I. SỰ CẦN THIẾT CỦA CHUYÊN ĐỀ
Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự tại Cơ quan thi hành án dân sự là thẩm quyền và là một trong các hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự được quy định tại Khoản 2 Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014; Điểm c Khoản 2 Điều 12 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014. Đây là một trong những chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản trong Kế hoạch công tác hàng năm của VKSND tỉnh Tuyên Quang và Phòng kiểm sát THADS, HC.
Nhận thấy kỹ năng tiến hành trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự tại cơ quan thi hành án dân sự rất quan trọng trong hoạt động THADS, vì vậy tôi chọn nội dung này làm báo cáo chuyên đề của mình.
II.THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TRỰC TIẾP KIỂM SÁT HOẠT ĐỘNG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TẠI CƠ QUAN THADS
1. Kết quả đạt được qua các cuộc trực tiếp kiểm sát tại cơ quan THADS
Trong năm 02 năm 2016, 2017 cả 02 cấp kiểm sát đã tiến hành 16 cuộc trực tiếp kiểm sát. Thông qua công tác trực tiếp kiểm sát thi hành án dân sự, VKSND đã phát hiện nhiều dạng vi phạm của cơ quan thi hành dân sự như:
- 20 hồ sơ không thông báo quyết định về thi hành án, kết quả xác minh cho đương sự. Vi phạm Điều 39, 40, 44 Luật thi hành án dân sự, sửa đổi bổ sung năm 2014.
- 25 hồ sơ chậm xác minh điều kiện THA. Vi phạm Điều 44 Luật thi hành án dân sự, sửa đổi bổ sung năm 2014.
- 01 hồ sơ người được thi hành án nhận tiền lần thứ nhất lớn hơn 02 lần mức lương cơ sở và đã được thu phí THA, lần thứ 02 nhận được tiền nhỏ hơn 02 lần mức lương cơ sở nhưng lại không thu phí THA (vi phạm Điều 5, Thông tư số 216/2016/TT-BTC).
- 01 hồ sơ Chấp hành viên đã ban hành Quyết định THA và lập biên bản chứng kiến các đương sự thỏa thuận tự giao nhận tiền nhưng không thu phí thi hành án. Vi phạm khoản 4, Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC).
- 02 hồ sơ không thông báo nhận quyết định ủy thác cho Cơ quan THADS đã ủy thác.
Bên cạnh đó còn một số vi phạm như quyết định thi hành án dân sự vi phạm về thời hạn ban hành; Cơ quan thi hành án gửi các quyết định về thi hành án chậm. Ngoài ra trong quá trình trực tiếp kiểm sát, còn phát hiện một số vi phạm liên quan đến công tác THADS của Toà án nhân dân. VKSND đã kịp thời ban hành kiến nghị, yêu cầu khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát THADS.
2. Những hạn chế, thiếu sót
Bên cạnh kết quả đã đạt được, trong công tác trực tiếp kiểm sát còn có hạn chế như:
- Việc xây dựng kế hoạch trực tiếp kiểm sát còn chung chung, chưa cụ thể hoặc chưa trọng tâm theo sát hướng dẫn của VKSND cấp trên.
- Hiệu quả của một số cuộc trực tiếp kiểm sát không cao, không phát hiện được vi phạm để có trường hợp phát hiện được vi phạm nhưng không kiên quyết xử lý. Sau cuộc kiểm sát một số kiến nghị, yêu cầu khắc phục của Viện kiểm sát chậm được khắc phục và còn vi phạm lặp lại ở mức độ khác nhau.
- Một số đơn vị xác định vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự chỉ nêu chung chung, không phân biệt cụ thể dạng vi phạm, không nêu rõ yêu cầu khắc phục vi phạm, chỉ khái quát yêu cầu khắc phục vi phạm đã nêu tại mục a, b... của kết luận. Hoặc chỉ phát hiện được một vài trường hợp vi phạm nhỏ, không phát hiện được vi phạm lớn.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TRỰC TIẾP KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Từ thực tiễn của hoạt động trực tiếp kiểm sát thi hành án dân sự tại Cơ quan thi hành án dân sự, tôi nhận thấy cần làm tốt một số nội dung sau:
1. Công tác chuẩn bị cho cuộc trực tiếp kiểm sát
1.1. Xây dựng Quyết định, kế hoạch trực tiếp kiểm sát
Để cuộc trực tiếp kiểm sát đạt hiệu quả, người được giao chủ trì và tiến hành cuộc kiểm sát phải chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết. Trước khi xây dựng kế hoạch trực tiếp kiểm sát, phải nắm chắc tình hình công tác thi hành án dân sự để lựa chọn phạm vi kiểm sát là kiểm sát toàn diện hay một lĩnh vực trong hoạt động thi hành án dân sự.
