Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Nghiên cứu - Trao đổi

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 132

   Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện


Thứ ba - 04/03/2025 13:53
 
Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là chế định được ghi nhận từ khá sớm trong các Bộ luật Tố tụng dân sự và dần được hoàn thiện trong các lần sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng chế định này cho thấy vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc; từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể.

 
1. Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
 
Thứ nhất: Khó khăn trong việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ
 
Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc Tòa án quyết định tạm ngưng việc giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý trong một thời hạn khi có những căn cứ do pháp luật quy định. Khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn Tòa án lại tiếp tục giải quyết vụ án dân sự đó. Về cơ bản, các căn cứ tạm đình chỉ được Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định tương đối cụ thể trên cơ sở kế thừa các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011).
 
Hiện nay có 08 căn cứ để tạm đình chỉ vụ án dân sự được quy định tại Khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Tuy nhiên vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc đương sự (có thể là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) có đơn đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án vì một lý do nào đó như: Chữa bệnh, cần có thời gian thu thập thêm chứng cứ giao nộp cho Tòa án… thì Tòa án có được tạm đình chỉ giải quyết vụ án hay không. Vấn đề này trong thực tiễn có Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, có Tòa án không chấp nhận tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Điều này cho thấy sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật giữa các Tòa án hiện nay.
 
Cụ thể theo Khoản 18 Điều 70 BLTTDS quy định, đương sự có quyền: “Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật này”.
 
Tuy nhiên,  trên thực tế, trường hợp Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo đề nghị của đương sự quy định tại khoản 18 Điều 70 BLTTDS năm 2015 không được liệt kê cụ thể trong các căn cứ tạm đình chỉ được quy định tại khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015, nhưng có thể hiểu, trường hợp này thuộc trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 214 là các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng, việc hiểu và áp dụng quy định này vẫn còn có những quan điểm chưa thống nhất. Theo tác giả, quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án là quyền do pháp luật tố tụng dân sự quy định, nếu đề nghị đó là hợp pháp và có căn cứ thì Tòa án chấp nhận và ra Quyết định tạm đình chỉ. Còn trường hợp đề nghị không có căn cứ thì Tòa án không chấp nhận. Hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc xác định trường hợp nào đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của đương sự được chấp nhận và trường hợp nào đề nghị này không được chấp nhận. Ví dụ như trường hợp nguyên đơn đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do đương sự vào bệnh viện chữa bệnh hay trường hợp đương sự đi nước ngoài công tác mà nguyên đơn không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng được hoặc đương sự cần có thời gian thu thập thêm chứng cứ giao nộp cho Tòa án… thì đề nghị này có được chấp nhận hay không?
 
Như đã phân tích, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác định trường hợp nào thì đề nghị tạm đình chỉ vụ án dân sự của đương sự được chấp nhận và trường hợp nào không được Tòa án chấp nhận nên thực tiễn áp dụng tại các Tòa án vẫn mang tính tùy nghi, chủ yếu phụ thuộc vào đánh giá, nhận định chủ quan của Thẩm phán giải quyết vụ án. Do vậy, việc áp dụng trong thực tiễn vẫn chưa có sự thống nhất. Đây là một khó khăn, vướng mắc cần sớm được khắc phục.
 
Thứ hai, Về kháng cáo quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
 
Theo quy định tại khoản 1 Điều 214 BLTTDS thì khi có một trong các căn cứ được liệt kê thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Ví dụ, khi có căn cứ quy định tại điểm d  khoản 1 Điều 214 BLTTDS thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án là: “Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án”.
 
Đây là một trong những căn cứ để Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khá phổ biến; tuy nhiên, thực tiễn ra quyết định tạm đình chỉ trong trường hợp này cũng gặp một số vướng mắc, liên quan đến quyền kháng cáo. Cụ thể:
 
Tại khoản 5 Điều 215 BLTTDS năm 2015 quy định: “Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”.
 
Như vậy, trong trường hợp Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với căn cứ nêu tại điểm d khoản 1 Điều 214 BLTTDS, trong thời hạn luật định, do không đồng ý với quyết định tạm đình chỉ vụ án, đương sự có đơn kháng cáo (sau đây gọi chung là người có đơn kháng cáo) đối với quyết định tạm đình chỉ vụ án nêu trên. Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp phúc thẩm để xem xét theo trình tự phúc thẩm. Tuy nhiên, quá trình giải quyết của Tòa án cấp phúc thẩm phát sinh tình huống pháp lý hiện còn các quan điểm khác nhau như sau:
 
Trong quá trình Tòa án cấp phúc thẩm đang xem xét đối với kháng cáo của người có đơn kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án vì lý do tạm đình chỉ không còn. Đồng thời người có đơn kháng cáo cũng rút kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm. Trường hợp này, khoản 5 Điều 314 BLTTDS năm 2015 quy định về thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo như sau:
 
“5. Khi xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng phúc thẩm có quyền:
 
a) Giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
 
b) Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
 
c) Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án”.
 
Như vậy, khi xem xét quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo thì Hội đồng phúc thẩm có quyền ra một trong các quyết định nêu trên. Tuy nhiên, đối với trường hợp mà tác giả viện dẫn ở trên thì khoản 5 Điều 314 BLTTDS lại không có quy định Hội đồng phúc thẩm xử lý trường hợp này như thế nào? Đồng thời, tại mẫu số 72-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định mẫu Quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì phần căn cứ để ra quyết định là căn cứ vào Điều 314 BLTTDS. Như vậy, theo quy định tại khoản 5 Điều 314 BLTTDS thì không quy định điều chỉnh trường hợp tác giả nêu ra. Vậy, lúc này hội đồng phúc thẩm vẫn phải xem xét kháng cáo của người có đơn kháng cáo để ra một các quyết định cuối cùng quy định tại khoản 5 Điều 314 BLTTDS hay ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục giải quyết vụ án theo Điều 289, Điều 295 BLTTDS năm 2015. Do chưa có quy định rõ ràng, cụ thể nên việc áp dụng trong thực tiễn giải quyết tình huống pháp lý nêu trên có chưa thống nhất, gây vướng mắc cho cơ quan, người tiến hành tố tụng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và các chủ thể có liên quan.
 
2. Một số kiến nghị hoàn thiện
 
Để khắc phục các vướng mắc, hạn chế về tạm đình chỉ vụ án dân sự như đã phân tích trên, tác giả kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể quy định tại khoản 18 Điều 70 BLTTDS, trong đó, cần đưa ra các căn cứ cụ thể để xác định đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án nào của đương sự là hợp lý và trường hợp nào thì không hợp lý để Tòa án ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp đề nghị này của đương sự.
 
Đối với trường hợp xem xét quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo cần bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 314 BLTTDS theo hướng:
 
“5. Khi xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng phúc thẩm có quyền:

d) Đình chỉ giải quyết xét xử phúc thẩm khi người kháng cáo rút toàn bộ nội dung kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ nội dung kháng nghị”.

 
Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án được ban hành khi có những căn cứ xác định theo quy định của luật. Việc Tòa án ban hành quyết định này nhằm bảo đảm tốt nhất việc giải quyết chính xác, khách quan nội dung vụ án dân sự, từ đó bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
 
                                                    Phạm Tất Lợi - VKSND huyện Hàm Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Scroll to top