"Sửa đổi lối làm việc" bài học còn nguyên giá trị
(BNCTW)- Năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra cực kỳ ác liệt, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Đã 60 năm trôi qua, đọc lại “Sửa đổi lối làm việc”, mỗi cán bộ, đảng viên, cũng như mỗi người dân Việt Nam đều có thể cảm nhận Bác đang nói với chúng ta về những vấn đề cấp thiết mà Đảng và dân tộc đã và đang cùng nhau giải quyết.
Để hiểu rõ ý nghĩa to lớn của cuốn sách, cần đặt nó trong hàng loạt các tài liệu có liên quan mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tâm huyết trong suốt mấy chục năm trời. Năm 1927, nhằm đào tạo thế hệ những người cộng sản đầu tiên ở nước ta, Bác viết cuốn “Đường Kách mệnh” mà nội dung chủ yếu là xác định tư cách của người cách mạng. Năm 1940, trong số 6 bài Bác viết để huấn luyện cán bộ, có một bài chuyên bàn về tư cách người cán bộ cách mạng. Năm 1946, khi chính quyền cách mạng non trẻ mới ra đời, Bác viết những bức thư gửi các đồng chí Nghệ Tĩnh, gửi các đồng chí Bắc kỳ và gửi các đồng chí Trung kỳ. Trong các bức thư tâm huyết đó, Bác căn dặn các đồng chí cán bộ phải giữ vững tư cách người cách mạng, phải kiên quyết khắc phục những sai lầm khuyết điểm của người cán bộ lãnh đạo, người cầm quyền. Trước lúc đi xa, Người viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và trong Di chúc để lại, Bác căn dặn phải làm thật tốt công tác chỉnh đốn Đảng, phải giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Rõ ràng trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, việc huấn luyện cán bộ, đảng viên là công việc hàng đầu của Đảng. Người căn dặn chúng ta rằng người cán bộ, đảng viên là người đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Họ phải giải thích thuyết phục quần chúng để quần chúng hiểu và thực thi trong cuộc sống. Mặt khác, cán bộ, đảng viên còn là người phản ánh với Đảng và Chính phủ tâm tư, khát vọng, điều kiện sống của quần chúng để Đảng và Chính phủ có chủ trương, chính sách đúng đắn.
Với vai trò đó, Bác gọi cán bộ là gốc của mọi công việc và huấn luyện cán bộ phải là công việc gốc của Đảng. Trong việc huấn luyện cán bộ, việc giáo dục tư cách, đạo đức cách mạng phải đặt lên hàng đầu. Kinh nghiệm chỉ ra rằng, nếu thiếu tư cách và đạo đức cách mạng, người cán bộ khó nhận thức sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong nhiều trường hợp vì thiếu tư cách đạo đức, họ bóp méo các chủ trương, chính sách đó, làm cho nhân dân hiểu sai về Đảng, Chính phủ. Cũng vì thiếu tư cách đạo đức, họ không phản ánh trung thành tâm tư, khát vọng cùng điều kiện sinh hoạt của quần chúng, làm cho Đảng và Chính phủ không đề ra được các chủ trương, chính sách thích hợp. Hậu quả là Đảng và Chính phủ không hiểu nhân dân, nhân dân thiếu tin tưởng ở Đảng và Chính phủ. Việc giáo dục tư cách đạo đức cách mạng phải là công việc thường xuyên, thường trực của Đảng, đặc biệt, khi cách mạng có những bước ngoặt. Đó là bài học lớn, cơ bản mà chúng ta có thể rút ra từ tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác.
Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Bác chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên lúc đó. Những sai lầm, khuyết điểm này được khái quát thành 3 chứng bệnh: chủ quan, hẹp hòi, ba hoa với những biểu hiện rất đa dạng. Suy cho cùng, các chứng bệnh đó cùng có chung một nguồn gốc, đó là chủ nghĩa cá nhân. Vì chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra chủ quan, sinh ra hẹp hòi và ba hoa. Những biểu hiện muôn hình, muôn vẻ của thói hư tật xấu mà Bác đã vạch ra 60 năm trước, nay vẫn còn. Khác chăng là nếu trước đây những biểu hiện đó chỉ xuất hiện trong một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên, thì hiện nay lại xuất hiện trong một bộ phận không nhỏ các cán bộ, đảng viên. Chỉ riêng điều đó thôi, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” xứng đáng trở thành cuốn sách giáo khoa nhằm cảnh tỉnh chúng ta, đặc biệt những ai trong tư tưởng và trong hành động đang xa dần những chuẩn mực của tư cách và đạo đức cách mạng.