Việc xây dựng kế hoạch trực tiếp kiểm sát phải chi tiết, toàn diện và đầy đủ theo mẫu hướng dẫn, trong đó cần lưu ý đến chương trình, thời gian, phương pháp tiến hành cuộc kiểm sát để đảm bảo Viện kiểm sát có thể nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu về thi hành án nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan thi hành án dân sự.
1.2. Tập hợp, nghiên cứu, nắm chắc quy định của pháp luật về công tác Kiểm sát thi hành án dân sự
Cán bộ, Kiểm sát viên tham gia cuộc kiểm sát cần nghiên cứu, nắm chắc quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014; Quy chế 810/QĐ-VKSTC quy chế công tác kiểm sát THADS, THAHC; Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung 2014; Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS; Thông tư 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS; Thông tư 216/2016/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự; Thông tư 01/2016/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự; Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước… cũng như các lĩnh vực liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự (Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án…); các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của cơ quan thi hành án dân sự cấp trên, văn bản hướng dẫn, rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
2. Công bố Quyết định, Kế hoạch trực tiếp kiểm sát
Thành phần tham gia công bố quyết định, kế hoạch trực tiếp kiểm sát do Trưởng đoàn kiểm sát thống nhất với Cơ quan THADS, các cuộc trực tiếp kiểm sát thường bao gồm: Lãnh đạo Viện kiểm sát, thành viên trong đoàn kiểm sát; Lãnh đạo và các Chấp hành viên, công chức của Cơ quan THADS.
Việc công bố Quyết định, kế hoạch trực tiếp kiểm sát phải đươc ghi thành biên bản cụ thể và có chữ ký của hai bên.
3. Tiến hành kiểm tra hệ thống sổ, hồ sơ nghiệp vụ thi hành án
3.1. Kiểm tra việc lập, quản lý các loại sổ cần chú ý một số loại sổ sau
- Đối với sổ nhận các bản án, quyết định do Tòa án chuyển giao theo quy định tại Điều 29 Luật THADS, Kiểm sát viên chú ý kiểm tra ngày, tháng, năm giao nhận bản án, quyết định, xem xét việc tẩy xóa, sửa chữa trong sổ; đối chiếu số, ngày ban hành bản án, quyết định và ngày giao nhận bản án, quyết định để xác định vào thời điểm giao, nhận của các bên thì bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chưa; đối với trường hợp thi hành án chủ động, Cơ quan thi hành án có ra quyết định thi hành án chủ động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận bản án, quyết định do Tòa án chuyển đến không?...
- Sổ thụ lý thi hành án chủ động, sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án, cần xem xét kỹ nội dung ghi chép để xác định việc ra quyết định thi hành án có đúng thẩm quyền và trong thời hạn quy định của pháp luật không, thời hiệu yêu cầu thi hành án còn không. Thời hạn ra quyết định thi hành án, nội dung quyết định thi hành án đã ban hành có đúng nội dung bản án, quyết định của tòa án không.
- Sổ ra quyết định thu phí thi hành án, cần chú ý các trường hợp không phải thu phí thi hành án, việc tính mức phí thi hành án trên số tiền, tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án với quyết định thi hành án, xem xét việc chi trả, thu nộp, miễn, giảm phí thi hành án của Cơ quan THADS.
