Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Nghiên cứu - Trao đổi

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 2663

   Thực trạng và những vấn đề đặt ra việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế - Đề xuất, kiến nghị


Thứ ba - 19/07/2022 20:31
 
Trong những năm gần đây, việc xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế luôn là vấn đề được xã hội quan tâm, đặc biệt công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát cho nhà nước luôn được cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đạt nhiều thành tích mới trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng. Một phần của thành công đó là việc ban hành mới Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Trước năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi, 2013-2020 đạt hơn 26%. Đặc biệt là năm 2019 và năm 2020, thu hồi bằng 61% tổng số đã thu hồi được trước đây. Tuy có nhiều cải thiện, nhưng kết quả này vẫn chưa phải là cao, số tài sản thu hồi còn thấp hơn so với tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, nguyên nhân là do việc thu hồi tài sản sau trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn  nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng.

 
Trong thời gian qua công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, tại nhiều phiên họp được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thể hiện qua nhiều Văn kiện của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) nêu rõ: “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”. Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng”.
 
Các quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự: Bộ luật Hình sự đã thể hiện rõ quan điểm “chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng” được nêu tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X). Theo đó, Điều 40 Bộ luật Hình sự quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
 
Bộ luật Hình sự đã có nhiều quy định nhằm tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng như: Điều 45 BLHS đã quy định “Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trong hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, Tham nhũng…”, Điều 47 Bộ luật Hình sự quy định rõ về việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự quy định “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”, ngoài ra hình phạt bổ sung là phạt tiền còn được quy định trong tất cả các tội phạm tham nhũng. Đây là cơ sở pháp lý để tòa án áp dụng các biện pháp tư pháp nhằm thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
 
Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định cụ thể trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, của Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán trong việc quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế như kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản để thu hồi tài sản tham nhũng.
 
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn có một số bất cập, khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, cụ thể:
 
Thứ nhất: Việc thu thập chứng cứ trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế gặp nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là trong việc xác định tài sản có nguồn gốc tham nhũng bởi các hành vi tham nhũng thường diễn ra sau nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí trong một khoảng thời gian dài mới bị phát hiện. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng thường mất rất nhiều thời gian, bị gián đoạn do nhiều cơ quan có chức năng khác nhau thực hiện dẫn tới việc các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời áp dụng các biện pháp để thu giữ, kê biên tài sản của các đối tượng phạm tội theo quy định của pháp luật. Khó khăn này phần nào xuất phát từ việc kiểm soát kê khai minh bạch hóa tài sản của cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan chưa được tiến hành một cách quyết liệt, triệt để; thậm chí có đơn vị, địa phương chỉ tiến hành công việc này manh tính chất hình thức. Chính vì vậy đã tạo ra những “kẽ hở” cho các đối tượng phạm tội lợi dụng để dễ dàng tẩu tán tài sản tham nhũng dưới nhiều hình thức khác nhau như đầu tư mua cổ phiếu, bất động sản nhưng nhờ người khác đứng tên, chuyển dịch tài sản cho người khác… thậm chí chuyển tiền ra nước ngoài.
 
Việc các đối tượng che giấu tài sản tham nhũng mà các đối tượng có ở ngoài xã hội bằng hình thức nhờ người khác đứng tên nhiều tài sản có giá trị như bất động sản, nhà đất, xe ô tô, tàu thuyền thì không có căn cứ, bằng chứng để xác định, kết tội được.
Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay, “văn hóa sử dụng tiền mặt” ở nước ta vẫn còn rất phổ biến; cơ chế minh bạch hóa tài sản vẫn chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể; khả năng kiểm soát dòng tiền mặt của ngân hàng chưa được tốt… do vậy, việc chứng minh nguồn gốc các tài sản tham nhũng cũng gây không ít khó khăn cho việc thu hồi của các cơ quan chức năng.

 
Thứ hai: Các biện pháp ngăn chặn, thu hồi tài sản do pháp luật quy định còn chậm trễ, không khả thi.
 
Cơ chế để bảo đảm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát chỉ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, quá trình thực hiện phát sinh nhiều khó khăn,  vướng mắc (Ví dụ: Thời điểm áp dụng biện pháp kê biên tài sản chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo; trong khi đó hành vi tham nhũng có thể đã được phát hiện từ hoạt động kiểm tra và tự kiểm tra của các cơ quan, hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán và phản ánh, tố cáo của cá nhân, tổ chức, do đó, tiềm ẩn nguy cơ cao việc tẩu tán tài sản của bản thân người phạm tội và những người thân thích của họ). Bên cạnh đó pháp luật về tố tụng hình sự chưa có quy định cụ thể các biện pháp điều tra, truy tìm tài sản bị tẩu tán, che giấu ngay từ giai đoạn điều tra. Tài sản bị tịch thu phải là tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm, trong khi trên thực tế, tài sản do tham nhũng mà có thường được cất giấu, che đậy, chuyển hình thức sở hữu ngay trong quá trình phạm tội, trước khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị với cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế trong các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, đất đai.
 
