Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 566

   Bàn về việc áp dụng căn cứ pháp luật trong giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án cố ý gây thương tích một người gây thương tích cho nhiều người khi có một bị hại rút yêu cầu khởi tố


Thứ hai - 16/10/2023 05:31
 
Việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại được quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, cho phép người bị hại, người đại diện của bị hại có quyền quyết định việc có khởi tố vụ án hình sự hay không thông qua yêu cầu khởi tố. Đồng thời nếu tại các giai đoạn tố tụng việc khởi tố, điều tra, truy tố đã diễn ra và trước khi xét xử hoặc tại phiên toà, bị hại thấy không muốn xử lý người phạm tội nữa thì pháp luật cho phép họ được quyền rút yêu cầu này và vụ án phải được đình chỉ. Nhưng thực tiễn khi tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án theo yêu cầu của nhiều bị hại gặp phải những vướng mắc trong áp dụng căn cứ pháp luật tố tụng; ví dụ như vụ án Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015:   

 
Đỗ Văn T và Nguyễn Ngọc H đến quán ăn của vợ chồng Tạ Mạnh N để ăn, sau khi ăn và thanh toán tiền hai bên mâu thuẫn về giá cả dẫn đến cãi chửi nhau; Tạ Mạnh N vào nhà lấy dao đập 1 nhát vào bên trái đầu Nguyễn Ngọc H gây thương tích; sau đó nhìn thấy Đỗ Văn T đang đứng ngoài đường, nên N cầm dao đuổi theo chém hai nhát trúng vào chân và tay của Đỗ Văn T gây thương tích; lúc này mọi người can ngăn nên sự việc chấm dứt, T và H được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Sau đó Nguyễn Ngọc H trình báo cơ quan điều tra và có đơn yêu cầu khởi tố đối với Tạ Mạnh N.
 
Kết luận giám định pháp y về thương tích đối với Nguyễn Ngọc H tổn hại 2% sức khoẻ; đối với Đỗ Văn T tổn hại 19% sức khoẻ.
 
Trong vụ án này Cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã tiếp nhận đơn yêu cầu khởi tố của bị hại và tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm đối với N theo quy định tại điểm c, đ, khoản 2, Điều 134 BLHS.
 
Tại phiên toà xét xử phúc thẩm bị hại Nguyễn Ngọc H người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đã có đơn rút yêu cầu khởi tố đối với bị cáo N. Như vậy việc bị hại H có đơn rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà xét xử phúc thẩm đặt ra vấn đề vướng mắc có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau giữa cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, cụ thể đó là: Hội đồng xét xử chấp nhận hay không chấp nhận việc rút yêu cầu khởi tố.
 
Quan điểm thứ nhất: không chấp nhận việc bị hại H rút yêu cầu khởi tố. Quan điểm này cho rằng tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết” trong khi vụ án này khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm theo điểm c, đ, khoản 2, Điều 134 BLHS như vậy không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 155 BLTTHS nên không chấp nhận việc rút yêu cầu khởi tố
 
Quan điểm này cho rằng Cơ quan tố tụng đã tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm đối với N theo quy định tại điểm c, đ, khoản 2, Điều 134 BLHS là đúng quy định của pháp luật bởi trong vụ án này Tạ Mạnh N dùng hung khí gây thương tích cho Nguyễn Ngọc H tổn hại 2% sức khoẻ, sau đó tiếp tục gây thương tích cho Đỗ Văn T tổn hại 19% sức khoẻ, như vậy thoả mãn yếu tố cấu thành độc lập tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 134 BLHS; đồng thời H đã có đơn yêu cầu khởi tố được cơ quan điều tra tiếp nhận, giải quyết do đó trong vụ án này việc điều tra, truy tố, xét xử theo điểm c, đ, khoản 2, Điều 134 là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 155 BLTTHS.   
 
Tuy nhiên quan điểm này đặt ra một vấn đề bất cập, mâu thuẫn trong giải quyết, gây bất lợi, làm mất quyền của bị hại, bởi trong vụ án này cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm một mặt cho rằng H bị N dùng hung khí tấn công gây tổn hại 2% sức khoẻ, đủ yếu tố cấu thành độc lập tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 134 BLHS; H đã có đơn yêu cầu khởi tố được cơ quan điều tra tiếp nhận, giải quyết. Nhưng mặt khác lại không chấp nhận việc H rút yêu cầu khởi tố vì cho rằng vụ án này việc điều tra, truy tố, xét xử theo điểm c, đ, khoản 2, Điều 134 không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 155 BLTTHS.  
 
Quan điểm thứ hai: Chấp nhận việc bị hại H rút yêu cầu khởi tố.
 
