Kháng nghị, kiến nghị là quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát được quy định trong Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Thực hiện tốt nhiệm vụ này nhằm phát hiện những vi phạm trong hoạt động tư pháp, yêu cầu cơ quan vi phạm khắc phục bảo đảm cho hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm minh, công bằng, dân chủ và khách quan, bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của các tổ chức và công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận; ngoài ra góp phần quan trọng trong việc khẳng định và nâng cao vị thế của Ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ thống các cơ quan tư pháp.
Để phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy tiến độ giải quyết việc thi hành án dân sự, chấn chỉnh, phát hiện và yêu cầu khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm pháp luật xảy ra trong lĩnh vực thi hành án dân sự, tôi chọn chuyên đề "kỹ năng phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị trong công tác thi hành án dân sự" để nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác kiểm sát thi hành án dân sự nói chung và việc ban hành kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân nói riêng, đồng thời đưa ra những giải pháp để từng bước khắc phục những mặt hạn chế, vi phạm trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự.
I. Những vấn đề lý luận cơ bản về kiểm sát thi hành án dân sự và thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị trong công tác thi hành án dân sự
1. Những vấn đề lý luận cơ bản về thi hành án dân sự
Kiểm sát thi hành án dân sự là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân được quy định trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật thi hành án dân sự năm 2014 và các văn bản pháp luật khác. Kiểm sát thi hành án dân sự là kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, Cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan trong việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc chấp hành các nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nhằm đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành đầy đủ, kịp thời và đúng pháp luật.
Công tác kiểm sát thi hành án dân sự được thực hiện từ khi các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đến khi bản án, quyết định đó được thi hành xong. Do vậy, việc phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự là từ khi Tòa án chuyển giao bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan thi hành án đến khi kết thúc thi hành án. Việc phát hiện vi phạm trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự và thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân nhằm bảo đảm việc thi hành án đúng pháp luật, kịp thời, qua đó góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
2. Các quy định của pháp luật về quyền kiến nghị, kháng nghị
Tại các Điều 28, 30 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Điều 12, Điều 160 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 quy định về ban hành kiến nghị, kháng nghị đối với Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan tổ chức, cá nhân; nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc ban hành kết luận kiểm sát, thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị; nội dung kiến nghị; đối tượng, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát…
II. Thực trạng công tác kiểm sát thi hành án dân sự và thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị trong công tác thi hành án dân sự
Trong 5 năm gần đây, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Dương đã ban hành 15 kiến nghị trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự đối với Chi cục thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương. Các vi phạm thường gặp được nêu trong kiến nghị của Viện kiểm sát gồm:
1. Những vi phạm thường gặp của Tòa án và Chi cục thi hành án dân sự huyện Sơn Dương
1.1. Những vi phạm thường gặp của Tòa án nhân dân huyện
Qua kiểm sát công tác thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Dương nhận thấy Tòa án nhân dân huyện thường chậm chuyển giao bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật cho Chi cục thi hành án dân sự huyện (vi phạm quy định tại Điều 28 Luật thi hành án dân sự năm 2014).
Tại điều 28, Luật Thi hành án dân sự năm 2014 đã quy định thời hạn cụ thể đối với từng loại bản án, quyết định phải chuyển giao cho Cơ quan thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn Tòa án nhân dân huyện vẫn còn chậm chuyển giao nhiều bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cho Chi cục thi hành án dân sự huyện.
1.2. Vi phạm của Chi cục thi hành án dân sự huyện trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự
Thứ nhất, Vi phạm thời hạn xác minh điều kiện thi hành án (quy định Điều 44 Luật thi hành án dân sự năm 2014).
Theo quy định trên thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Dương nhận thấy vẫn còn rất nhiều trường hợp Chấp hành viên chậm tiến hành xác minh.
Nhiều hồ sơ thể hiện việc xác minh lần đầu chậm; thời hạn giữa các lần xác minh vượt quá thời hạn xác minh lại theo quy định tại khoản 2, điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2014. Một số trường hợp, việc chậm xác minh dẫn đến tình trạng vụ việc từ chỗ có điều kiện thi hành nhưng do chậm đôn đốc và tổ chức thi hành án, người phải thi hành án đã tẩu tán tài sản dẫn đến vụ việc chuyển thành chưa có điều kiện thi hành.
Thứ hai, Vi phạm phân loại, xác minh điều kiện thi hành án (quy định tại Điều 44a Luật Thi hành án dân sự năm 2014).
Một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên thực tế có thể khó thi hành nếu công tác phân loại, xác minh điều kiện thi hành án sai sót. Vì vậy một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi hành án dân sự là phân loại, xác minh chính xác, đúng pháp luật án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành. Tại điều 44a, Luật Thi hành án dân sự năm 2014 đã quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm tính chính xác của công tác xác minh, phân loại án. Tuy nhiên, Chi cục thi hành án dân sự còn xếp một vài trường hợp có điều kiện thi hành án sang loại án không điều kiện.
Thứ ba, vi phạm việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự (quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự năm 2014).
Trong năm 2015, Chi cục thi hành án dân sự huyện chưa tiến hành lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án các khoản nộp ngân sách nhà nước đối với những trường hợp không có điều kiện thi hành án đã đủ điều kiện (về thời hạn) theo quy định tại điều 61, Luật thi hành án dân sự năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Dương đã ban hành kiến nghị số 176/VKS-THADS ngày 27/7/2015 đối với Chi cục thi hành án dân sự huyện.
