Trong thời gian qua, Phòng 7 Viện KSND tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ, qua đó giúp Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự, đảm bảo đúng quy định pháp luật, góp phần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Ngành.
Tuy nhiên qua theo dõi công tác xét xử án hình sự của cấp huyện còn bộc lộ những thiếu sót, tồn tại như: Việc áp dụng pháp luật, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chưa đúng; việc đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội và áp dụng mức hình phạt chưa phù hợp; bản án không áp dụng đầy đủ điểm, khoản của Điều luật; Kiểm sát viên cấp sơ thẩm kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án chưa chặt chẽ, không phát hiện được những vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật trong khi 03 năm qua vẫn có 05 vụ án bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án có lỗi của Kiểm sát viên (năm 2022 có 03 vụ, năm 2023 có 01 vụ, năm 2024 có 01 vụ), thậm chí có vụ án bỏ lọt tội phạm. Công tác ban hành kiến nghị trong hoạt động xét xử đối với Tòa án về số lượng, chất lượng còn hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác của ngành.
Nguyên nhân: Do Kiểm sát viên chưa thực hiện tốt công tác kiểm sát. Chất lượng công tác hướng dẫn nghiệp vụ của Phòng đạt hiệu quả chưa cao, chủ yếu thông qua việc tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra do Viện KSND tỉnh thành lập và ban hành thông báo rút kinh nghiệm những trường hợp vụ án có vi phạm bị kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm sửa, hủy án có lỗi chủ quan của Kiểm sát viên. Báo cáo đề xuất xét xử của cấp huyện chưa đầy đủ nội dung, gửi thiếu theo quy định.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của Chỉ thị số 01 ngày 12/12/2024 của Viện trưởng Viện KSND tối cao, về công tác của ngành KSND năm 2025; Kế hoạch số 01-KH-VKS-VP ngày 18/12/2024 của Viện KSND tỉnh về công tác của Viện KSND Tuyên Quang năm 2025 đề ra “Thực hành quyền công tố chủ động hơn với tinh thần 4S: “Sớm hơn, sát hơn, sâu hơn, sắc hơn”; không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm…”. Với yêu cầu đó, Chương trình công tác của Phòng 7 năm 2025 xác định “Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp huyện” là nhiệm vụ trọng tâm của Phòng.
Trên cơ sở Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/12/2024 của Vụ 7 Viện KSND tối cao về Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2025, Phòng 7 đã ban hành Hướng dẫn số 09/HD-VKS-P7 ngày 05/02/2025 về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự năm 2025 để tổ chức triển khai thực hiện và để khắc phục những thiếu sót, tồn tại trên và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác hướng dẫn nghiệp vụ trong thời gian tới, Phòng 7 Viện KSND tỉnh đề ra một số giải pháp cần tiếp tục thực hiện như sau:
Thứ nhất: Lãnh đạo và Kiểm sát viên chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thống nhất quan điểm hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong việc áp dụng pháp luật; kịp thời nắm bắt và giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động thực hành quyền công tố ngay từ giai đoạn thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm. Chủ động nắm bắt tình hình, kết quả hoạt động xét xử của đơn vị được phân công theo dõi để tham mưu đề xuất với Lãnh đạo Viện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Thứ hai: Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng Viện KSND tỉnh về việc kiểm tra các báo cáo đề xuất xét xử và tăng cường công tác kiểm tra bản án. quyết định. Nâng cao trách nhiệm, tính chủ động trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mỗi cá nhân Kiểm sát viên đã được phân công phụ trách theo dõi, kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm đối với từng đơn vị cấp huyện, thành phố.
Thứ ba: Thường xuyên rà soát báo cáo đề xuất xét xử của Viện KSND cấp huyện chuyển đến qua hòm thư điện tử nội bộ để đôn đốc việc gửi đầy đủ; kịp thời nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi những vướng mắc, tồn tại trước khi mở phiên tòa xét xử.
Thứ tư: Thông qua công tác nghiên cứu các báo cáo đề xuất xét xử; hồ sơ vụ án, hồ sơ kiểm sát các vụ án có kháng cáo, kháng nghị, kịp thời tổng hợp những tồn tại, thiếu sót để thông báo tại các cuộc họp giao ban tuần, tháng hoặc ban hành thông báo rút kinh nghiệm, hạn chế các sai sót tương tự.
Thứ năm: Tăng cường các biện pháp trao đổi nghiệp vụ với Viện kiểm sát cấp huyện, những kinh nghiệm, kỹ năng nhận diện vi phạm của Tòa án trong công tác xét xử hình sự, thực hiện nghiêm hướng dẫn số 24/HD-VKSTC ngày 05/8/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác kiểm sát bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhằm nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị. Đối với Viện kiểm sát cấp huyện cần quán triệt đầy đủ nội dung các thông báo rút kinh nghiệm để hạn chế thiếu sót, vi phạm. Phòng 7 tăng cường tham dự một số phiên tòa của cấp huyện, đặc biệt là vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, giúp Viện kiểm sát cấp huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thứ sáu: Nâng cao chất lượng nghiên cứu, hướng dẫn các vụ án do Viện kiểm sát cấp huyện báo cáo thỉnh thị, trả lời kịp thời đúng thời gian quy định.
Trên đây là một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự; yêu cầu mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần nêu cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, góp phần cùng ngành Kiểm sát Tuyên Quang hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch công tác năm 2025./.
Đậu Thị Tuyết Hảo – P7 VKSND tỉnh Tuyên Quang