Trang nhất » Tin Tức » Hoạt động nghiệp vụ » Thực hành quyền công tố

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 2762

   Xét xử đường dây Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Thứ tư - 24/08/2016 16:48
     
     Từ ngày 12 đến ngày 24/8/2016, TAND tỉnh Tuyên Quang đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức nhận hồ sơ và tiền xin việc.
     
     Theo Cáo trạng của VKSND tỉnh Tuyên Quang, từ giữa năm 2009 đến đầu năm 2015, Cao Thị Mùi trú tại thôn An Phong, xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang là chủ mưu cùng với Đỗ Thị Nghĩa trú tại Phố Chợ 2, Hoàng Quốc Hải trú tại xóm 17, thị trấn Hùng Sơn; Nguyễn Thị Nguyên trú tại xóm Đầm Giáo, xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Ma Thị Bay, Ma Văn Chức trú tại thôn Bản Lự, xã Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn; Hoàng Văn Luân trú tại thôn Phiêng Bang, xã Lạng San, huyện Na Rì và Hoàng Văn Hòa, trú tại thôn Pò Đeng, xã Tú Trĩ, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức nhận hồ sơ và tiền đặt cọc xin việc của 87 người trên địa bàn các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng để chiếm đoạt 4.256.300.000đ (Bốn tỷ, hai trăm năm mươi sáu triệu ba trăm nghìn đồng). Trong đó, Cao Thị Mùi được hưởng 2.335.400.000 đồng; Hoàng Quốc Hải được hưởng 1.710.400.000 đồng; Đỗ Thị Nghĩa được hưởng 53.500.000 đồng; Ma Thị Bay và Ma Văn Chức được hưởng 71.000.000 đồng; Hoàng Văn Luân được hưởng 50.000.000 đồng; Hoàng Văn Hòa được hưởng 20.000.000 đồng; Nguyễn Thị Nguyên được hưởng 16.000.000 đồng.
     

     
Chủ tọa phiên tòa công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử.
     
     Đây là vụ án phức tạp, xảy ra trên địa bàn các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng được dư luận xã hội quan tâm, hành vi phạm tội của các bị cáo ngoài gây thiệt hại về tài sản của rất nhiều bị hại, còn gây ảnh hưởng xấu đến các chính sách thu hút cán bộ đối với vùng sâu vùng xa và chế độ đãi ngộ người dân tộc thiểu số của Nhà nước. Tham gia phiên tòa còn có các Luật sư - Trợ giúp viên pháp lý, bào chữa cho các bị cáo.
     

     
Các bị cáo tại phiên tòa.
     
     Tại phiên tòa, 08 bị cáo đều lần lượt khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Quá trình xét hỏi tại phiên tòa, các Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đã chủ động tham gia thẩm các bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác để làm rõ tính chất, mức độ, vai trò, hành vi phạm tội của từng bị cáo. Trên cở sở kết quả thẩm vấn và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Luận tội của Kiểm sát viên đã phân tích, đánh giá đầy đủ, khách quan toàn diện từ chứng cứ buộc tội, đến chứng cứ gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xác định trách nhiệm hình sự, dân sự và hình phạt áp dụng đối với từng bị cáo. Phần tranh luận tại phiên tòa được thể hiện công khai, dân chủ. Các Kiểm sát viên thẳng thắn, đối đáp làm rõ từng vấn đề, nội dung bào chữa của các Luật sư, bị cáo, bị hại… bảo vệ tốt quan điểm truy tố của Viện kiểm sát và được Hội đồng xét xử chấp nhận.
     
     Sau khi xem xét tính chất, mức đội, vai trò, hành vi của từng bị cáo; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, HĐXX tuyên phạt: Các bị cáo Cao Thị Mùi, Hoàng Quốc Hải mỗi bị cáo 13 năm, Nguyễn Thị Nghĩa 08 năm và Hoàng Văn Hòa 2 năm 6 tháng tù giam; các bị cáo Nguyễn Thị Nguyên, Ma Thị Bay, Ma Văn Chức và Hoàng Văn Luân bị xử phạt từ 02 năm 09 tháng đến 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội Lừa đảo chiếm đoạn tài sản. Buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường  cho 87 bị hại với tổng số tiền là 4.256.300.000 đồng.
     
     Bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang tuyên phạt đối với các bị cáo thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và cũng là bài học kinh nghiệm cho những người nhẹ dạ cả tin.              
                                                     Đào Thị Hảo
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top