Theo quan điểm này thì trong vụ án trên có 2 bị hại cùng bị Tạ Mạnh N gây thương tích là H tổn hại 2% và T tổn hại 19% sức khoẻ, H và T đã có đơn trình báo, yêu cầu khởi tố được cơ quan điều tra tiếp nhận, giải quyết. Trong vụ án này căn cứ kết luận giám định pháp y về thương tích, T tổn hại 19% sức khoẻ, Cơ quan tố tụng đã tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm đối với N theo quy định tại điểm c, đ, khoản 2, Điều 134 BLHS. Việc điều tra, truy tố, xét xử của cấp sơ thẩm đặt ra vấn đề vướng mắc như sau:
 
Ý kiến thứ nhất: việc áp dụng điểm c, khoản 2, điều 134 BLHS “Phạm tội 02 lần trở lên” là chưa phù hợp; bởi hành vi phạm tội của Tạ Mạnh N đối với Nguyễn Ngọc H và Đỗ Văn T thực hiện liên tiếp, trong cùng một thời điểm nên không thoả mãn yếu tố cấu thành “Phạm tội 02 lần trở lên” và chỉ là một lần phạm tội; do đó cần sửa bản án sơ thẩm.  
 
Ý kiến thứ hai: việc áp dụng điểm c, khoản 2, điều 134 BLHS “Phạm tội 02 lần trở lên” là thoả mãn yếu tố cấu thành độc lập tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 134 BLHS; như vậy việc áp dụng điểm c, khoản 2, điều 134 BLHS là có căn cứ. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là bị hại H không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, … của Bộ luật hình sự …” bởi đối với việc T gây thương tích cho H nếu tách ra một vụ án độc lập thì đã đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 134 BLHS; mặt khác việc rút yêu cầu khởi tố của H là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc. Do đó H hoàn toàn đủ điều kiện thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS khởi tố theo yêu cầu bị hại, như vậy H chính là chủ thể có quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và là người đã yêu cầu khởi tố; người đã yêu cầu khởi tố là người bị hại có quyền rút yêu cầu; Tại giai phiên toà xét xử phúc thẩm H đã có đơn rút yêu cầu khởi tố, đây là quyền được pháp luật cho phép được quy định tại Khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”. Do đó cần chấp nhận việc rút yêu cầu khởi tố và sửa bản án sơ thẩm.
 
Tuy nhiên quan điểm này gặp phải vấn đề vướng mắc trong việc xác định căn cứ để áp dụng.
 
Theo nội dung công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của Toà án Tối cao, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm: Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của Bộ luật Tố tụng hình sự hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Trong bản án phúc thẩm, Tòa án phải nhận định rõ lý do hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, không phải do lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm; đây là hướng dẫn thuộc trường hợp vụ án khởi tố theo yêu cầu bị hại đơn thuần, có bị hại thuộc khoản 1, Điều 155 BLTTHS rút yêu cầu khởi tố. Còn trong trường hợp ví dụ vụ án nêu trên, có một bị hại có mức tổn hại sức khoẻ thuộc khoản 1, một bị hại có mức tổn hại sức khoẻ thuộc khoản 2 và vụ án được điều tra, truy tố, xét xử theo khoản 2, Điều 134 BLHS; do vậy về nguyên tắc Hội đồng xét xử không thể áp dụng khoản 2 Điều 155 và  Điều 359 BLTTHS để tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án được.
 
Trong trường hợp vụ án nêu trên, theo quan điểm của tác giả, Hội đồng xét xử vận dụng khoản 2, Điều 155 BLTTHS chấp nhận đơn rút yêu cầu khởi tố của bị hại Nguyễn Ngọc H với hành vi cố ý gây thương tích của bị cáo Tạ Mạnh N và nêu rõ trong phần nhận định của Toà án; căn cứ điểm b, khoản 1, Điều 355; điểm c, khoản 1, Điều 357 BLTTHS để sửa bản án sơ thẩm, theo hướng huỷ bỏ tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 134 “Phạm tội 02 lần trở lên”.
 
Trên đây là một số quan điểm về việc áp dụng căn cứ pháp luật trong giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án cố ý gây thương tích có một trong hai bị hại rút yêu cầu khởi tố, rất mong được bạn đọc chia sẻ và thảo luận, phản ánh trong quá trình góp ý xây dựng pháp luật, đề nghị Liên ngành Tư pháp Trung ương sớm có Hướng dẫn cụ thể, phù hợp với thực tiễn nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để việc nhận thức và áp dụng pháp luật được thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật.      
 
                                                                                              Trần Đức Hiệp - P7
Tổng số điểm của bài viết là: 23 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top