Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Nghiên cứu - Trao đổi

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 347

   Một số vướng mắc trong công tác phối hợp rà soát thanh loại đối tượng truy nã


Thứ bảy - 11/11/2023 04:09
 
Trong thời gian qua, ngành Công an đã tích cực, tăng cường công tác vận động, truy bắt đối tượng truy nã; góp phần hạn chế việc phát sinh tội phạm mới; phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả do đối tượng truy nã gây ra cho xã hội. Hằng năm đều có rà soát, phân loại số đối tượng truy nã; xây dựng kế hoạch, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để công tác truy bắt đối tượng truy nã đạt hiệu quả cao. Đồng thời, phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương gửi "Thư kêu gọi người phạm tội ra đầu thú", coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác truy nã tội phạm. Qua đó, đảm bảo tất cả đối tượng truy nã đã xác định nhân thân đều có thư kêu gọi ra đầu thú, nhất là số đối tượng truy nã đã lâu nhưng không có kết quả.

 
Đến nay còn có nhiều đối tượng thi hành án là phạm nhân bỏ trốn, Trại giam đã ra quyết định truy nã, trong đó có đối tượng cụ thể như sau:
 
Nội dung vụ án: khoảng 01 giờ 15 phút ngày 24/11/1976, PDV sinh năm 1948, địa chỉ xã TV, huyện DT, tỉnh HN cùng NĐP vào phòng ngủ của tập thể công nhân Đội Công trình 2, Xí nghiệp xây lắp I, Nhà máy điện TN trộm cắp 05 chiếc hòm gỗ đựng đồ dùng cá nhân của các bị hại lấy đi một số tài sản để trong hòm như sau:
 
+ Trộm cắp của anh NHC 40 đồng tiền mặt, 01 quần tuýt xi pha len, 01 bút máy Trường Sơn, 01 bút chì bi, 01 quyển an bom… giá trị thiệt hại 112 đồng;
 
+ Trộm cắp của anh KĐH 6 đồng tiền mặt, 01 bút máy Trường Sơn, 01 bút máy Hồng Hà và một số tài sản khác có tổng giá trị 14 đồng;
 
+ Trộm cắp của anh BVN 01 bút máy Hồng Hà, 05 tập giấy trắng, 01 kg đường kính, 15 đồng tiền mặt, tổng thiệt hại 35 đồng.
 
- Tại Bản án số 201/STHS ngày 20/9/1978 của Toà án nhân dân thành phố HN áp dụng khoản 2 Điều 6; khoản 2 Điều 16 và Điều 17 Pháp lệnh ngày 21/10/1970 trừng trị các tội xân phạm tài sản riêng công dân, xử phạt PDV 04 năm tù;
 
- Ngày 26/11/1979, khi đang chấp hành án thì PDV bỏ trốn, hiện chưa bắt lại được.
 
Đến nay PDV đã trên 75 tuổi, việc truy nã đối với PDV đã 44 năm không có kết quả, từ khi PDV trốn đến nay, Nhà nước đã đổi tiền 02 lần vào năm 1978 và năm 1985, mỗi lần đổi tiền giá trị tiền mới thấp xuống bằng 1/10 giá trị tiền cũ; trải qua 3 lần sửa đổi và thay đổi Bộ luật hình sự, nhiều quy định của luật đã được thay đổi.
 
Thực hiện Công điện số 904 ĐK.K của Bộ Công an yêu cầu các Trại giam phối hợp với liên ngành tư pháp địa phương rà soát và thanh loại đối tượng truy nã theo quy định của pháp luật. Để thanh loại, miễn toàn bộ hình phạt còn lại, thanh loại PDV ra khỏi danh sách truy nã, còn có khó khăn, vướng mắc như sau:
 
- Căn cứ điểm c, mục 3, Nghị quyết 32/1999 ngày 21/12/1999 của Quốc Hội khoá X Nghị quyết về thi hành BLHS năm 1999 quy định: “Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự trước đây quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự này không quy định là tội phạm; nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trong trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì họ được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt”;
 
- Căn cứ điểm c, d và đ khoản 2 Điều 1, Nghị quyết số 33/2009 ngày 19/6/2009 của Quốc Hội  khoá XII về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự quy định:
 
“c) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện một trong các hành vi sau đây, trừ trường hợp có yếu tố định tội khác:
 
c.1. Hành vi quy định tại khoản 1 các điều 137, 138, 139, 278 và 280 của Bộ luật hình sự mà tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới hai triệu đồng;
 
đ) Trong trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản này, nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì họ được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt”;
 
- Căn cứ điểm d khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 41/2017 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội  khoá XIV về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017 quy định:
 
d) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa. Nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt”;
 
Quan điểm thứ nhất: căn cứ  Nghị quyết 32/1999 ngày 21/12/1999 của Quốc Hội, Nghị quyết số 33/2009 ngày 19/6/2009 của Quốc Hội, Nghị quyết số 41/2017 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội, giá trị tài sản PDV trộm cắp quá nhỏ so với hai triệu đồng đối với tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 BLHS năm 2015, do đó không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, PDV đã trên 75 tuổi, khi bị xét xử PDV về tội trộm cắp tài sản nhưng chưa được định giá vì vậy theo quy định của pháp luật, hành vi đó không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, do đó PDV được miễn hình phạt còn lại và thanh loại ra khỏi danh sách truy nã.
 
Quan điểm thứ hai cho rằng Bản án số 201/STHS ngày 20/9/1978 của Toà án nhân dân thành phố HN ghi PDV có tiền sự do đó mặc dù tài sản trộm cắp dưới hai triệu đồng nhưng thuộc trường hợp có tiền sự nên PDV không được thanh loại.
 
Đề xuất giải quyết: phạm nhân PDV hiện nay đã 75 tuổi, ít còn nguy hiểm cho xã hội, việc truy nã đã trên 44 năm không có kết quả, không có thông tin gì về đối tượng truy nã, số tiền trộm cắp quá nhỏ, xét theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, đề nghị cơ quan có thẩm quyền thanh loại đối tượng ra khỏi danh sách truy nã.
  
Tạ Văn Thiển- Phòng 8
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top