Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo cũng như đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu trong hoạt động Tư pháp nói chung và trong lĩnh vực tố tụng hình sự nói riêng là một trong những khâu quan trọng trong công tác kiểm sát của ngành Kiểm sát nhân dân.
Tại Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp được ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sau đây gọi tắt là Quy chế 51) đã quy định cụ thể về công tác tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý và quản lý đơn; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát; kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của cơ quan có thẩm quyền.., trong đó có quy định về tiếp nhận và xử lý đối với đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh, yêu cầu liên quan đến hoạt động tư pháp nói chung và liên quan đến tố tụng hình sự nói riêng.
Trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu trong hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân huyện Hàm Yên nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như sau:
Thứ nhất: Đối với đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu liên quan đến tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát.
Theo Quy chế 51 thì đơn gửi đến Viện kiểm sát đều phải được Viện kiểm sát tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn. Theo đoạn 1 điểm c khoản 5 Điều 10 của Quy chế 51, Xử lý đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu như sau "Đối với đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình, thì đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chuyển đến các đơn vị có trách nhiệm hoặc người có thẩm quyền để xem xét". Tuy nhiên, Quy chế 51 chỉ quy định về việc nhận, xử lý đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh, yêu cầu liên quan đến hoạt động tư pháp (bao gồm trong lĩnh vực tố tụng hình sự), nhưng chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết như thế nào, dẫn đến chưa có sự nhận thức thống nhất trong quá trình giải quyết đơn dề nghị, kiến nghị, phản ánh…
Thứ hai: Đối với đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu liên quan đến tố tụng hình sự không thuộc thẩm quyền giải quyết
Ví dụ: Ngày 16/3/2020, ông Phạm Văn N bị đối tượng Trần Văn Q dùng ống sắt vụt vào chân khiến ông N phải đến Trung tâm y tế điều trị. Ngay khi đó, con gái ông N đã làm đơn tố giác về tội phạm gửi đến Cơ quan điều tra H. Ngày 20/3/2020, Cơ quan điều tra H đã thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm. Tuy nhiên, ông N có nhiều đơn gửi đến Viện kiểm sát H và đề nghị Viện kiểm sát H xem xét giải quyết vụ việc của ông.
Về trường hợp trên, theo quy định tại đoạn 2 điểm c khoản 5, Điều 10 của Quy chế 51 về Xử lý đơn "Trường hợp đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác, thì chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền, đồng thời báo tin cho người gửi đơn biết". Do đó, Viện kiểm sát phải phân loại chuyển đơn cho Cơ quan điều tra H, đồng thời báo tin cho người gửi đơn biết và lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết đơn của Cơ quan điều tra H theo quy định.
Tuy nhiên hiện nay, Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo chỉ mới quy định về việc phối hợp liên ngành trong tiếp nhận, phân loại, thụ lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, không có quy định về trình tự, thủ tục giải quyết, thời hạn giải quyết đối với đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh, yêu cầu liên quan đến tố tụng hình sự.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn hoặc quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết đối với các đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động tư pháp nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng. Do đó, các loại đơn này có thể vận dụng, áp dụng về trình tự thủ tục, thời hạn giải quyết như giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo hay không. Để các cơ quan tư pháp nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất trong việc giải quyết các đơn kiến nghị, phản ánh, yêu cầu liên quan đến hoạt đông tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của từng ngành tư pháp. Liên ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể hoặc bổ sung Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết, các biểu mẫu liên quan..., đối với việc giải quyết loại đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh, yêu cầu liên quan đến tố tụng hình sự. Đồng thời, Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ sung Quy chế 51 quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết, các biểu mẫu liên quan..., đối với việc giải quyết loại đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh, yêu cầu trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân, để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp nói chung và kiểm sát việc giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu liên quan đến tố tụng hình sự nói riêng.
Cấn Văn Tuấn - Viện KSND huyện Hàm Yên