Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Nghiên cứu - Trao đổi

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 3925

   Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong ngành Kiểm sát Tuyên Quang


Thứ hai - 16/11/2020 21:51
 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, khả năng đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Ngày 04/4/2016, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-VKSTC về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Viện KSND giai đoạn 2016- 2020 và gần đây là Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/9/2020 về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Viện KSND giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

 
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, trong những năm qua, Ban cán sự đảng và tập thể lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác này trong ngành Kiểm sát Tuyên Quang. Với trách nhiệm là đơn vị tham mưu tổ chức thực hiện, Phòng Tổ chức cán bộ Viện KSND tỉnh Tuyên Quang đã tham mưu nhiều giải pháp nâng cao chất lượng trong công tác này. Cụ thể:
 
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 04/4/2016 của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Viện KSND tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể. Từ năm 2018 đến nay đã quan tâm bố trí 158 lượt  công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước; chủ động rà soát, hợp đồng với cơ sở đào tạo mở lớp Tiếng Anh trình độ bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam cho 61 đồng chí trong ngành; với phương châm tăng cường công tác tự đào tạo, bồi dưỡng, đã tham mưu tổ chức thực hiện sinh hoạt chuyên đề nghiệp vụ thông qua các buổi giao ban trực tuyến kết nối đến các điểm cầu Viện KSND cấp huyện; phân công Kiểm sát viên có nhiều kinh nghiệm giúp đỡ cán bộ trẻ, kiểm sát viên, kiểm tra viên mới được bổ nhiệm theo hình thức cầm tay chỉ việc;  tổ chức 06 cuộc thi viết Cáo trạng, Luận tội và Bài phát biểu dân sự nhằm nâng cao kỹ năng cho cán bộ, công chức; tổ chức các Hội nghị tập huấn chuyên sâu về kỹ năng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kỹ năng kiểm sát việc thu thập tài liệu, chứng cứ của cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự… cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên Viện kiểm sát hai cấp.
 
Thông qua việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là tự đào tạo, bồi dưỡng, đã giúp cho đội ngũ công chức làm công tác nghiệp vụ trong ngành nâng cao ý thức trách nhiệm; có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, qua đó vận dụng hiệu quả trong thực tiễn, hạn chế được nhiều thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ.
 
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp những vướng mắc, hạn chế nhất định trong việc cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng như: Do điều kiện công việc phải thường xuyên thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức trong ngành, nên đôi khi công chức được cử đi học các lớp bồi dưỡng không đúng với đơn vị, lĩnh vực bồi dưỡng đã đăng ký từ đầu năm; vì nhiều lý do khác nhau (lý do sức khỏe, có vụ án phải kết thúc điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian bồi dưỡng…) nên còn một số công chức phải xin hoãn tham gia các lớp bồi dưỡng, ảnh hưởng đến kế hoạch công tác ngay từ đầu năm của Viện KSND tối cao, của các đơn vị được giao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; còn có một số ít công chức chưa thực sự nâng cao tinh thần trách nhiệm, chưa tự giác trong việc học tập, tự học tập nâng cao trình độ. Việc tổ chức tập huấn trong các lĩnh vực công tác khác như Thanh tra, Tổ chức cán bộ, Văn phòng tổng hợp, Kế toán còn chưa được thực hiện thường xuyên.
 
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những vướng mắc, hạn chế nêu trên, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, theo tôi trong thời gian tới Viện KSND tỉnh cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức:
 
Một là: Tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/9/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Viện KSND giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
 
Hai là: Căn cứ Chỉ thị của Viện trưởng, Kế hoạch đào tạo của Viện KSND tối cao xây dựng kế hoạch đào tạo theo từng năm, từng giai đoạn sát với nhu cầu; chọn cử công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng phải khả thi, phù hợp với tình hình của từng đơn vị, ưu tiên cử các công chức trong quy hoạch chức vụ lãnh đạo quản lý, công chức mới được bổ nhiệm chức danh tư pháp, công chức mới tuyển dụng. Đảm bảo hằng năm, mỗi công chức trong Ngành phải được bồi dưỡng ít nhất 05 ngày để cập nhật quy định pháp luật, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Do đặc thù công tác của ngành, mỗi công chức có thể thực hiện những nhiệm vụ khác nhau ở những đơn vị khác nhau trong mỗi giai đoạn nhất định, nên việc cử công chức tham gia các lớp bồi dưỡng phải theo đúng thông báo triệu tập của Viện KSND tối cao hoặc cơ sở đào tạo, không nhất thiết phải đúng với đơn vị, lĩnh vực đang công tác.
 
Ba là: Tăng cường công tác tự đào tạo, đào tạo tại chỗ với phương châm cầm tay chỉ việc và phân công những đồng chí Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ trẻ, mới vào ngành, những đồng chí mới được bổ nhiệm chức danh tư pháp. Hằng năm lựa chọn những lĩnh vực công tác còn hạn chế để xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn và tổ chức các cuộc thi trong ngành; phân công lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên có trình độ, kinh nghiệm xây dựng chương trình, tài liệu, trực tiếp đứng lớp truyền giảng nội dung tập huấn.
 
Bốn là: Chủ động nắm bắt thông tin, liên hệ với Viện KSND tối cao, các cơ sở đào tạo có chức năng tổ chức các lớp tập huấn (có thể bằng hình thức trực tuyến, tập trung) về nội dung tập huấn liên quan đến công tác Tổ chức cán bộ, công tác Văn phòng, Thanh tra, Kế toán nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
 
Năm là: Đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách đối với công chức được cử đi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo đúng quy định của pháp luật và của ngành; kịp thời khen thưởng, biểu dương đối với những công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập, bồi dưỡng, có kết quả cao trong các cuộc thi do Viện KSND tỉnh tổ chức. Đồng thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ học tập khi được phân công.
 
Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Kiểm sát Tuyên Quang tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu thực tiễn đặt ra, đáp ứng nhiệm vụ được giao, đòi hỏi phải nghiêm túc thực hiện Kế hoạch theo từng năm và từng giai đoạn của Viện KSND tối cao và của Viện KSND tỉnh, đồng thời thực hiện đồng bộ một số giải pháp nêu trên trong công tác này./.
 
Hoàng Tiến Tùng - Viện KSND tỉnh
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top