Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Chuyên đề nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 3013

   Kiểm sát viên VKSND huyện Chiêm Hóa báo cáo chuyên đề "Nâng cao kỹ năng kiểm sát việc đối chất".


Thứ năm - 15/03/2018 10:14
        
       1. Sự cần thiết của chuyên đề:

       Hoạt động đối chất, là một trong rất nhiều các biện pháp mà các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng sử dụng trong quá trình thu thập và đánh giá chứng cứ. Hoạt động thu thập chứng cứ nêu trên chỉ có giá trị sử dụng và chứng minh khi nó được cơ quan, người có thẩm quyền thu thập theo đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định, vì vậy đòi hỏi Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát việc đối chất phải có kiến thức và kỹ năng để kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra nói chung cũng như hoạt động đối chất nói riêng, tránh làm oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

       Tôi nhận thấy để nâng cao kiến thức về lý luận cũng như kỹ năng và thực tiễn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KSĐT các vụ án hình sự được phân công, cần xây dựng Chuyên đề để theo dõi, tổng hợp, đánh giá hoạt động thu thập chứng cứ liên quan đến biện pháp đối chất trong quá trình giải quyết vụ án hình sự trên địa bàn huyện Chiêm Hóa trong thời gian qua, từ đó đánh giá thực trạng, tìm ra những tồn tại, hạn chế và đưa ra những giải pháp để thực hiện tốt công tác kiểm sát hoạt động đối chất trong quá trình KSĐT vụ án hình sự.

       2. Về thực trạng hoạt động thu thập chứng cứ liên quan đến biện pháp đối chất trong quá trình giải quyết vụ án hình sự trên địa bàn huyện Chiêm Hóa:

       Trong năm 2017, VKSND huyện Chiêm Hóa đã THQCT và KSĐT 71 vụ án hình sự khởi tố mới. Trong số 71 vụ án đã khởi tố thì hoạt động điều tra thông qua biện pháp đối chất được thực hiện 34 lượt, tập trung chủ yếu ở các vụ án về tội Đánh bạc, Cố ý gây thương tích. Mâu thuẫn trong các vụ án rất đa dạng như mâu thuẫn về động tác, tư thế, vị trí gây thương tích giữa lời khai bị can và người bị hại, bị can và nhân chứng; mâu thuẫn về lời khai giữa bị can với bị can, bị can với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về vai trò của bị can, số tiền bị can sử dụng vào việc đánh bạc với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án đánh bạc.

       Trong đó: - Số lần đối chất có hiệu quả  là  27 lượt/34 lượt  chiếm 79,5%;

                          - Số lần đối chất chưa đạt yêu cầu là 07 lượt/34 lượt chiếm 20,5%.

       Đối với việc kiểm sát hoạt động đối chất, Kiểm sát viên chưa trực tiếp tham gia vào buổi đối chất để kiểm sát hoạt động đối chất, mà chỉ kiểm sát nội dung biên bản đối chất trong quá trình nghiên cứu hồ sơ.

       Theo nội dung biên bản đối chất, Điều tra viên đặt câu hỏi liên quan đến các nội dung còn mâu thuẫn, các bên tham gia đối chất thường trả lời mang tính phủ định lẫn nhau, bên nào cũng khẳng định lời khai của mình là đúng, còn bên kia (bên được đối chất với mình) là khai báo sai, chưa đúng sự thật. Nội dung biên bản đối chất chỉ ghi nhận lời khai báo của các bên, Điều tra viên chưa chú trọng việc đưa ra các chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan để đấu tranh hoặc cho những người đối chất tự đặt câu hỏi lẫn nhau trong quá trình đối chất, do đó hiệu quả của biện pháp này trong một số vụ án còn hạn chế, chưa giải quyết triệt để được mâu thuẫn, do đó giá trị chứng minh, bổ trợ chứng cứ của hoạt động đối chất chưa cao.

         3. Những điểm mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về hoạt động đối chất:

         So với BLTTHS 2003, hoạt động đối chất theo quy định của BLTTHS 2015 có nhiều điểm mới như: Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Bổ sung quy định về nội dung, cách thức đối chất “Trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan”. Bổ sung thêm về hình thức lập biên bản là ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi tiến hành đối chất.

