Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Nghiên cứu - Trao đổi

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 3911

   Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành Kiểm sát Tuyên Quang


Thứ tư - 29/06/2022 11:22
 
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ lãnh đạo, quản lý nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, trong đó việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực, trình độ, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý nghĩa quyết định trong việc tổ chức triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn hiện nay. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù có tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 NXB CTQG, H. 1995).

 
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện KSND tỉnh Tuyên Quang luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn và kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới. Hiện nay ngành Kiểm sát Tuyên Quang có 43 đ/c giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, trong đó 04 đ/c lãnh đạo Viện KSND tỉnh, 08 đ/c Trưởng các đơn vị cấp phòng, 12 đ/c Phó Trưởng các đơn vị cấp phòng và 07 đ/c Viện trưởng, 12 đ/c phó Viện trưởng Viện KSND cấp huyện. Về trình độ Thạc sỹ luật 11 đ/c, Đại học Luật 31 đ/c, Đại học khác 01 đ/c, Cao cấp lý luận chính trị 36 đ/c, Trung cấp lý luận chính trị 07 đ/c (có 03 đ/c đang học Cao cấp lý luận chính trị). Để có được đội ngũ lãnh đạo, quản lý như trên, bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Viện KSND tối cao và sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp, qua đó sàng lọc, lựa chọn từ nguồn cán bộ hiện có để bổ sung quy hoạch, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hiện nay còn có cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, không dám nhận những nhiệm vụ yêu cầu trách nhiệm cao, không dám thử thách tại môi trường mới… do đó phần nào gây khó khăn cho khâu công tác cán bộ khi thực hiện quy định về luân chuyển, điều động cán bộ (Quy định về việc chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 161/QĐ-VKSTC ngày 28/4/2021 của Viện trưởng Viện KSND tối cao).
 
Để làm tốt khâu công tác cán bộ, trong thời gian tới Ban cán sự đảng, tập thể Lãnh đạo Viện cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong công tác này. Cụ thể:
 
Một là: Thực hiện tốt công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức hằng năm.
 
Căn cứ Quy chế về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 323/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2021 của Viện trưởng Viện KSND tối cao và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được phân công, đánh giá, nhận xét của tập thể đơn vị nơi công chức công tác, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện KSND tỉnh phân tích, đánh giá khách quan theo từng tiêu chí nêu trong quy định, không cào bằng, biểu dương, nhìn nhận những đồng chí có năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao qua đó có nhận xét, đánh giá thực chất đối với cán bộ được đánh giá.
 
Hai là: Thực hiện có hiệu quả công tác rà soát, bổ sung quy hoạch và quy hoạch chức vụ lãnh đạo quản lý Viện kiểm sát hai cấp.
 
Để đạt được kết quả tốt, yêu cầu các đồng chí lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, lãnh đạo cấp phòng Viện KSND tỉnh và cấp ủy chi bộ phối hợp tốt với phòng tổ chức cán bộ Viện KSND tỉnh tập hợp thông tin, căn cứ và nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm đối chiếu tiêu chuẩn, điều kiện được quy định tại Hướng dẫn số 26/HD-VKSTC ngày 25/4/2022 của Viện KSND tối cao Hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành Kiểm sát nhân dân, qua đó công tâm, khách quan lựa chọn cán bộ đề nghị bổ sung quy hoạch và quy hoạch chức vụ lãnh đạo quản lý báo cáo Ban cán sự đảng Viện KSND tỉnh cho ý kiến và thực hiện quy trình công tác quy hoạch tiếp theo.
 
Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ năng lực hạn chế, không được sự tín nhiệm cao của các đồng chí trong tập thể lãnh đạo và công chức trong đơn vị, mặc dù số lượng quy hoạch có thể ít hơn so với quy định tại mục 4 phần II Hướng dẫn số 26/HD-VKSTC. Qua đó đảm bảo lựa chọn được những cán bộ có khả năng, năng lực quy hoạch vào chức vụ lãnh đạo, quản lý.
 
Ba là: Quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
 
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/9/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao Về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Viện KSND giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Gắn công tác đào tạo với công tác quy hoạch cán bộ, qua đó nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, nhất là đối với cán bộ được đưa vào quy hoạch để tạo nguồn cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có trình độ, bản lĩnh chính trị.
 
Bốn là: Thực hiện nghiêm Quy định về việc chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 161/QĐ-VKSTC ngày 28/4/2021 của Viện trưởng Viện KSND tối cao
 
Trên cơ sở công tác quy hoạch và kế hoạch đào tạo, hằng năm Viện KSND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể về điều động, luân chuyển cán bộ để đào tạo, thử thách cán bộ. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, phù hợp với năng lực, sở trường của người được điều động, luân chuyển và kế hoạch bổ nhiệm chức vụ, bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu hụt bởi nhiều lý do khác nhau.
 
Năm là: Trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ
 
Thực hiện nghiêm Quy chế về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 400/QĐ-VKSTC ngày 17/11/2021 của Viện trưởng Viện KSND tối cao.
 
Qua đánh giá hằng năm và trên cơ sở quy hoạch cán bộ phòng Tổ chức cán bộ tham mưu tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt (đối với chức vụ lãnh đạo quản lý cấp phòng Viện KSND tỉnh) lấy ý kiến và bỏ phiếu tín nhiệm (hình thức phiếu kín) đề nghị Viện trưởng Viện KSND tỉnh bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Trên cơ sở các ý kiến tham gia góp ý và kết quả phiếu tín nhiệm tại Hội nghị, phòng Tổ chức cán bộ tham mưu Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiên quyết không thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với những cán bộ năng lực hạn chế, mức độ tín nhiệm thấp và thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với cán bộ có năng lực, mức tín nhiệm cao theo quy định; đối với chức vụ lãnh đạo Viện KSND cấp huyện, phòng Tổ chức cán bộ rà soát nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm, danh sách quy hoạch đã được phê duyệt, đánh giá quá trình công tác khi được luân chuyển, đào tạo và nhu cầu của đơn vị báo cáo Ban cán sự đảng cho ý kiến về nhân sự và thực hiện các quy trình báo cáo Viện KSND tối cao bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ theo quy định.
 
Để nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý Viện kiểm sát hai cấp, bên cạnh sự phấn đấu không ngừng của từng cán bộ, đề nghị của các đơn vị Viện KSND cấp huyện, các phòng thuộc Viện KSND tỉnh, Viện KSND tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên để lựa chọn được những cán bộ có năng lực, khả năng đảm nhận chức vụ theo yêu cầu nhiệm vụ, qua đó từng bước nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ ngành Kiểm sát Tuyên Quang.
 
                                                                      Trần Thị Bích Hạnh-P15
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top