểu pháp luật, nâng cao nhận thức của Kiểm sát viên về tầm quan trọng của việc xây dựng nội dung Kế hoạch hỏi cung bị can;
 
          Thứ hai: Lãnh đạo đơn vị Viện kiểm sát cần chú trọng việc hướng dẫn, chỉ đạo Kiểm sát viên trong việc xây dựng Kế hoạch hỏi cung bị can. Sau khi Kiểm sát viên kết thúc cuộc hỏi cung, cần trực tiếp kiểm tra việc thực hiện hỏi cung. Tập hợp những bản Kế hoạch hỏi cung bị can có chất lượng để nhân rộng cho các Kiểm sát viên khác trong toàn ngành nghiên cứu, học tập.
 
          Thứ ba: Tăng cường công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, giữa các Điều tra viên và Kiểm sát viên để kịp thời trao đổi thông tin và giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án.
 
          Thứ tư: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với các Trường đạo tạo, các chuyên gia lý luận mở lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên về hoạt động xây dựng Kế hoạch hỏi cung bị can và tập huấn công tác sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
  
          Trên đây là chuyên đề Kỹ năng xây dựng nội dung Kế hoạch hỏi cung bị can của tôi. Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đồng chí, để tôi hoàn thiện chuyên đề và nâng cao kỹ năng của bản thân.

 
                                                    Nguyễn Thu Hương.
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top