         4. Kỹ năng kiểm sát hoạt động đối chất:

       Để kiểm sát chặt chẽ hoạt động đối chất, Kiểm sát viên cần thực hiện các nội dung sau:

          4.1. Kiểm sát căn cứ, tính hợp pháp của hoạt động đối chất.

          - Bảo đảm hoạt động đối chất chỉ có thể được tiến hành giữa những người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự được khởi tố và đồng thời phải là những người đã được các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ghi lời khai về các tình tiết của vụ án theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự nhưng lời khai có mâu thuẫn giữa hai hay nhiều người về những tình tiết, những vấn đề có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án: Mâu thuẫn ở đây được hiểu là sự trái ngược nhau, phủ định lẫn nhau giữa những lời khai mang nội dung thông tin về cùng một hoặc một số tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 1, Điều 189, Bộ luật tố tụng hình sự.

          Việc đối chất có thể tiến hành giữa bị can với bị can; giữa bị can với người bị tình nghi, người bị tạm giữ, người làm chứng, người bị hại; giữa người bị hại với người làm chứng; giữa người làm chứng với nhau…Kiểm tra việc tiến hành đối chất được thực hiện ở giai đoạn nào (theo quy định tại điều 147 của BLTTHS 2015, giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm không được tiến hành đối chất); Việc giải quyết vụ án đã được Điều tra viên thực hiện đầy đủ, toàn diện tất cả các biện pháp điều tra chưa? Chỉ tiến hành đối chất khi Cơ quan điều tra đã tiến hành tất cả các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn. 

          - Kiểm sát tư cách tham gia tố tụng của những người tham gia đối chất là ai (bị can, người bị hại, người làm chứng...), những người tham gia đối chất có lời khai mâu thuẫn với nhau không?

          - Kiểm sát việc Điều tra viên đã hỏi họ về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất với nhau chưa? Thành phần tiến hành, tham gia đối chất đã đầy đủ chưa?

          Lưu ý: Đối với bị hại là người chưa thành niên việc đối chất phải có người đại diện, giám hộ của họ tham dự và chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người chưa thành niên  với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.

          Nếu có người làm chứng hoặc người bị hại tham gia đối chất thì trước tiên Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Bởi vì hậu quả pháp lý của việc từ chối khai báo hoặc trốn tránh khai báo của họ nếu không có lý do chính đáng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 382, 383 của Bộ luật hình sự. Việc giải thích về quyền và nghĩa vụ của người bị hại (Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự), người làm chứng (Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự), tham gia đối chất phải được ghi vào biên bản.

          - Kiểm sát việc Điều tra viên đọc lại nội dung biên bản đối chất cho những người có mặt cùng nghe. Các thành phần tham gia đối chất ký vào biên bản như thế nào, có ai sửa chữa, ghi thêm nội dung nào vào biên bản không? Biên bản đối chất có tuân theo đúng quy định tại điều 178 của Bộ luật tố tụng hình sự không?

          4.2. Kiểm sát về nội dung đối chất:

          - Kiểm sát nội dung câu hỏi của Điều tra viên về những tình tiết cần làm sáng tỏ, những mâu thuẫn nào đã được đối chất giải quyết; những mâu thuẫn hoặc nội dung nào chưa được giải quyết, nội dung nào đã làm sáng tỏ, nội dung nào chưa được làm sáng tỏ? Điều tra viên không được gợi ý, nhắc nội dung lời khai trước đó của họ hoặc mớm cung, dụ cung. Chỉ sau khi các bên đối chất đã khai xong thì Điều tra viên mới được nhắc lại lời khai trước đó của họ có trong hồ sơ vụ án nhằm đấu tranh làm rõ mâu thuẫn lời khai của họ tại buổi đối chất.

          Kiểm sát việc Điều tra viên đưa ra những chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án để đấu tranh với các bên tham gia đối chất nhằm làm rõ những mâu thuẫn đối với lời khai của họ trước đó và tại buổi đối chất.

