Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 96

   Những quy định mới về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn tại Nghị quyết 01/2024-NQHĐTP


Thứ ba - 20/08/2024 08:40
 
Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn được quy định tại Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình. Theo đó, vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, đảm bảo rằng bất kỳ bên nào trong hôn nhân cũng có thể tiếp cận công lý và yêu cầu sự can thiệp của pháp luật khi cần thiết. Đặc biệt, tại khoản 3 Điều 51 Luật quy định “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người vợ và trẻ nhỏ trong giai đoạn nhạy cảm này.

 
Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024 đã hướng dẫn chi tiết việc áp dụng khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể hóa và làm rõ thêm các tình huống và điều kiện liên quan, nhằm bảo đảm sự công bằng và minh bạch trong quá trình giải quyết ly hôn.

Quy định mới về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP

- Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai

Theo quy định tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, trường hợp vợ đang có thai, sinh con chồng không có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người vợ và con nhỏ. Các trường hợp này bao gồm:
 
+ Khi vợ đang có thai:Trong thời gian người vợ mang thai, chồng không được yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai”. Quy định này áp dụng từ thời điểm người vợ mang thai cho đến khi sinh con hoặc đình chỉ thai nghén.
 
+ Khi vợ sinh con:
 
Đầu tiên là trường hợp “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian con dưới 12 tháng tuổi”. Đây là quy định nhằm bảo vệ người phụ nữ sau khi sinh có sức khỏe, tinh thần dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, trong tình huống nếu người phụ nữ vì ngoại tình mà không nuôi con, đi theo người đàn ông khác và để mặc cho người chồng một mình nuôi con. Nhưng người chồng trong tình huống này lại không có quyền yêu cầu ly hôn, thì quy định như vậy có phần chưa thực sự hợp lý khiến người chồng phải chịu đựng sự không công bằng này, đến khi con được trên 12 tháng tuổi mới có quyền yêu cầu ly hôn.
 
Trường hợp thứ hai, “vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi thì chồng không được quyền yêu cầu ly hôn trong khoảng thời gian 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con”. Đây là quy định hết sức nhân văn đề bảo vệ cho người mẹ cả về sức khỏe và tinh thần trong thời gian chịu đựng nỗi đau và mất mát khi con mất.
 
Trường hợp thứ ba, “khi vợ phải đình chỉ thai nghén khi thai từ 22 tuần tuổi trở lên, trong khoảng thời gian 12 tháng tính từ ngày đình chỉ thai nghén người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn”. Đây là quy định vừa giúp bảo vệ tâm lý và sức khỏe của người mẹ khi mới phải đình chỉ thai nghén. Đồng thời, quy định này cũng giúp hạn chế tình trạng người chồng khi đã hết tình cảm muốn ly hôn ngay, nên gây sức ép hoặc tác động tới người mẹ phải đình chỉ thai nghén trái ý muốn.

- Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi

Khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trong giai đoạn này, bất kể con là con đẻ hay con nuôi, chồng không được quyền yêu cầu ly hôn để đảm bảo sự chăm sóc và ổn định tâm lý cho trẻ.
 
Quy định này nhằm đảm bảo sự ổn định và an toàn cho người vợ và con nhỏ trong những giai đoạn nhạy cảm và cần sự chăm sóc đặc biệt, đồng thời giảm thiểu các xung đột và áp lực trong gia đình.
 
Tuy nhiên, việc Nghị quyết quy định “ Trong thời gian người vợ mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, chồng không được yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai, con đẻ hay con nuôi”, cũng khiến nhiều người đặt ra một câu hỏi, liệu quy định như vậy có thực sự công bằng đối với nam giới và tuân thủ nguyên tắc về bình đẳng giới hay chưa.
 