- Đối với Sổ ra quyết định ủy thác thi hành án, cần xem xét để xác định có hay không có sai sót và trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án làm căn cứ ủy thác như: Tại thời điểm ra quyết định thi hành án, đương sự có tài sản nhưng Chấp hành viên không kịp thời tiến hành kê biên, xử lý tài sản để thi hành án mà để quá lâu mới xác minh điều kiện thi hành án dẫn đến đương sự đã bán tài sản và chuyển đến nơi ở mới. Do vậy việc ủy thác thi hành án đến nơi ở mới sẽ khó thi hành vì tại nơi này có thể đương sự đang ở nhờ hoặc thuê nhà người khác không phải là nơi có tài sản, nơi cư trú.
3.2. Kiểm tra hồ sơ nghiệp vụ thi hành án
Hồ sơ nghiệp vụ thi hành án phải thể hiện được toàn bộ quá trình tổ chức THA của Chấp hành viên. Khi kiểm tra cần xem xét trong thời hạn không quá 2 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Chấp hành viên có lập hồ sơ nghiệp vụ THA hay không.
Cần bám sát các điều luật quy định trong luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014; Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS; Thông tư 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS; Thông tư 216/2016/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự.
Trong quá trình kiểm sát cần chú trọng các hoạt động kiểm sát mang tính thường xuyên như kiểm sát việc Tòa án gửi bản án, quyết định cho Cơ quan thi hành án dân sự; cơ quan thi hành án dân sự ban hành và gửi các quyết định về thi hành án dân sự cho VKSND; kiểm tra việc xác minh và phân loại các việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành án; Trường hợp ra quyết định THA nhưng không thông báo tự nguyện THA, thông báo chậm hoặc chậm xác minh điều kiện THA hoặc không xác minh điều kiện THA; Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế kê biên tài sản THA trong quá trình tổ chức THA, các loại tài liệu liên quan đến việc cưỡng chế THA, việc chấp hành pháp luật trong quá trình kê biên, định giá và bán tài sản…
Trường hợp có vi phạm, Kiểm sát viên phải xác định rõ vi phạm điều, khoản của văn bản pháp luật nào, viện dẫn điều luật cụ thể để làm rõ vi phạm trong việc THADS.
4. Yêu cầu giải trình để làm rõ các vấn đề về thi hành án, tập hợp những nội dung đã kiểm sát để dự thảo kết luận
Để xác định đầy đủ vi phạm của Cơ quan THADS trong quá trình kiểm sát trực tiếp, nếu thấy những vấn đề chưa rõ Kiểm sát viên cần yêu cầu Thủ trưởng, Chấp hành viên, cán bộ của Cơ quan THADS có liên quan giải trình; yêu cầu giải trình phải được lập bằng văn bản có ký xác nhận của đại diện bên được kiểm sát và người trực tiếp kiểm sát để xác định có hay không có vi phạm…
Khi hoàn thành kiểm sát theo kế hoạch, người được phân công có trách nhiệm tập hợp kết quả trực tiếp kiểm sát của các thành viên trong đoàn, lập biên bản tổng hợp vi phạm và có chữ ký của đại diện bên được kiểm sát, sau đó xây dựng dự thảo kết luận trình Trưởng đoàn xem xét.
5. Dự thảo và ban hành Kết luận trực tiếp kiểm sát
Tại cuộc họp thông qua dự thảo kết luận Cơ quan Thi hành án dân sự tham gia đóng góp ý kiến chỉnh sửa, bổ sung và ý kiến kết luận của trưởng đoàn kiểm sát. Trên cơ sở đó, Kiểm sát viên hoàn chỉnh kết luận trực tiếp kiểm sát. Nội dung Kết luận phải theo mẫu quy định; phải xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan, điều kiện dẫn đến vi phạm, thiếu sót trong hoạt động THADS, yêu cầu khắc phục, sửa chữa vi phạm đó và trình lãnh đạo Viện duyệt, Trưởng đoàn kiểm sát ký ban hành kết luận. Sau khi ban hành kết luận, nếu có kiến nghị hoặc kháng nghị; KSV phải theo dõi việc trả lời kiến nghị, kháng nghị của cơ quan thi hành án để có biện pháp giải quyết.
Trên đây là chuyên đề “Kỹ năng tiến hành trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự tại cơ quan thi hành án dân sự” của tôi. Là một cán bộ trẻ trong ngành bản thân tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các đồng chí để tôi hoàn thiện chuyên đề.
Nguyễn Mai Dung.