Tuyenquang.gov.vn: Cách đây 70 năm, ngày 11/6/1948, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" để lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý thức tự lực tự cường, vượt qua mọi gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc. Lời kêu gọi đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho đồng bào và chiến sỹ cả nước, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang. Nhiều năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc cùng một số bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh về thi đua vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành cơ cở để Đảng, Nhà nước ta bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối và chính sách pháp luật về công tác thi đua - khen thưởng trong giai đoạn mới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể
có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
giai đoạn 2016-2018. Ảnh: Thành Công
Theo Hồ Chí Minh, thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn. Thi đua khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người và cải tạo chính bản thân con người. Thi đua là để mọi người làm nhiều việc tốt hơn. “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất".
Hồ Chí Minh cho rằng mục đích của thi đua là để thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng trong từng tình hình và điều kiện cụ thể. Mục đích thi đua trong thời kỳ kháng chiến khác với thời kỳ hoà bình. Nội dung thi đua phải toàn diện, xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, gắn với nhiệm vụ cụ thể, hướng vào giải quyết các công việc của nhân dân và với công việc cụ thể của mỗi người.
Xuất phát từ quan điểm lấy dân làm gốc, Người nêu cách tổ chức các phong trào thi đua là “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân”, phải khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.
Về phương châm thi đua yêu nước: Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua”. Cần thân ái đoàn kết, giúp đỡ nhau để đạt thành tích cao, khen thưởng đúng người đúng việc mới động viên, thúc đẩy được phong trào.
Từ quan điểm thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước đã ban hành các chỉ thị, luật, văn bản về thi đua, khen thưởng. Luật Thi đua, Khen thưởng (2003); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng (2013) và các văn bản của Chính phủ về công tác thi đua khen thưởng là cơ sở quan trọng để thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước ngày càng hoàn thiện, bám sát yêu cầu thực tiễn của đất nước, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về công tác thi đua, khen thưởng. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được triển khai ở tất cả các lĩnh vực của đời sống đã mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng và nhân rộng các tấm gương, điển hình tiên tiến được triển khai nền nếp, khoa học, kịp thời, có sức lan tỏa trong xã hội.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tỉnh Tuyên Quang đã đạt nhiều thành tích quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh… Trong thời kỳ đổi mới, các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Đặc biệt, phong trào thi đua yêu nước 10 năm qua (2008-2018) đã mang lại hiệu quả rõ rệt, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Tiêu biểu là các phong trào: "Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới"; “Sáng tạo trẻ”;”Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Xóa đói giảm nghèo”; “Dạy tốt - học tốt”;”Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Cựu chiến binh gương mẫu”;”Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc”; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Trong 10 năm qua, có 01 tập thể và 01 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 03 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; 09 tập thể và 08 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Ba; 63 tập thể, 199 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 01 cá nhân được tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, 56 cá nhân được tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, 42 cá nhân được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 07 cá nhân được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú; 66 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua; 05 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; 7 tập thể và 435 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua cho 417 tập thể…và nhiều Cờ thi đua, Bằng khen, Giấy khen, Giải thưởng cho các tập thể và cá nhân khác. Tại Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/BCT ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã có 25 tập thể và 26 cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen...
Thấm nhuần tư tưởng và những lời Bác dạy về thi đua yêu nước; thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, trong giai đoạn tiếp theo, Tuyên Quang tiếp tục nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị; Phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, hàng năm đều có những điển hình tiên tiến, tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, có sức lan tỏa trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.