Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 8757

   Tăng cường công tác kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật trong tố tụng hình sự.


Thứ năm - 16/08/2018 21:49

          Trong những năm qua ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện tốt chức năng kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp,bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, công dân. Về công tác xây dựng pháp luật, ngành Kiểm sát đã tham mưu cho Quốc hội xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phải giải quyết các quan hệ mới phát sinh trong đời sống xã hội. Đồng thời, để đồng bộ hóa với hệ thống các văn bản pháp luật và xác định vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định rõ công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một lĩnh vực công tác của Viện kiểm sát nhân dân, đó là: “Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền  theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại tố cáo  trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền” (điểm đ, khoản 3 Điều 4; điểm h, khoản 2 Điều 6). Để cụ thể hóa quy định này, ngành Kiểm sát đã ban hành Quy chế Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

          Xuất phát từ thực tiễn quá trình kiểm sát và giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng của các cơ quan tư pháp, về cơ bản đã giải quyết khiếu nại đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên cũng có những trường hợp có những sai sót trong quá trình giải quyết dẫn đến tình trạng khiếu kiện bức xúc, kéo dài, khiếu kiện vượt cấp, phần nào làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động bình thường của các cơ quan tư pháp. Để hạn chế tối đa những sai sót trong quá trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, gọi tắt là Quy chế 51), trong đó có quy định về việc “Xử lý đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật”. Đây là một quy định mới nhằm đảm bảo tính khách quan, thận trọng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân đối với công dân, tổ chức, cá nhân có đơn khiếu nại, đảm bảo quyền dân chủ, quyền con người, mặt khác góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế những bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

          Theo quy định tại Điều 14 Quy chế 51, các trường hợp khiếu nại trong hoạt động tư pháp có quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện kiểm sát, nếu người khiếu nại tiếp tục gửi đơn đối với nội dung đã được giải quyết, thì được xác định là “Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật”. Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định chỉ được xem xét kiểm tra khi có một trong những điều kiện sau: Đơn bức xúc, kéo dài; đơn về vụ việc có dấu hiệu oan sai; đơn có sự chỉ đạo xem xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đơn được các cơ quan báo chí và dư luận quan tâm; đơn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở trung ương hoặc địa phương.

          Kể từ khi có quy định này trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã phát sinh nhiều đơn đề nghị xem xét lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính và hôn nhân gia đình…, chủ yếu là đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố về Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra. Do đó trách nhiệm kiểm sát và giải quyết đơn trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát ngày càng cao, việc tăng cường công tác kiểm tra đối với những quyết định này là hết sức cần thiết, nhất là các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật trong tố tụng hình sự của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố. Đây là một giai đoạn quan trọng trong quá trình giải quyết khiếu nại, có tác động mạnh mẽ đến hiệu quả giải quyết, góp phần tạo niềm tin cho người dân đối với các cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

          Qua hơn hai năm thực hiện công tác kiểm tra lại các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật cho thấy số đơn đề nghị kiểm tra lại ngày càng gia tăng, năm sau tăng hơn năm trước, năm 2016 (sau khi Quy chế 51 có hiệu lực) không có đơn đề nghị, năm 2017 có 04 đơn, 6 tháng đầu năm 2018 có 10 đơn, nội dung đơn đều đề nghị xem xét lại Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra. Các nội dung khiếu nại này đã được Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố giải quyết theo trình tự pháp luật quy định. Sau khi tiếp nhận đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát tỉnh đã yêu cầu Viện kiểm sát huyện, thành phố chuyển hồ sơ vụ việc để nghiên cứu trả lời các nội dung khiếu nại của công dân. Đa số người khiếu nại sau khi nhận được văn bản trả lời về kết quả kiểm tra đã nhất trí và không tiếp tục khiếu kiện, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp người dân không nhất trí vì họ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ chưa được giải quyết thỏa đáng nên tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Viện kiểm sát cấp trên.

          Kết quả kiểm tra các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật cho thấy công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo về thời hạn, thời hiệu được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự và Quy chế 51, góp phần giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài cũng như những vụ việc, những mâu thuẫn mới phát sinh trong nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự trong thời gian qua vẫn còn có những tồn tại, hạn chế như:

          - Công tác tham mưu giải quyết khiếu nại ở một số vụ việc cụ thể còn chậm chưa đạp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao dẫn đến vi phạm về thời hạn giải quyết, gây bức xúc cho người khiếu nại.

          - Việc ban hành văn bản giải quyết khiếu nại có vụ việc còn chưa có sự thống nhất về kết quả giải quyết; việc trả lời khiếu nại chưa đi vào trọng tâm nội dung người dân khiếu nại dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

          - Chưa chú trọng việc tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để nắm thông tin làm cơ sở để giải quyết vụ việc một cách khách quan, toàn diện, giúp người khiếu nại hiểu rõ hơn các vấn đề họ đang thắc mắc cũng như việc áp dụng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết, nhằm giải tỏa những bức xúc và giảm tải khiếu kiện kéo dài.

