Trang nhất » Tin Tức » Tin tức cập nhật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 5378

   Những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Điều 308 BLTTDS năm 2015


Thứ tư - 28/04/2021 02:23
      Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS 2015) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016, Bộ luật mang tinh thần đổi mới theo Hiến pháp 2013, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp nhằm hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
      Tuy nhiên, khi áp dụng một số điều luật cụ thể trong thực tiễn còn gặp phải khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được hướng dẫn thực hiện, dẫn đến việc áp dụng còn tuỳ tiện như:
Điều 308 BLTTDS năm 2015 quy định: Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm:
      Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sau đây:
      1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm;
      2. Sửa bản án sơ thẩm;
      3. Huỷ bản án sơ thẩm, huỷ một phần bản án sơ thẩm…
      Khi một vụ án dân sự có kháng cáo, quá trình xem xét giải quyết vụ án, không có căn cứ để chấp nhận nội dung kháng cáo của đương sự, nhưng xét thấy quá trình thụ lý vụ án, nguyên đơn có nộp tạm ứng án phí, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện nhưng không tuyên trả lại tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn hoặc có vụ án tuyên nghĩa vụ chịu án phí có giá ngạch không đúng theo quy định làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, dẫn đến cấp phúc thẩm phải xem xét sửa bản án sơ thẩm.
      Trường hợp trên thì khi áp dụng pháp luật sẽ áp dụng cả khoản 1 và khoản 2 của Điều 308 BLTTDS hay chỉ áp dụng khoản 2 Điều 308 BLTTDS mới đảm bảo đúng với tinh thẩn của Điều luật. Hiện nay, có 02 quan điểm:
      - Quan điểm thứ nhất cho rằng: 
       Cần phải áp dụng cả khoản 1 và khoản 2 của Điều 308 BLTTDS vì:
      Kháng cáo của đương sự không được chấp nhận nên cần áp dụng khoản 1 “Giữ nguyên bản án sơ thẩm” và sửa đối với phần bản án có vi phạm nên áp dụng cả khoản 2 Điều 308 BLTTDS mới đầy đủ, đảm bảo trong việc áp dụng pháp luật.
      - Quan điểm thứ hai cho rằng:
      “Giữ nguyên bản án sơ thẩm” được hiểu khi xét thấy các quyết định của bản án sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật thì Tòa án cấp phúc thẩm mới giữ nguyên bản án sơ thẩm. Như vậy bản án sơ thẩm được xem xét trên góc độ toàn diện, tổng thể  kể cả nội dung kháng cáo và các nội dung khác liên quan nếu không có vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, khi giải quyết tại cấp phúc thẩm không làm thay đổi bất kỳ nội dung, quyết định nào của bản án sơ thẩm.
      “Sửa bản án sơ thẩm” là khi cấp phúc thẩm xem xét bản án sơ thẩm kể cả nội dung kháng cáo và các nội dung khác liên quan nếu có vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, mà cấp phúc thẩm quyết định làm thay đổi nội dung, quyết định của bản án sơ thẩm.
      Như vậy về bản chất của khoản 2 Điều 308 “Sửa bản án sơ thẩm” là không còn giữ nguyên nên việc áp dụng từng khoản trong từng trường hợp cụ thể mới đảm bảo, đúng quy định của BLTTDS, nên khi giải quyết không thể áp dụng cả khoản 1 và khoản 2 Điều 308 BLTTDS trong cùng một bản án phúc thẩm.
      Quan điểm tác giả bài viết đồng nhất với quan điểm thứ hai. Rất mong sự quan tâm trao đổi từ các đồng nghiệp.
      Trên đây là vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng Điều 308 BLTTDS năm 2015, đề nghị các cơ quan liên ngành trung ương sớm ban hành hướng dẫn thực hiện để việc áp dụng Điều luật được đảm bảo thống nhất./.
 
          Ngô Thị Vỹ - Phòng 9, Viện KSND tỉnh
 
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top