Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Kiểm Sát Viên viết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 11569

   Vướng mắc về thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài


Chủ nhật - 05/12/2021 23:03
 
Trước chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, học tập, du lịch,… ngày càng nhiều, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, nhưng tội phạm liên quan đến yếu tố nước ngoài có xu hướng gia tăng, đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng, chống tội phạm.

 
Do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chưa quy định về thẩm quyền điều tra, giải quyết các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài mà trên cơ sở Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định những tranh chấp, yêu cầu mà đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nên trong các vụ án hình sự khi phát sinh bị can, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (đương sự),… là người nước ngoài đều thuộc thẩm quyền điều tra, giải quyết của các cơ quan tố tụng cấp tỉnh. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định mới về thẩm quyền điều tra, thẩm quyền xét xử đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài, cụ thể:
 
Về thẩm quyền điều tra các vụ án có yếu tố nước ngoài, tại điểm b, khoản 5, Điều 163 BLTTHS quy định:
 
“1.
 

 
5. Việc phân cấp thẩm quyền điều tra
 
a)…
 

b) Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.
…”.

 
Tại điểm b, khoản 2, Điều 268 BLTTHS quy định cụ thể về thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh khi “Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài”.
 
Như vậy BLTTHS đã có quy định các trường hợp thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cũng chính là thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp tỉnh, nhưng nhận thức, hiểu như thế nào về quy định “Hoặc yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra” và có phải tất cả các “Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài” đều thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tố tụng cấp tỉnh hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên nhận thức và quan điểm giải quyết còn khác nhau.
 
Trong khi chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, xác định thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh khi có yếu tố nước ngoài xét thấy cần trực tiếp điều tra và bị hại, đương sự ở nước ngoài, theo hướng sau:
 
1. Vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài xét thấy cần trực tiếp điều tra khi:
 
- Người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo phạm tội là người nước ngoài (theo Luật quốc tịch Việt Nam năm 2014 là người không có quốc tịch Việt Nam) hoặc người Việt Nam phải đang ở nước ngoài (có thể là người định cư mang quốc tịch Việt Nam hoặc nước sở tại; người Việt Nam đang học tập, công tác ở nước ngoài). Công cụ, phương tiện phạm tội, tài sản có liên quan đến vụ án đang ở nước ngoài.
 
Vì các trường hợp trên, việc lấy lời khai, lập tàng thư căn cước, lý lịch bị can và các thủ tục pháp lý liên quan như thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội, kê biên tài sản phải qua đường ngoại giao, tương trợ tư pháp mà Cơ quan điều tra cấp huyện không thể hoặc khó thực hiện được:
 
- Các vụ án có tính chất nghiêm trọng, rất nghiêm trọng nhưng phạm tội có tổ chức, phức tạp hoặc hành vi phạm tội xâm phạm đến nhiều quan hệ có yếu tố nước ngoài.
 
- Các vụ án ảnh hưởng đến chính trị, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
 
Đối với các vụ án này thì các cơ quan tố tụng cấp huyện chủ động xem xét đánh giá, báo cáo cơ quan tố tụng cấp tỉnh để chuyển Cơ quan điều tra cấp tỉnh trực tiếp điều tra.
 
2. Trường hợp bị hại, đương sự ở nước ngoài
 
“Bị hại, đương sự ở nước ngoài” có thể là cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc Việt Nam mà cá nhân, người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó phải hiện đang cư trú hoặc làm việc, học tập,…  ngoài lãnh thổ Việt Nam.
 
Hiện nay trên địa bàn một số tỉnh, thành phố xảy ra rất nhiều tội phạm do người Việt Nam thực hiện, chiếm đoạt tài sản (trộm cắp, lừa đảo...) có tính chất, mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng của các công ty, nhà máy mà chủ sở hữu chiếm tỷ lệ vốn góp từ 51% trở lên là tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam hiện đang cư trú, sinh sống ở nước ngoài, đương sự hiện đang ở nước ngoài, nếu theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 268 BLTTHS thì đương nhiên thuộc thẩm quyền điều tra, xét xử của các cơ quan tố tụng cấp tỉnh. Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế giải quyết ở một số địa phương và các vụ án xảy ra trên địa bàn thành phố Tuyên Quang thời gian vừa qua còn có quan điểm khác nhau, cụ thể:
 
- Quan điểm thứ nhất: Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 268 BLTTHS về thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì đối với các vụ án này do bị hại, đương sự ở nước ngoài thì đương nhiên phải do cấp tỉnh giải quyết, nếu cấp huyện giải quyết là vi phạm thẩm quyền.
 
- Quan điểm thứ hai: Giao cho các cơ quan tố tụng cấp huyện điều tra, truy tố, xét xử nếu vụ án không có các yếu tố tại mục 1 nêu trên vì: Tội phạm được thực hiện trên địa bàn thuộc lãnh thổ Việt Nam, khi điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tố tụng không phải tiến hành các thủ tục yêu cầu nước ngoài tương trợ để tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ…; về tính chất, mức độ không thuộc thẩm quyền của cơ quan tố tụng cấp tỉnh; người được ủy quyền giải quyết khi vụ án xảy ra là người nước ngoài hoặc người Việt Nam hiện đang cư trú tại Việt Nam có thể bảo vệ được đầy đủ các lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu theo pháp luật Việt Nam. Hơn nữa, đối với một số tỉnh, thành phố xảy ra rất nhiều các vụ án nêu trên, nếu cấp tỉnh giải quyết sẽ gặp nhiều khó khăn nên trên thực tế thường giao cho cấp huyện giải quyết và tác giả đồng tình với quan điểm này.
 
Từ thực tiễn vướng mắc về thẩm quyền giải quyết các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài trên, tránh vi phạm các quy định của Bộ luật TTHS, rất cần sự quan tâm của liên ngành các cơ quan trung ương sớm ban hành hướng dẫn để việc nhận thức, thực hiện được thống nhất, đúng quy định của pháp luật.
 
                                Ngô Tiến Cảnh - Viện KSND TP Tuyên Quang
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top