          Những thiếu sót, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân tập trung ở một số vấn đề sau:

          Về nguyên nhân khách quan:

          - Hệ thống quy định của pháp luật ngày càng được hoàn thiện, nhưng với những vụ việc do yếu tố lịch sử để lại, trong điều kiện một số vụ việc được giải quyết qua nhiều thời kỳ với chính sách pháp luật có sự bất cập, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

          - Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người dân còn chưa được thường xuyên, liên tục, đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhận thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế.

          - Ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân chưa cao, thậm chí cố chấp được thua, cố tình đeo bám cơ quan nhà nước, lợi dụng quyền dân chủ gây áp lực hoặc có những lời nói xúc phạm gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cán bộ tiếp dân, cơ quan giải quyết khiếu nại.

          Về nguyên nhân chủ quan:

          - Đa số những vụ việc khiếu kiện nhiều lần, kéo dài là những vụ việc xảy ra đã nhiều năm, gặp khó khăn trong quá trình xác minh, thu thập chứng cứ do có mâu thuẫn trong công tác khám nghiệm hiện trường, dấu vết của vật chứng, công tác giám định pháp y, lấy lời khai của người liên quan, người làm chứng… những mâu thuẫn này không thể khắc phục được trong quá trình giải quyết.

          - Công tác điều tra, xác minh ban đầu khi tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố ở một số vụ việc còn có sai sót, chưa kịp thời đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giải quyết khiếu nại.

          - Công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp là khâu nghiệp vụ đòi hỏi người cán bộ làm công tác này phải có kỹ năng nghiệp vụ tốt, có khả năng tổng hợp các quy định của pháp luật có liên quan. Việc tự nghiên cứu, học tập để nắm chắc các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và vận dụng trong thực tiễn ở một số ít cán bộ còn hạn chế.

          Để việc giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự được thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ngoài việc triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, cũng cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện những sai sót, vi phạm trong quá trình thực hiện, kịp thời có những biện pháp khắc phục, sửa chữa nhằm đảm bảo các quyết đinh giải quyết khiếu nại có hiệu lực, hiệu quả. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, theo tôi cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

          - Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó có các quy định về giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự. Nâng lên thành luật quy định về giải quyết đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định có hiệu lực pháp luật trong văn bản tố tụng tương ứng từng lĩnh vực, quy định cụ thể về thời hạn, thời hiệu gửi đơn đề nghị, thời hạn giải quyết, các điều kiện cụ thể để xác định loại đơn đề nghị được kiểm tra, đối với những đơn chưa đáp ứng điều kiện kiểm tra lại cần phải thông báo cho công dân để tránh việc người dân gửi đơn kéo dài. Cần thiết phải xây dựng quy định về việc ghi âm, ghi hình trong quá trình tiếp công dân, tổ chức đối thoại…để hạn chế việc công dân lạm dụng quyền dân chủ ghi âm, ghi hình, có những lời nói xúc phạm, gây áp lực và phản cảm cho cán bộ tiếp công dân, đăng tải những nội dung làm việc lên mạng xã hội để chia sẻ, bình luận không đúng bản chất sự việc gây ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ tiếp công dân và cơ quan giải quyết khiếu nại.

          - Thông qua công tác tiếp công dân, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vu án hình sự, dân sự, hành chính… tích cực tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giải quyết khiếu nại trong quần chúng nhân dân.

          - Cần tăng cường nhân sự cho đơn vị làm nhiệm vụ kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo hướng bố trí các Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm trong công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự, dân sự, hành chính…

          - Phòng kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ để tham mưu đề xuất những quy trình cũng như đường lối giải quyết đơn đề nghị đúng quy định của pháp luật.

          - Cán bộ, kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cần không ngừng nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn; trau dồi đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp để có những phản ứng linh hoạt, nhạy bén, xử lý nhanh nhẹn mọi tình huống trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

           - Nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Cần có sự phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, đề ra các yêu cầu điều tra kịp thời, có trọng tâm, tránh trường hợp chủ quan, bỏ sót các tình tiết, chứng cứ quan trọng dẫn đến việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm không được khách quan, toàn diện.

          - Qua công tác giải quyết đơn đề nghị, kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, cần phải tăng cường thông báo rút kinh nghiệm những thiếu sót, hạn chế cả trong lĩnh vực giải quyết đơn cũng như trong lĩnh vực chuyên môn khác như trong giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, để từ đó rút kinh nghiệm chung trong các khâu công tác nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

          Quy định về kiểm tra lại các quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp là một trong những cơ chế, giải pháp phản ánh tính thận trọng, khách quan trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân, đồng thời thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta là của dân, do dân, vì dân và thực hiện mục tiêu an dân. Thực hiện tốt quy định này sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, khẳng định được vị thế của ngành kiểm sát nhân dân và tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân đối với các cơ quan thực thi pháp luật. Do vậy giải pháp tăng cường công tác kiểm tra lại các quyết định giải quyết khiếu nại là một nhiệm vụ rất cần tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong thời gian tới nhằm đảm bảo mọi quyền và lợi ích hợp pháp của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều được luật pháp bảo vệ.

 
Trần Thị Bích Hạnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top