Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Kiểm Sát Viên viết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 819

   Một số khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý người điều khiển xe công nông gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác


Thứ ba - 30/05/2023 10:02
 
Ngày 29/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Một trong những biện pháp đó là đình chỉ lưu hành đối với xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh do tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận người dân còn sử dụng xe công nông phục vụ đời sống, sản xuất nông, lâm nghiệp do xe công nông có nhiều ưu điểm trong thực tế như: Hình thức nhỏ gọn, máy khoẻ, chi phí đầu tư, sửa chữa thấp, đa dụng, phù hợp với nhiều loại địa hình, đường xá ở nông thôn.

 
Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ”, “Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự”.
 
Xe công nông là dòng xe tự chế từ máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp được chế tạo thêm phần thùng xe để chở hàng hoá (Dưới 1.000kg), được điều khiển bằng vô lăng hoặc càng lái. Trên thực tế mặc dù bị cấm lưu hành xong hiện nay tình trạng xe công nông tham gia giao thông đường bộ nhiều. Từ đó ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự an toàn giao thông, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng do xe công nông gây ra. Việc tham gia giao thông của người điều khiển xe công nông tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác nhưng việc xử lý chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong việc áp dụng pháp luật xử lý hình sự đối với hành vi này.
 
Ví dụ cụ thể: Ngày 26/02/2023, C điều khiển xe công nông (Có kiểu dáng tương tự xe ô tô, có từ hai trục, bốn bánh, phần động cơ và thùng hàng lắp trên xát xi), không có biển số đăng ký, chở cát đến công trình xây dựng tại xã A. Khu vực sân đổ cát cao, tiếp giáp và dốc xuống phía đường giao thông ĐH21. Trước khi tháo ben, C cho xe dừng lại, hãm phanh, về số 0, dùng gạch, đá chèn hai lốp sau lại. Quá trình đổ cát xuống thì thùng xe bị tỳ đè vào đống cát cũ khiến hàng lốp sau lăn qua gạch đá chèn lốp lao xuống đường. C dùng chân đạp phanh nhưng xe không dừng được nên đã xảy ra va chạm với ông B điều khiển xe mô tô đi ở đường. Hậu quả ông B chết, xe mô tô bị hư hỏng.
 
Quá trình giải quyết vụ việc trên đã có nhiều quan điểm, nhận định khác nhau, chưa thống nhất trong việc áp dụng pháp luật như sau:
 
1. Quan điểm thứ nhất: Mặc dù là loại xe tự chế nhưng xe công nông không bị cấm hoạt động phục vụ sản xuất, kinh doanh ở nông thôn. Quá trình đổ cát, C không điều khiển xe công nông tham gia giao thông. C đã thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn như: Dừng xe, hãm phanh, về số 0, dùng gạch, đá chèn lốp. Việc xe bị trôi ra đường là sự kiện bất ngờ. Vì vậy, hành vi của C không phải chịu trách nhiệm hình sự.
 
2. Quan điểm thứ hai: Thời điểm xảy ra vụ việc, C ý thức được việc dừng xe ở sân có độ dốc có thể nguy hiểm đến người khác nên đã thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn như: Dừng xe, hãm phanh, về số 0, dùng gạch, đá chèn lốp. Khi xe bị trôi lao xuống đường, C đã dùng chân đạp phanh, không điều khiển xe tham gia giao thông. Hậu quả xảy ra với ông B là vô ý.
 
Vì vậy, C phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người, quy định tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự.
 
3. Quan điểm thứ ba: Căn cứ Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe công nông được coi là một loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tuy nhiên, do là loại xe tự chế, không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật. Vì vậy, hành vi của C là cố ý đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không đảm bảo an toàn gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của người khác. Vì vậy, C phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không đảm bảo an toàn, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 262 Bộ luật Hình sự.
 
4. Quan điểm thứ tư và đồng thời là quan điểm của tác giả: Mặc dù xe công nông hiện nay bị đình chỉ lưu hành tham gia giao thông đường bộ theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ nhưng vẫn được chấp nhận sử dụng phục vụ trong sản xuất tại các khu vực nông thôn, vùng núi. C điều khiển xe công nông chở cát phải có Giấy phép lái xe theo quy định (Hạng A4 nếu là xe công nông điều khiển bằng càng hoặc hạng B2, C trở lên đối với xe có kiểu dáng tương tự xe ô tô). Vì vậy, C phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự.
 
Từ thực tiễn và ví dụ nêu trên, tác giả rất mong nhận được các ý kiến góp ý của bạn đọc để góp phần giải quyết vụ việc hợp tình, hợp lý, đúng quy định pháp luật./.
 

 
(Ảnh minh hoạ)
 
Phạm Việt Hùng – Viện KSND huyện Sơn Dương
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top