Việc không lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đã vi phạm khoản 1, điều 4 và điều 7 Thông tư liên tịch số 10/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/5/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
Thứ tư, vi phạm về việc lập hồ sơ thi hành án dân sự (quy định tại điều 8, Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ).
Theo quy định tại điều 8, Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự thì hồ sơ thi hành án dân sự thể hiện toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên. Tuy nhiên, tại kết luận kiểm sát trực tiếp Chi cục thi hành án dân sự huyện Sơn Dương số 460/KL-VKS ngày 25/10/2016 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Dương đã kiến nghị Chi cục thi hành án dân sự về 01 hồ sơ không có biên bản xác minh điều kiện thi hành án.
2. Những khó khăn trong công tác phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị trong công tác thi hành án dân sự:
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác kiểm sát thi hành án còn có những khó khăn đó là: Số việc thi hành án còn tồn đọng từ nhiều năm cũ chuyển sang thuộc loại án khó thi hành hoặc án đang thụ lý giải quyết có tính chất phức tạp, trong khi đó số mới thụ lý ngày càng tăng, tính chất, mức độ vi phạm đa dạng trên nhiều lĩnh vực nhưng biên chế cho Viện kiểm sát huyện còn ít, chỉ bố trí được 01 kiểm sát viên, 01 kiểm tra viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự nên chất lượng, hiệu quả công tác Kiểm sát Thi hành án dân sự còn nhiều hạn chế; kỹ năng phát hiện vi phạm pháp luật chưa cao hoặc khi phát hiện vi phạm thì thiếu kiên quyết yêu cầu khắc phục sửa chữa triệt để, chưa áp dụng đầy đủ các phương thức kiểm sát, nội dung kiểm sát thiếu cụ thể, chưa tập trung vào kiểm sát thường xuyên ở lĩnh vực thường xảy ra vi phạm. Mặt khác, một số bản kiến nghị còn mang tính hình thức, nội dung của kiến nghị còn chung chung.
3. Nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc
- Huyện Sơn Dương có địa bàn rộng, trình độ dân trí nhìn chung còn chưa cao, ý thức chấp hành pháp luật của một số người phải thi hành án có biểu hiện chây ỳ không hợp tác. Bên cạnh đó số vụ việc, số tiền phải thi hành án dân sự ngày càng tăng cao, tính chất phức tạp hơn.
- Công tác tham mưu, đề xuất của các Kiểm sát viên, chuyên viên chưa kịp thời, có lúc chưa đảm bảo tính chính xác dẫn đến chậm trễ trong việc kiến nghị.
- Việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm sát thi hành án dân sự cho đội ngũ cán bộ còn chưa được thường xuyên.
III. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng việc phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự
- Lãnh đạo Viện luôn quan tâm chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, kiểm sát viên trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự.
- Trong quá trình kiểm sát cần áp dụng linh hoạt các phương thức kiểm sát sao cho phù hợp với tình hình thực tế, sớm phát hiện vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự, kịp thời ban hành văn bản kiến nghị để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
- Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác Kiểm sát thi hành án dân sự phải thường xuyên nghiên cứu, học tập, nắm chắc các quy định của pháp luật về công tác này.
- Cán bộ, Kiểm sát viên được phân công cần mở sổ theo dõi, tổng hợp vi phạm và thường xuyên cập nhật, phản ánh đầy đủ, chính xác các vi phạm đã phát hiện. Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ phải kiểm sát chặt chẽ các quyết định thi hành án ngay từ đầu bằng việc so sánh nội dung bản án, quyết định của Tòa án với nội dung quyết định thi hành án bởi đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm kịp thời phát hiện vi phạm.
- Cán bộ, Kiểm sát viên chủ động nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát chặt chẽ việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định về thi hành án dân sự đảm bảo đúng nội dung và thời gian quy định; nắm chắc các tài liệu có trong hồ sơ thi hành án và các tài liệu khác thu thập được trong quá trình kiểm sát; đối chiếu quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, các bước tiến hành… để xác định chính xác vi phạm, từ đó áp dụng đúng quy định pháp luật. Trường hợp phức tạp và có nhiều ý kiến trái chiều giữa các cơ quan ban ngành liên quan, cần kịp thời báo cáo cho Lãnh đạo đơn vị trước khi ban hành kháng nghị, kiến nghị.
- Sau khi ban hành kiến nghị cần theo dõi việc phúc đáp của cơ quan bị kiến nghị; theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị và định kỳ tiến hành phúc tra việc thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát.
- Các ngành hữu quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng trong công tác thi hành án dân sự.
Thông qua báo cáo Chuyên đề “Quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự”, bản thân tôi đã nghiên cứu thực tiễn hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Dương; phân tích, đánh giá về thực trạng các quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng trong công tác kiểm sát, những vấn đề khó khăn, vướng mắc của thực tiễn hoạt động kiểm sát thi hành án, từ đó đưa ra giải pháp và kiến nghị để hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát. Với những giải pháp, kiến nghị của chuyên đề đưa ra, hy vọng sẽ góp phần khắc phục những vướng mắc bất cập tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự hiện nay.
Lương Thị Thu Phương