Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của Công nghệ thông tin; Internet Banking; mạng xã hội Zalo, facebook…các loại tội phạm liên quan đến mạng Internet, tôi phạm mạng, tội phạm công nghệ nói chung cũng xuất hiện ngày càng nhiều và phổ biến. Trên địa bàn huyện Yên Sơn các cơ quan Tiến hành tố tụng phát hiện xử lý nhiều vụ án có các đối tượng lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu trong quản lý tài sản, trong việc quản lý tài khoản và bảo mật mật khẩu, tài khoản ngân hàng được cài đặt trên điện thoại di động để chuyển tiền và chiếm đoạt tiền trong Ngân hàng của chủ sở hữu.
Qua công tác THQCT- KSĐT - Truy tố và xét xử một số vụ án trên tác giả thấy việc áp dụng pháp luật, xác định tội danh đối với cùng một loại hành vi còn tồn tại quan điểm trái chiều, do đó cần thiết phải có sự hướng dẫn của Cơ quan có thẩm quyền để thống nhất đường lối giải quyết. Tôi xin nêu 01 vụ án cụ thể sau để chúng ta cùng nghiên cứu, xem xét, trao đổi:
1. Nội dung vụ án: Từ ngày 24 đến ngày 28/01/2024, Nguyễn Thị Nh, trú tại Khu 1, xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ ở chung 01 phòng với chị Phàn Thị H, trú tại thôn Phú Tỷ, xã Na Khê, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang tại nhà nghỉ Nhà nghỉ L- H, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 28/01/2024, H nói cho Nh biết vừa mua 01 chiếc điện thoại mới nhưng không biết đăng nhập vào ứng dụng Internet Banking của H mở tại Agribank, Nh nói “chị để em xem hộ”, H đồng ý đưa điện thoại cho Nh, rồi cùng nhau thực hiện cài đặt và đăng nhập thành công vào ứng dụng Banking Internet, trong khi cài đặt Nh đã nhớ mật khẩu đăng nhập ứng dụng và đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của H. Khoảng 22 giờ cùng ngày khi thấy chị H ngủ say, điện thoại để trên đầu giường ngủ, Nh đã lén lút sử dụng điện thoại của H truy cập vào ứng dụng Banking Internet chuyển khoản 64.300.000 đồng từ tài khoản của chị H vào tài khoản ngân hàng của Nh. Đến sáng ngày 29/01/2024, Nh đã chuyển toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt được qua các tài khoản của người quen để đổi lấy lấy tiền mặt và đã chi tiêu cá nhân hết số tiền trên. Đến ngày 26/02/2024, chị H mới phát hiện tiền trong tài khoản của mình bị mất nên đã đến trình báo với Cơ quan điều tra. Đến ngày 06/03/2024, Nguyễn Thị Nh đã đến Cơ quan điều tra đầu thú và khai báo toàn bộ về hành vi phạm tội của bản thân.
2. Quá trình giải quyết vụ án có 2 quan điểm về xác định tội danh:
2.1. Quan điểm thứ nhất: cho rằng hành vi của Nh đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản vì:
- Nh đã lợi dụng sự mất cảnh giác của chị H khi nhờ Nh cài đặt ứng dụng Internet Banking trên điện thoại, lợi dụng khi H ngủ say Nh đã lén lút sử dụng trái phép điện thoại của H, lén lút đăng nhập vào tài khoản Internet Banking và chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của H sang tài khoản ngân hàng của mình, chiếm đoạt số tiền 64.300.000 đồng.
- Mặc dù Nh đã sử dụng điện thoại di động của chị H có kết nối Internet - là phương tiện điện tử, mạng viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, nhưng bản chất hành vi khách quan của Nh là lén lút thực hiện đăng nhập và chiếm đoạt thành công tiền của H.
- Căn cứ quan trọng hơn là theo quy định của Điều 290 Bộ luật Hình sự: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định “Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì...”. Theo quy định trên ngay trong chính điều luật này đã ưu tiên xử lý về các tội về xâm phạm sở hữu trước, sau đó mới xem xét xử lý theo Điều 290.
2.2. Quan điểm thứ hai cho rằng: hành vi của Nh đã phạm vào “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự vì trong chính nội dung của điều luật đã mô tả rất rõ hành vi khách quan đó là:
- a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
- …c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
Trong vụ án này, Nh đã thực hiện hành vi truy cập bất hợp pháp: sử dụng mật khẩu đăng nhập trái phép vào tài khoản Banking Internet của bị hại, là đã thực hiện đầy đủ hành vi được mô tả chuẩn xác tại điểm c khoản 1 Điều 290 BLHS, sau đó chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó hành vi trộm cắp tài sản trong vụ án này không quy định rõ ràng gồm những hành vi cụ thể ra sao mà chỉ được hiểu chung chung đó là hành vi lợi dụng sự mất cảnh giác, tin người của chủ sở hữu, đã lén lút thực hiện các thao tác chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản ... Do đó đủ căn cứ để xử lý đối với Nh về “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Trong vụ án này: cả 2 quan điểm trên đều có những lập luận hợp lý, có căn cứ riêng. Tuy nhiên tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, vì vừa hợp lý với hành vi khách quan của tội phạm vừa có căn cứ rất thuyết ngay trong chính quy định của Điều 290 BLHS đó là chính Điều luật đã chỉ rõ việc ưu tiên áp dụng điều luật “…nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì...”, nghĩa là trước tiên chúng ta phải ưu tiên xem xét áp dụng theo quy định tại Điều 173 và Điều 174 Bộ luật Hình sự trước và chỉ khi không thỏa mãn quy định tại Điều 173 và Điều 174 thì mới xem xét áp dụng Điều 290 BLHS;
Thực tế hình phạt của Điều 173 và Điều 290 BLHS là tương đương nhau, tuy nhiên trong áp dụng pháp luật còn xảy ra quan điểm trái chiều giữa Viện kiểm sát với Tòa án nhân dân trong việc xác định tội danh, dẫn đến việc yêu cầu thay đổi quan điểm về tội danh giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tác giả cho rằng cần phải có sự hướng dẫn của Cơ quan có thẩm quyền đối với các hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật. Tác giả rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý của các đồng nghiệp./.
Nguyễn Hồng Tư - Viện KSND huyện Yên Sơn