Để khắc phục những sai lầm, khuyết điểm mà một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên lúc đó mắc phải, Bác chỉ ra hàng loạt biện pháp và giải pháp về tư tưởng và tổ chức, trong đó việc xác định quan điểm đối với nhân dân, thái độ đối với nhân dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phải bắt đầu từ quan điểm nhân dân, thái độ đối với nhân dân, vì đó là lẽ sống, là mục tiêu hoạt động của Đảng. Đây là vấn đề mà trong công tác tư tưởng Đảng phải thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên, đặc biệt khi Đảng trở thành một đảng cầm quyền. Sự tha hóa của một đảng cách mạng cũng như sự suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên thường bắt đầu từ đây. Khi Đảng đang hoạt động bí mật, mối quan hệ giữa đảng viên với quần chúng diễn ra hàng ngày, đó là mối quan hệ mật thiết, sống còn. Nhưng khi đã là một đảng cầm quyền, một số đảng viên có quyền lực trong tay, có điều kiện sinh hoạt thuận lợi, thì cũng dễ nảy sinh những tư tưởng, tình cảm xa lạ với nhân dân. Trong hoàn cảnh đó, mối liên hệ giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân cũng dễ bị suy giảm. Nếu trước đây, trong đấu tranh cách mạng để giành độc lập, tự chủ, chúng ta dễ nhận ra chân lý mà Bác Hồ đã tổng kết: “Đảng ta anh hùng vì nhân dân ta anh hùng”, thì ngày nay, trong hòa bình phát triển đất nước, việc nhận ra chân lý đó đối với một số người cũng không phải là công việc đơn giản. Do tiên liệu được điều không hay đó có thể xảy ra, trong “Sửa đổi lối làm việc”, Bác căn dặn phải xác định cho thật đúng quan điểm và thái độ đối với nhân dân, khi Đảng đã là đảng cầm quyền. Bác đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên phải luôn ghi vào đầu óc cái chân lý: nhân dân rất tốt, rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Người chỉ ra rằng “dân chúng biết cách giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những bậc tài giỏi, những đoàn thể lớn nghĩ mãi không ra”. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải “học dân chúng, hỏi dân chúng, hiểu dân chúng”. Dân chúng đồng lòng thì việc gì cũng làm xong; dân chúng không ủng hộ thì việc gì làm cũng không nên. Bác căn dặn chúng ta phải biết dựa vào dân để hoàn thiện các nghị quyết, hoàn thiện cán bộ và tổ chức. Theo ý Bác, khi một nghị quyết nào mà dân chúng cho là không hợp thì phải “để họ đề nghị sửa chữa” lại nghị quyết. Phải dựa vào dân mà “sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.
Một quan niệm như vậy về nhân dân rõ ràng không có chỗ đứng cho những tư tưởng vào Đảng để làm quan cách mạng, vào Đảng để vơ vét tài sản của nhân dân, để hách dịch với dân. Một quan niệm như vậy về nhân dân càng không dung thứ cho thái độ vô trách nhiệm, vô cảm trước những đòi hỏi bức xúc của quần chúng. Hãy cùng nhau suy ngẫm câu nói của Bác: “dân chúng đồng lòng thì việc gì làm cũng xong, dân chúng không ủng hộ thì việc gì làm cũng không nên”. Sức mạnh của Đảng ta trước hết bắt nguồn từ sức mạnh của quần chúng. Trong thần thoại Hy Lạp cổ đại - cái nôi của văn minh nhân loại, có câu chuyện về thần Ăngtê. Ăngtê có sức mạnh vô địch khi gót chân của thần bám vào quả đất. Câu chuyện về sức mạnh vô địch của thần Ăngtê cũng ví như sức mạnh vô địch của Đảng ta.
Khi hàng triệu “gót chân” của những người cộng sản cắm sâu vào thực tiễn đời sống của quần chúng, có nghĩa là hàng triệu trái tim của chúng ta cùng đập với nhịp đập của trái tim quần chúng, biết lắng nghe và đồng cảm với tâm hồn của quần chúng, với niềm vui và nỗi buồn của quần chúng, với những bức xúc thường nhật của quần chúng, biết phát huy trí tuệ của quần chúng… thì Đảng của chúng ta là vô địch. Khi đó, và chỉ khi đó, thì mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù nhằm chia rẽ nhân dân với Đảng sẽ hoàn toàn thất bại.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là sự trở về với một tư tưởng lớn của Bác trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: Huấn luyện, giáo dục tư cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là công việc gốc của Đảng. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức nghiên cứu và học tập một cách sâu sắc và toàn diện nội dung tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” chắc chắn sẽ mạng lại cho ta nhiều bài học bổ ích, thiết thực trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cải cách bộ máy hành chính, để Đảng ta thực sự là đội tiên phong của giai cấp và của dân tộc và Nhà nước của chúng ta thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân./.
Tác giả bài viết: GS, TS, NGND. Trần Văn Bính (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)
Nguồn tin: Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Đang truy cập : 57
•Máy chủ tìm kiếm : 2
•Khách viếng thăm : 55
Hôm nay : 6994
Tháng hiện tại : 66369
Tổng lượt truy cập : 13629268