Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Kiểm Sát Viên viết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 1798

   Phòng THQCT, KSĐT, KSXXST án kinh tế, chức vụ - VKSND tỉnh nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra; hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.


Thứ ba - 05/03/2019 02:43

          Năm 2018, Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên quang đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực và tổ chức triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhằm không ngừng “Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra; hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng”. Kết quả năm 2018, Viện kiểm sát trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung 01 vụ/549 vụ kết thúc điều tra ~ 0,18% (Năm 2017 ~ 0,72%); Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát  để điều tra bổ sung có lỗi của Viện kiểm sát 04 vụ/544 vụ Viện kiểm sát truy tố ~ 0,7% (Năm 2017 ~ 0,8%), chỉ tiêu của ngành < 5%. Đây là sự cố gắng, nỗ lực lớn của nghành Kiểm sát Tuyên Quang; chất lượng công tác kiểm sát điều tra ngày càng được nâng cao, kết quả năm sau cao hơn năm trước.

          Để đóng góp chung vào thành tích của Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Tuyên Quang; năm 2018, phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án kinh tế, chức vụ - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã thụ lý giải quyết nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên nhiều địa bàn, được dư luận xã hội quan tâm, trong cùng một vụ án số lượng bị can, bị hại đông. Đơn vị đã đề cao tinh thần trách nhiệm của Kiểm sát viên được phân công, của lãnh đạo phòng, chủ động ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; thường xuyên bám sát tiến độ điều tra, kiểm sát chặt chẽ thủ tục tố tụng, kịp thời phát hiện những nội dung phát sinh hoặc còn mâu thuẫn để đề ra yêu cầu điều tra; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ án.

          Kết quả, đã tham mưu cho lãnh đạo Viện phê chuẩn, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh. Không có vụ án nào phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, không có án sửa, hủy hoặc đình chỉ do không phạm tội. Phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, được cấp ủy đánh giá cao; điển hình:

          - Vụ Nguyễn Thị Mai Loan và đồng phạm (15 bị can) phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (82 bị hại): Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2015 đến tháng 6/2017, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Nguyễn Thị Mai Loan và 14 đồng phạm, tự cho mình có thể xin việc làm, xin chuyển vùng công tác, xin cho các cháu là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn vào học tại trường Văn Hoá I - Bộ Công an, chạy thi đỗ công chức, chạy đỗ kết quả phúc khảo điểm thi công chức... nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của những người bị hại. Để tạo lòng tin cho những người đã nộp tiền và tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị can Loan xin cho họ vào học việc tại các Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Giang và xin học việc tại một số cơ quan nhà nước hoặc đi dạy hợp đồng ở một số trường thay cho những người nghỉ thai sản. Số tiền chi phí học việc do Loan trực tiếp nộp, ngoài ra bị can còn bảo họ mở tài khoản tại Ngân hàng để nhận số tiền lương hỗ trợ học việc, hàng tháng Loan đều chuyển tiền vào tài khoản của họ, khi chuyển tiền vào tài khoản của họ đều lấy tên người khác. Bằng thủ đoạn nêu trên, các bị can đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 82 người bị hại, tổng số tiền chiếm đoạt là 13.872.690.736 đồng. Vụ án đã được truy tố, xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

          - Vụ Nguyễn Thị Li Na phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (36 bị hại): Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2018, Nguyễn Thị Li Na đang giữ chức vụ Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang. Do vay nợ tiền của nhiều người, không có khả năng thanh toán nên Na nói với một số người là bản thân có khả năng chạy thi đỗ công chức, xin việc, xin chuyển công tác đến các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Một số bị hại thấy Na là người có chức vụ lãnh đạo quản lý, đã tin tưởng nên liên hệ nhờ Na giúp. Na hứa hẹn xin việc theo yêu cầu của những người bị hại và yêu cầu họ phải nộp tiền cho Na, sau khi nhận tiền, Na sử dụng để trả nợ và chi tiêu cá nhân hết. Trong khoảng thời gian trên, Nguyễn Thị Li Na đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 36 người bị hại, tổng số tiền chiếm đoạt là 6.760.000.000 đồng. Vụ án đã được truy tố, xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

