Khen thưởng phạm nhân trong các trại giam là một công tác quan trọng của quá trình cải tạo, nhằm khuyến khích những hành vi tích cực và thúc đẩy sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn trong Trại giam. Tuy nhiên, việc thực hiện khen thưởng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, mà thường gặp phải nhiều khó khăn và vướng mắc như sau:
Tại Điều 41 Luật thi hành án hình sự quy định về khen thưởng phạm nhân được quy định như sau:
“1. Trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, có thành tích trong lao động, học tập hoặc lập công thì được khen thưởng theo một hoặc nhiều hình thức sau đây:
a) Biểu dương;
b) Thưởng tiền hoặc hiện vật;
c) Tăng số lần được liên lạc bằng điện thoại, số lần gặp thân nhân, số lần và số lượng quà được nhận.
2. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu quyết định khen thưởng phạm nhân. Việc khen thưởng phải bằng văn bản, được lưu vào hồ sơ phạm nhân. Phạm nhân được khen thưởng có thể được đề nghị xét nâng mức giảm thời hạn chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật”.
Để thực hiện quy định này, thực tiễn cho thấy còn nhiều vấn đề cần phải xem xét giải quyết:
- Về tiêu chí đánh giá chưa rõ ràng và mang tính chủ quan, chưa có tính thống nhất trong các cơ sở giam giữ như Trại giam, Trại tạm giam:
Một trong những vấn đề lớn nhất là việc hiện nay thiếu các tiêu chí đánh giá cụ thể và khách quan. Điều này dẫn đến sự không nhất quán trong việc xét duyệt khen thưởng, khi mà đánh giá có thể phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của cán bộ trại giam, của từng cơ sở giam giữ.
Ví dụ, tiêu chí đánh giá “cải tạo tốt”: như thế nào thì được đánh giá theo tiêu chí này, liệu đó chỉ là việc tuân thủ nội quy, hay còn bao gồm cả sự tiến bộ về mặt nhận thức và hành vi, lao động vượt chỉ tiêu… sự chưa rõ ràng này tạo ra kẽ hở cho sự thiên vị và không công bằng; phạm nhân này thì được đánh giá cải tạo tốt, phạm nhân khác lại không được đánh giá là cải tạo tốt do đó gây ra sự thiếu công bằng, thiếu minh bạch.
Việc đánh giá sự tiến bộ của phạm nhân hiện nay gặp khó khăn đối với những phạm nhân có diễn biến tâm lý, tính cách phức tạp, khó đoán trước.
- Về thủ tục hành chính rườm rà:
Quy trình xét duyệt khen thưởng thường bao gồm nhiều bước, từ việc thu thập hồ sơ, đánh giá, đến việc ra quyết định. Sự phức tạp này không chỉ làm chậm trễ quá trình khen thưởng, mà còn tạo ra gánh nặng hành chính cho cán bộ trại giam trong khi công việc nhiều, áp lực lớn, cán bộ quản giáo ngại làm các thủ tục để khen thưởng cho phạm nhân vì phải thực hiện nhiều bước, tốn công sức.
Việc lưu trữ, quản lý hồ sơ khen thưởng chưa được đồng bộ, gây khó khăn cho việc tra cứu, đối chiếu.
- Thiếu hụt nguồn lực trong các cơ sở giam giữ phạm nhân:
Nguồn kinh phí dành cho khen thưởng thường hạn chế, dẫn đến việc các hình thức khen thưởng không đa dạng và không đủ sức khích lệ các phạm nhân phấn đấu cải tạo tốt.
Số lượng cán bộ trại giam, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác quản giáo, giáo dục và đánh giá phạm nhân, hiện nay còn thiếu, điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng và tính chính xác của việc xét duyệt khen thưởng đối với các phạm nhân.
- Một số vấn đề khác:
Một số phạm nhân không trung thực, như việc giả tạo hành vi tốt để được khen thưởng, cũng là một thách thức trong các cơ sở giam giữ và giáo dục phạm nhân.
Việc một số phạm nhân bị các phạm nhân khác đe dọa, cưỡng bức, ép buộc, xúi giục, lôi kéo; bị kích động về tinh thần do hành vi vi phạm của phạm nhân khác gây ra hoặc nguyên nhân khách quan khác.
Giải pháp đề xuất của tác giả về việc khen thưởng phạm nhân thông qua công tác kiểm sát việc thi hành án phạt tù, đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành hướng dẫn thực hiện Điều 41 Luật THAHS theo hướng như sau:
- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cải tạo rõ ràng, cụ thể và có thể đo lường được, cụ thể rõ ràng:
1. Tiêu chuẩn là “chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân”;
2. Tiêu chí được xét là có thành tích trong lao động, học tập;
3. Trường hợp nào thì phạm nhân được đánh giá lập công và phải đạt được tiêu chí cụ thể gì.
Ngoài ra cần:
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý hồ sơ và quy trình xét duyệt.
- Tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác khen thưởng, bao gồm cả kinh phí và nhân lực.
- Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật đến phạm nhân.
- Cần có những biện pháp bảo vệ những phạm nhân, tránh khỏi những hành vi tiêu cực từ những phạm nhân khác.
Việc giải quyết những khó khăn này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cũng như sự thay đổi trong nhận thức và cách tiếp cận của cán bộ, đặc biệt là cán bộ trại giam./.
Tạ Văn Thiển, P8.