Ví dụ: Chị Hà Ngọc A và anh Nguyễn Đức H đăng ký kết hôn từ năm 2016, quá trình chung sống đã có 02 con chung là cháu L và cháu B. Đến tháng 8 năm 2024 thì chị A biết mình mang thai con thứ 3, sau khi đi khám thì được chẩn đoán là thai 04 tháng. Do nghì ngờ không phải con mình, vì thời gian chị A mang thai, anh H vắng nhà nhiều ngày nên anh H đi xét nghiệm ADN của cháu L và cháu B thì kết quả cả hai cháu đều có kết quả là không cùng huyết thống với anh H. Chị A cũng xác nhận trong suốt quá trình hôn nhân chị đã ngoại tình với anh Nguyễn Việt T và cháu L, cháu B và cả thai nhi chị đang mang đều là con của người khác dẫn đến gia đình anh H chị A xảy ra mâu thuẫn không thể hàn gắn. Nhưng trong trường hợp này theo quy định anh H sẽ không được yêu cầu ly hôn với chị A đến khi chị sinh con và con đã từ 12 tháng tuổi trở lên. Nếu chị A không ly hôn với anh H thì đây sẽ là một khoảng thời gian dài và gây ảnh hưởng nhiều tới tinh thần và cuộc sống của anh H.
 
Trong tình huống trên việc anh H không được quyền yêu cầu ly hôn với chị A không những ảnh hưởng đến tinh thần và cuộc sống của anh H, mà còn ảnh hưởng đến quyền “đơn phương ly hôn” của anh H. Vì chị A đã ngoại tình trong thời gian dài và cả 02 người con trước đều không có quan hệ huyết thống với anh H, đây chính là căn cứ vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng mâu thuẫn trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Có đủ căn cứ để thực hiện quyền đơn phương ly hôn, việc Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP quy định như trên dẫn đến xung đột pháp luật về quyền “đơn phương ly hôn”, đồng thời nam giới cũng phải chịu thiệt thòi nhiều hơn, chưa được hưởng hoàn toàn quyền bình đẳng giới mà pháp luật quy định.

- Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Theo quy định tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng bao gồm những điều khoản chi tiết liên quan đến quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng.
 
Cụ thể, “Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Điều này giúp quy định chặt chẽ hơn trong những trường hợp trên thực tế người nhờ mang thai hộ không nuôi con hoặc chưa đủ điều kiện nuôi con. Quy định này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người vợ cũng như đứa trẻ trong giai đoạn sau sinh nhiều khó khăn.
 
Ngoài ra, “Chồng của người nhờ mang thai hộ cũng không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con, hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Quy định này đảm bảo sự ổn định và an toàn cho cả hai bên liên quan trong quá trình mang thai hộ, đồng thời thể hiện sự quan tâm và bảo vệ trẻ em, giúp đảm bảo trẻ nhận được sự quan tâm, chăm sóc và được bảo vệ quyền lợi trong các tình huống phức tạp và nhạy cảm liên quan đến mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, trong trường hợp này Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP vẫn còn tồn tại vướng mắc, nếu hai vợ chồng nhờ mang thai hộ và đang nuôi con nhưng do người vợ ngoại tình nên không chăm sóc con nữa và không còn tình cảm với chồng khiến đời sống hôn nhân ngày càng trầm trọng. Nhưng theo quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 2  của Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP thì người chồng vẫn không có quyền yêu cầu Tòa Án giải quyết ly hôn. Xét theo phương diện chăm sóc cho trẻ em thì cháu bé trong trường hợp này đã không còn nhận được sự chăm sóc của mẹ và chỉ có bố là người chăm sóc cháu bé. Ngoài ra, vì là nhờ mang thai hộ,  nên người mẹ không trực tiếp mang thai, sinh con, không phải chịu đựng sự vất vả về thể chất và tinh thần của người phụ nữ khi sinh đẻ. Vì vậy, theo quan điểm của tác giả việc quy định chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu ly hôn là cứng nhắc và chưa bình đẳng đối với nam giới. Cần sửa đổi điểm b, khoản 6, Điều 2  của Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP thành: Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (trừ trường hợp vợ của người nhờ mang thai hộ vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”. Quy định như vậy sẽ giúp đảm bảo quyền và sự bình đẳng giới hơn đối với người chồng trong trường hợp này.
 
Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đưa ra những quy định mới nhất về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, đặc biệt nhấn mạnh các trường hợp chồng không được yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai, sinh con, hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người vợ và trẻ nhỏ, đồng thời đảm bảo sự công bằng và minh bạch hơn các trường hợp còn gặp vướng mắc trong xét xử. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những bất cập như đối với Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà xác định không phải con của chồng; và trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như đã nêu trên. Đề nghị HĐTP Tòa án nhân dân tối cao sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người chồng khi bị phản bội trong hôn nhân.
 
Bàng Đức Hải - VKSND huyện Sơn Dương
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top