Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 1496

   Một số vướng mắc và giải pháp thực hiện Quy định số 161/QĐ-VKSTC ngày 28/4/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong ngành Kiểm sát Tuyên Quang


Chủ nhật - 31/10/2021 04:03
 
Luật phòng chống tham nhũng 2018 có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2019, quy định vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm phòng ngừa tham nhũng. Tại khoản 1 Điều 25 quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ”.

 
Cụ thể hóa quy định trên, ngày 28/4/2021 Viện KSND tối cao ban hành Quy định Về việc chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 161/QĐ-VKSTC). Trong đó quy định rõ Vị trí công tác định kỳ chuyển đổi (Điều 3), Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác (Điều 4), Phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác (Điều 5) và các quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, những trường hợp chưa thực hiện, chuyển đổi trong trường hợp đặc biệt đối với công chức, viên chức đang công tác tại Viện KSND các cấp.
 
Thực hiện Luật và Quy định của Viện KSND tối cao, ngay từ đầu năm ngành Kiểm sát Tuyên Quang đã thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, điều động, luân chuyển 32 đ/c giữa các đơn vị trong ngành. Trong đó 02 đ/c Viện trưởng Viện KSND cấp huyện; 02 đ/c trưởng phòng; 05 đ/c Phó Viện trưởng Viện KSND cấp huyện; 01 đ/c Phó Trưởng phòng; 03 Kiểm sát viên trung cấp, 09 Kiểm sát viên sơ cấp, 10 Kiểm tra viên được điều động có thời gian công tác tại đơn vị trước khi chuyển đổi từ 02 năm trở lên.
 
Qua việc rà soát, chuyển đổi vị trí công tác trong thời gian qua về cơ bản đã phù hợp với quy định về vị trí công tác, thời hạn, phương thức thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp phải một số vướng mắc nhất định, cụ thể:
 
- Theo quy định khoản 3, Điều 2 Quy định số 161/QĐ-VKSTC quy định: “Việc chuyển đổi vị trí công tác phải đảm bảo sự bình đẳng, khách quan, phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường về chuyên môn, nghiệp vụ của người được chuyển đổi vị trí công tác, bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng công tác của cơ quan, đơn vị”. Đoạn 1, Điều 4 quy định: “Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng công việc, lĩnh vực”. Thực tế khi thực hiện các quy định này, một số vị trí công tác cần có kỹ năng, nhiều kinh nghiệm và trình độ thì ít có người phù hợp để chuyển đổi hoặc không có người thay thế (ví dụ đối với công chức làm công tác thi đua khen thưởng, công chức giữ chức danh kế toán trưởng Viện KSND tỉnh …).
 
Hiện nay ngành Kiểm sát Tuyên Quang có 67 biên chế công chức nữ /139 biên chế được giao. Thực hiện phương thức thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, đảm bảo phù hợp đối với số công chức công tác, tại một số đơn vị Viện KSND cấp huyện vùng cao (Viện KSND huyện Chiêm Hóa, Viện KSND huyện Na hang, Viện KSND huyện Lâm Bình) đã ổn định về gia đình hoặc gia đình hiện có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn… nếu phải điều động đến công tác tại các huyện khác sẽ tác động làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt gia đình cũng như tâm lý không yên tâm công tác của công chức, qua đó phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ, chất lượng công tác chung của cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó nếu chỉ thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cùng cơ quan, đơn vị thì số công chức này luôn công tác tại một đơn vị nhất định, do đó không đảm bảo sự bình đẳng quy định tại khoản 3 Điều 2 của Quy định số 161/QĐ-VKSTC.
 