          - Kiểm sát nội dung trả lời của những người tham gia đối chất, họ đã trình bày và giải thích về những mâu thuẫn giữa lời khai của họ tại buổi đối chất với lời khai trước đây hoặc giữa lời khai của họ với lời khai của những người khác như thế nào ? Sau khi nghe đối chất xong, Điều tra viên có thể hỏi thêm đối với từng người đối chất và yêu cầu họ giải thích thêm về những mâu thuẫn so với lời khai trước đây. Tất cả những điều đó phải được ghi rõ trong biên bản đối chất.

          - Kiểm sát việc lập, ghi chép biên bản đối chất một cách trung thực, đúng nội dung câu hỏi và lời khai của các bên; việc sửa chữa, thay đổi, bổ xung lời khai trong biên bản phải được thực hiện đúng theo quy định.

          - Nếu qua việc đối chất, Kiểm sát viên phát hiện thấy việc tiến hành đối chất của Điều tra viên thực hiện không đúng quy định hoặc việc đối chất chưa đạt yêu cầu đề ra thì tùy từng trường hợp cụ thể, Kiểm sát viên có thể trực tiếp trao đổi yêu cầu Điều tra viên khắc phục ngay hoặc báo cáo lãnh đạo Viện để tiếp tục ra yêu cầu điều tra hoặc kiến nghị Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành đối chất lại hoặc đối chất bổ sung. Trong nội dung bản yêu cầu điều tra đối chất lại hoặc đối chất bổ sung, Kiểm sát viên phải chỉ rõ lý do và những vấn đề cụ thể cần đối chất để làm rõ khi tiến hành đối chất lại, đối chất bổ sung hoặc cần thiết phải thu thập thêm chứng cứ để phục vụ việc đối chất tiếp theo.

          Trường hợp Viện kiểm sát đã yêu cầu đối chất mà Điều tra viên không thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc kết quả đối chất chưa rõ hoặc sau khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát nhận hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên tiến hành phúc cung bị can và những người tham gia tố tụng khác trong giai đoạn truy tố họ phản cung, thay đổi nội dung lời khai trước đó, Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên hoặc tự mình tiến hành đối chất và lập biên bản đối chất theo quy định tại Điều 178 và Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự.

          Biên bản đối chất và đĩa CD lưu hình ảnh, file âm thanh phải được lưu vào hồ sơ vụ án và  hồ sơ kiểm sát theo quy định.

          5. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động đối chất.

          Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc kiểm sát hoạt động đối chất, Kiểm sát viên cần thực hiện một số nội dung sau:

          Thứ nhất: Kiểm sát viên cần nêu cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, tích cực học hỏi kinh nghiệm của đồng chí, đồng nghiệp, chủ động nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ và tích lũy kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; nắm vững các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về trình tự, thủ tục khi tiến hành hoạt động đối chất cũng như các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ khác trong quá trình giải quyết vụ án.

          Thứ hai: Trước khi tiến hành đối chất, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, xác định những vấn đề, những nội dung cần đối chất để báo cáo Lãnh đạo Viện đề ra yêu cầu điều tra; đồng thời chủ động trao đổi, thống nhất với Điều tra viên về phương pháp, cách thức đối chất dựa trên tâm lý, đặc điểm nhân thân của những người tham gia đối chất, từ đó đưa ra chiến thuật phù hợp trong quá trình đối chất; chuẩn bị đầy đủ những tài liệu, chứng cứ để đấu tranh với những người tham gia đối chất cố tình không hợp tác với Cơ quan điều tra, trốn tránh khai báo hoặc khai báo gian dối.

          Thứ ba: Trường hợp khó khăn, phức tạp, Kiểm sát viên cần chủ động xin ý kiến Lãnh đạo viện, họp Tổ tư vấn kiểm sát viên của đơn vị hoặc phối hợp với Điều tra viên báo cáo, đề xuất họp liên ngành xin ý kiến chỉ đạo thống nhất; đồng thời trao đổi, xin ý kiến chỉ đạo của Phòng nghiệp vụ Viện tỉnh trong quá trình giải quyết vụ án nói chung cũng như hoạt động đối chất nói riêng.

          Trên đây là Chuyên đề “Nâng cao kỹ năng kiểm sát việc đối chất” của tôi. Rất mong các đồng chí tham gia đóng góp ý kiến để tôi tiếp tục hoàn thiện chuyên đề.
 
                                                         Hoàng Minh Tú.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top