Thứ ba: Về việc sau khi khởi tố, đang trong giai đoạn điều tra thì người thực hiện hành vi phạm tội về tham nhũng chết thì đến nay chưa có quy định về việc thu hồi tài sản của người phạm tội nhưng chưa bị kết án bằng một bản án.
 
Theo quy định tại khoản 7,  Điều 157 và Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án, Quyết định đình chỉ điều tra bị can (nếu đã khởi tố) quá đó chấm dứt toàn bộ hoạt động tố tụng đối với vụ án. Tuy nhiên trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế sau khi khởi tố, điều tra, truy tố các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thu hồi được tài sản mà người thực hiện hành vi phạm tội chết thì việc thu hồi tài sản sẽ thực hiện theo quy định nào?
 
Hiện tại ở Việt Nam mới có hình thức thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế từ bản án; không thể thu hồi tài sản khi không có bản án của Tòa án.
 
Thứ tư: Hiện nay nước ta chưa có quy định cụ thể về tiền ảo. Trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thường không chuyển trực tiếp tiền ra nước ngoài thông qua tài khoản ngân hàng vì rất dễ bị phát hiện, với sự bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội tham nhũng, kinh tế có xu hướng sử dụng số tiền chiếm đoạt được để mua tiền ảo (như đồng bitcoin …) rồi mới chuyển ra nước ngoài do vậy rất khó để kiểm soát. Mặc khác do không có quy định cụ thể nên việc tạm giữ, thu giữ đồng tiền ảo do các đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng, kinh tế sử dụng số tiền chiếm đoạt được mua đồng tiền ảo còn gặp rất nhiều khó khăn.
 
Một số đề xuất, kiến nghị:
 
- Tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, điều tra, tập trung xác minh, truy tìm những tài sản do phạm tội mà có thuộc sở hữu của đối tượng, người nhà đối tượng hoặc tài sản của đối tượng nhưng nhờ người khác đứng tên; khẩn trương kê biên, phong tỏa theo quy định đối với những tài sản này nhằm tránh việc đối tượng tẩu tán, tiêu hủy tài sản tham nhũng. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, quy trình liên quan đến công tác kê biên, phong tỏa, thu hồi tài sản. Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử khi thực hiện các biện pháp kê biên cần chú ý xác định hiện trạng và tình trạng pháp lý của tài sản, lập biên bản rõ ràng, chi tiết, đúng hiện trạng để có cơ sở xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án.
 
- Thực hiện tốt các giải pháp được nêu trong Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
 
- Quá trình xét xử Tòa án cần quyết định rõ quyền sở hữu, quyền sử dụng các tài sản đã áp dụng biện pháp bảo đảm từ khi khởi tố vụ án, đồng thời, xác định rõ nghĩa vụ thi hành án của bị cáo (kể cả nghĩa vụ liên đới theo phần) để đảm bảo hiệu quả xử lý tài sản trong quá trình thi hành án, tránh phát sinh tranh chấp và khiếu nại, tố cáo của đương sự.
 
- Pháp luật Việt Nam cần bổ sung một số phương thức thu hồi tài sản tham nhũng như một số quốc gia trên thế giới, cụ thể
 
+ Tịch thu không dựa trên bản án hình sự hay gọi là “thu hồi dân sự”. Trong khi thu hồi hình sự là thủ tục pháp lý đối với cá nhân thì thu hồi dân sự là một thủ tục pháp lý đối với tài sản, nghĩa là hành động hướng tới chính tài sản do phạm tội mà có. Ưu điểm của biện pháp này là không chỉ giúp tăng cường hiệu quả của công tác chống tham nhũng và rửa tiền mà còn hỗ trợ các quốc gia yêu cầu đã quyết định chuyển giao vụ án cho quốc gia được yêu cầu.
 
+ Thu hồi tài sản thông qua phán quyết hành chính: Các quốc gia có thể sử dụng đa dạng các biện pháp bồi thường mang tính chất hành chính, gồm thu hồi thông qua quyết định hành chính không cần phán quyết tư pháp, phong tỏa tài sản theo lệnh của cơ quan lập pháp hoặc cơ quan hành pháp, hoặc thi hành quyết định hành chính tại tòa án bởi việc ban hành các quyết định thu hồi tài sản sau đó.
 
Để thực hiện việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được triệt để, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng và các cơ quan có liên quan (như: Thanh tra, Kiểm toán,.v..v.) để đảm bảo ngay từ giai đoạn thụ lý tin báo tố giác tội phạm đến điều tra, truy tố, xét xử nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt hiệu quả cao.
 
 
                             Phạm Việt Hùng - Viện KSND huyện Sơn Dương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top