- Về đối tượng: Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức công tác tại một số đơn vị Viện KSND cấp huyện (Viện KSND huyện Chiêm Hóa, Viện KSND huyện Na Hang, Viện KSND huyện Lâm Bình) vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán riêng, địa bàn núi cao, phức tạp, vị trí các xã xa nhau, đi lại khó khăn. Số công chức này đã có thời gian công tác nhiều năm nên thuận lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ (như thông thuộc tập quán, đặc điểm về dân cư, địa lý đảm bảo thực hiện tốt công tác Khám nghiệm hiện trường, Khám nghiệm tử thi, Kiểm sát thi hành án…). Do vậy khi thực hiện thời hạn định kỳ chuyển đổi từ 02 đến 05 năm (theo phương thức chuyển đổi giữa các cơ quan, đơn vị), số công chức mới được chuyển đổi phải mất một khoảng thời gian nhất định mới nắm bắt và thông thạo địa bàn do đó ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chung của đơn vị cũng như công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.
 
Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý: Đã phối hợp tốt trong mối quan hệ với các cơ quan hữu quan và cấp ủy địa phương. Hầu hết các đồng chí cấp trưởng đều là Huyện ủy viên, được phân công phụ trách xã, quá trình công tác đã tạo được uy tín tốt, nâng cao vai trò, vị thế của Viện KSND trong hệ thống chính trị của địa phương. Thực hiện định kỳ luân chuyển thì các đồng chí lãnh đạo được luân chuyển phải mất một khoảng thời gian nhất định để cấp ủy địa phương bổ sung vào cấp ủy, phân công phụ trách xã, chứng minh khả năng của mình trong quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ.
 
Để thực hiện có hiệu quả Quy định về việc chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân (Kèm theo Quyết định số 161/QĐ-VKSTC ngày 28/4/2021), ngành Kiểm sát Tuyên Quang cần phải thực hiện nghiêm quy định và thực hiện một số giải pháp phù hợp với đặc điểm của địa phương nhằm khắc phục những vướng mắc nêu trên, cụ thể:
 
Một là: Đề nghị Viện KSND tối cao quy định cụ thể về việc luân chuyển, điều động đối với công chức giữ chức danh kế toán trưởng giữa các Viện KSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định về thẩm quyền và thời hạn định kỳ chuyển đổi thuộc Viện KSND tối cao.
 
Hai là: Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong việc thực hiện quy định về luân chuyển, điều động công chức: Căn cứ nhu cầu công tác, ngay từ đầu năm giao cho phòng Tổ chức cán bộ rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện (về điều động, luân chuyển công chức cụ thể giữa các đơn vị và thời gian thực hiện; chuyển đổi vị trí công tác của công chức từ bộ phận này sang bộ phận khác tại các phòng thuộc Viện KSND tỉnh; thời hạn định kỳ chuyển đổi…) đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng; yêu cầu, hướng dẫn Viện KSND cấp huyện thực hiện việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của công chức giữa các bộ phận trong đơn vị. Bản kế hoạch gửi về Viện KSND tỉnh (qua phòng Tổ chức cán bộ) để theo dõi thực hiện, tổng hợp báo cáo Viện KSND tối cao theo quy định.
 
Ba là: Thường xuyên quán triệt, quán triệt lại quy định của Viện KSND tối cao về chuyển đổi vị trí công tác qua đó nâng cao nhận thức của công chức trong toàn ngành nhất là cán bộ trẻ có trình độ, triển vọng, coi việc chuyển đổi, điều động là một điều kiện, cơ hội để rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, là một dịp tốt để thể hiện bản thân, vận dụng những kiến thức đã học, nghiên cứu vào thực tiễn.
 
Bốn là: Gắn công tác luân chuyển công chức lãnh đạo quản lý với việc đánh giá, đào tạo, quy hoạch công chức qua đó thực hiện bố trí, sử dụng, luân chuyển hợp lý phù hợp với từng địa phương, đơn vị, đồng thời làm tốt tư tưởng đối với công chức được luân chuyển nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ ngay khi được luân chuyển./.

Hoàng Tiến Tùng - Phòng 15, Viện KSND tỉnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top