Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 532

   Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự


Thứ ba - 20/08/2024 08:39
 
Những năm gần đây các tranh chấp dân sự phát sinh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ngày càng gia tăng, tính chất càng phức tạp. Nội dung tranh chấp chủ yếu là kiện vi phạm hợp đồng vay tài sản, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tranh chấp quyền sử dụng đất... xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đối với hợp đồng vay tài sản là do giữa các bên không lập hợp đồng theo quy định mà chỉ theo dõi nợ, trả trên sổ sách; đối với tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là do nhận thức của người dân còn hạn chế, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi chuyển nhượng thông qua mua bán, tặng cho, thừa kế...

 
Từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2024, Viện KSND hai cấp tỉnh Tuyên Quang thụ lý kiểm sát 10.165 vụ việc dân sự (theo thủ tục sơ thẩm 9.895 vụ việc; theo thủ tục phúc thẩm 270 vụ việc); đã giải quyết 9.331 vụ việc (theo thủ tục sơ thẩm 9.066 vụ việc; phúc thẩm 265 vụ việc); chưa giải quyết 384 vụ việc (theo thủ tục sơ thẩm 829 vụ việc; phúc thẩm 05 vụ việc). Quá trình thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, chúng tôi thấy còn có một số khó khăn vướng mắc trong thực hiện, áp dụng các quy định của pháp luật, cụ thể như sau:         
 
(1) Về thời gian nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát: Nhiều vụ án dân sự có tính chất phức tạp, việc giải quyết liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, được điều chỉnh bởi nhiều đạo Luật, văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; nhất là các quy phạm pháp luật về đất đai và các chính sách liên quan có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ, đòi hỏi cần có nhiều thời gian thu thập, tập hợp tài liệu, tìm hiểu, nghiên cứu, trao đổi. Tuy nhiên thời gian nghiên cứu hồ sơ của VKSND theo quy định khoản 2, Điều 220 của BLTTDS (15 ngày) là ngắn, ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả công tác kiểm sát.
 
(2) Về kiểm sát trả lại đơn khởi kiện: Khoản 1 Điều 194 BLTTDS quy định Viện kiểm sát có quyền kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án (quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện) nhưng lại không quy định cho Viện kiểm sát được tiến hành kiểm sát trực tiếp tại Tòa án để kiểm tra các trường hợp trả lại đơn khởi kiện mà chỉ được kiểm sát thông qua văn bản thông báo của Tòa án, như vậy trường hợp trả lại đơn khởi kiện mà Tòa án không thông báo cho Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát không thể thực hiện được chức năng kiểm sát đối với nội dung này. Theo quy định tại khoản 2 Điều 192 BLTTDS, khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện thì Thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện chức năng kiểm sát. Thực tế khi nhận được thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án với lý do “Người khởi kiện không có quyền khởi kiện” hoặc “Chưa có đủ điều kiện khởi kiện” theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 192 BLTTDS và trong thông báo không nêu hoặc nêu không đầy đủ các chứng cứ mà người khởi kiện gửi kèm theo đơn khởi kiện. Kiểm sát viên khi được phân công kiểm sát các thông báo này, không thể đối chiếu lý do Tòa án trả lại đơn khởi kiện và căn cứ pháp lý được nêu trong thông báo có phù hợp với các tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã cung cấp hay không để kiểm sát và thực hiện quyền kiến nghị theo khoản 1 Điều 194 BLTTDS.
 
(3) Về kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời:  Theo quy định tại Điều 140 BLTTDS, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị đối với quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhưng BLTTDS và Thông tư liên tịch số 02/2016 không quy định việc Tòa án chuyển tài liệu cùng các quyết định nêu trên cho Viện kiểm sát hoặc Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án cho sao chụp tài liệu.
 
(4) Về việc tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản, thẩm định giá tài sản: Việc xem xét, thẩm định tại chỗ theo Điều 101 BLTTDS, định giá tài sản, thẩm định giá tài sản theo Điều 104 BLTTDS là những biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ phổ biến, là thủ tục tố tụng quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, luật không quy định Viện kiểm sát có quyền tham gia các hoạt động này nên việc thực hiện chức năng của Viện kiểm sát còn hạn chế
 
(5) Về kiểm sát Quyết định tạm đình chỉ, Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự: Việc kiểm sát các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa BLTTDS và các văn bản hướng dẫn không quy định phải gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát cũng làm hạn chế công tác kháng nghị khi quyết định của Tòa án khi có vi phạm.
 
(6) Về việc tham gia phiên tòa, phiên họp của Kiểm sát viên: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 232, Khoản 1 Điều 296, Khoản 1 Điều 367 BLTTDS, Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm. Quy định này gây khó khăn trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự vì việc phân công Kiểm sát viên kiểm sát giải quyết vụ án và tham gia phiên tòa được thực hiện khi Tòa án gửi thông báo thụ lý vụ án, hơn nữa quyết định đưa vụ án ra xét xử thời gian nào là do Thẩm phán chủ động quyết định, nên thực tế xảy nhiều trường hợp một Kiểm sát viên có 02 hoặc nhiều vụ án cùng lên lịch xét xử cùng một thời điểm, hoặc cũng có trường hợp không trùng lịch xét xử nhưng do vụ án kéo dài nhiều ngày dẫn đến trùng với thời gian xét xử của vụ án khác mà không thể tham gia phiên tòa, cũng không thể cử Kiểm sát viên khác tham gia được vì khi phân công Kiểm sát viên khác tham gia phiên tòa chưa có sự chuẩn bị, nghiên cứu hồ sơ làm ảnh hưởng đến chất lượng Kiểm sát vụ án.
 
Kiến nghị, đề xuất: Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, áp dụng các quy định của pháp luật trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Đề nghị Cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLTTDS theo hướng: Quy định cụ thể về việc Viện kiểm sát thực hiện quyền kiểm sát việc lập hồ sơ của Tòa án ngay sau khi có thông báo thụ lý vụ án của Tòa án; có quyền tham gia kiểm sát việc xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; một số quy định về thời hạn nghiên cứu hồ sơ, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định BLTTDS; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn để việc thực hiện, áp dụng pháp luật được thống nhất.
 
                                      Đào Thị Hảo - Phòng 9 Viện KSND tỉnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top