          - Vụ Lê Đức Minh phạm tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng: Cuối tháng 12/2013, Lê Đức Minh, Nguyên Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo lập hồ sơ thuê nhân công khống không đúng thực tế nạo vét, vận chuyển bùn mương, cống, hố ga trên địa bàn thành phố Tuyên Quang để rút số tiền 138.420.000 đồng, sử dụng vào việc mua 08 bộ bóng đèn chiếu sáng và vật tư để lắp đặt, thay thế hệ thống đèn chiếu sáng tại sân quần vợt do Câu lạc bộ tenis thành phố quản lý. Việc lắp đặt, thay thế hệ thống đèn chiếu sáng nêu trên không thuộc công trình, dự án nào do Công ty cổ phần dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang thi công, xây dựng; cũng không phải công trình phúc lợi công cộng. Hành vi của Lê Đức Minh đã vi phạm khoản 1 Điều 58 và khoản 5 Điều 72 của Luật ngân sách nhà nước, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền 117.060.000 đồng do Công ty đã được UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chi phục vụ công cộng năm 2013. Vụ án đã được truy tố, phân công VKSND thành phố Tuyên Quang thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

          Ngoài ra, Phòng đang thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố 04 chuyên án trộm cắp xảy ra trên địa bàn Tuyên Quang và các tỉnh lân cận với số lượng bị can, bị hại, giá trị tài sản bị chiếm đoạt lớn và nhiều vụ án cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

          Các vụ án nêu trên có số lượng tài liệu rất lớn; nhiều thủ tục hợp đồng, chứng từ, hóa đơn; hành vi phạm tội của các bị can móc xích, đan xen lẫn nhau; việc đánh giá chứng cứ phải dựa trên nhiều tài liệu; công tác tổng hợp hồ sơ, đưa ra các chứng cứ buộc tội tại phiên tòa (chưa áp dụng được việc số hóa tài liệu) đòi hỏi năng lực và trách nhiệm cao. Để không xẩy ra việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng, tập thể phòng đã thực hiện tốt các giải pháp sau:

         1/ Đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, được bố trí phân công cho Kiểm sát viên có năng lực, tăng cường số lượng Kiểm sát viên tham gia kiểm sát.

         2/ Bố trí, phân công công việc hợp lý giữa các Kiểm sát viên, tạo điều kiện cho Kiểm sát viên được phân công tập trung thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án; thường xuyên bám sát và phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên, kiểm sát chặt chẽ tài liệu chứng cứ thu thập được, yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện nghiêm túc việc chuyển tài liệu cho Viện kiểm sát theo khoản 5 điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra.

          3/ Lãnh đạo phòng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nắm chắc tiến độ điều tra, kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo viện chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình điều tra.

          4/ Tổ chức họp phòng, tranh luận làm rõ các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, đặc biệt đề cao việc phân tích tự phản biện, phát huy trí tuệ tập thể. Việc làm này được áp dụng ngay từ khi phê chuẩn khởi tố, giải quyết các nội dung phát sinh, trước khi kết thúc, trước khi truy tố nhằm không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

          5/ Thực hiện việc thiết lập bảng, biểu, sơ đồ để tổng hợp nội dung vụ án và các chứng cứ buộc. Nội dung này đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho Kiểm sát viên khi tổng hợp xây dựng Cáo trạng (sắp xếp về bố cục, nhận định rõ hành vi của từng bị can,...), đặc biệt phục vụ cho quá trình tranh luận với Luật sư tại phiên tòa đảm bảo nhanh, có sức thuyết phục cao (thực tiễn Luật sư thường ngắt bỏ, không nêu các tình tiết, chứng cứ bất lợi cho bị cáo, sau đó xâu chuỗi lại và cho rằng bị cáo không phạm tội).

          6/ Tham mưu cho lãnh đạo Viện phối hợp tổ chức các hội nghị liên ngành rút kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, qua đó kịp thời khắc phục những thiếu sót, hạn chế nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác giải quyết án hình sự.

          Năm 2019, tập thể phòng tiếp tục phấn đấu và đề ra các giải pháp thiết thực trong việc thực hiện các chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, góp phần xây dựng thành tích chung của toàn tỉnh; thực hiện tốt Chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và kế hoạch công tác năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên quang đã đề ra.
 
Nguyễn Tiến Đường.
Tổng số điểm của bài viết là: 34 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top