Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 11133

   Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn


Thứ ba - 23/02/2021 07:52
 
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định tại Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS)  như: bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ, còn có nhận thức áp dụng pháp luật khác nhau, chưa thống nhất trong thực tiễn do đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng công tác kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của BLTTHS.

 
Trong các giai đoạn tố tụng việc áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn được thực hiện bởi các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Trên cơ sở đó quy định tại Điều 109, 125 BLTTHS. Tuy nhiên trên thực tế việc thực hiện các quy định về hủy bỏ biện pháp ngăn chặn theo Điều 125 BLTTHS lại gặp những khó khăn, vướng mắc dẫn đến có những quan điểm khác nhau trong quá trình thực hiện. 
 
Điều 125. Hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn
 
1. Mọi biện pháp ngăn chặn đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp:
 
a) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
 
b) Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án;
 
c) Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;
 
d) Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
 
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.
 
Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định; trong thời hạn 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, trừ biện pháp tạm giữ do Viện kiểm sát phê chuẩn, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp ngặn chặn này phải thông báo cho Viện kiểm sát để quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn khác.
 
Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn quy định tại Khoản 1, Điều 125 BLTTHS:
 
Theo như điều luật quy định thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đang được áp dụng đối với người bị buộc tội và không được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác khi có một trong các quy định sau:
 
Quyết định không khởi tố vụ án hình sự:
 
Khi áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tạm giữ quả tang, tự thú, đầu thú ..., các đối tượng bị áp dụng phải là người chưa bị khởi tố nhưng có nghi vấn buộc tội, trong quá trình chứng minh tội phạm cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định hủy biện pháp ngăn chặn này khi hành vi không có dấu hiệu tội phạm trước khi có quyết định không khởi tố vụ án.
 
Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can:
 
- Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án được hiểu là vụ án phải được chấm dứt các hoạt động tố tụng; biện pháp ngăn chặn (biện pháp tạm giam, biện pháp bảo lĩnh, biện pháp đặt tiền để bảo đảm, biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú và biện pháp tạm hoãn xuất cảnh) đang áp dụng đối với bị can, bị cáo thì cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn ngay.
 
- Quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can thì các biện pháp ngăn chặn đối với bị can được đình chỉ phải được hủy bỏ ngay. Còn các bị can khác trong vụ án vẫn tiến hành tố tụng và áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của BLTTHS năm 2015.
 
Tại khoản 2 Điều 20; khoản 2 Điều 33 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT đã quy định về Gia hạn thời hạn áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn điều tra và trường hợp Đình chỉ điều tra (so sánh với khoản 2, Điều 19 Thông tư liên tịch số 05 ngày 07/9/2005 của VKSTC-BCA-BQP đã được TTLT số 04/2018/TTLT thay thế). Như vậy, việc áp dụng hủy bỏ biện pháp ngăn chặn chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất, cụ thể:
 
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Khi xem xét toàn diện khách quan vụ án thấy thuộc trường hợp phải đình chỉ điều tra vụ án; đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can thì Cơ quan điều tra ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án; đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can sau đó ra văn bản đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ biện pháp ngăn chặn (tạm giam) theo quy định của BLTTHS năn 2015.
 
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Cơ quan điều tra phải ra văn bản đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ biện pháp ngăn chặn (tạm giam) sau đó mới ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án; đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can để bảo đảm quyền con người trong áp dụng biện pháp tạm giam.
 
Để bảo đảm BLTTHS được áp dụng thống nhất phù hợp với các chế định khác trong BLTTHS về áp dụng hủy bỏ biện pháp ngăn chặn (tạm giam), nhận thấy quan điểm thứ hai phù hợp với các quy định của BLTTHS, bảo đảm được quyền con người được Hiến pháp và các văn bản luật quy định.
 
Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ:
 
Thẩm quyền ra quyết hủy bỏ biện pháp ngăn chặn là thuộc về cơ quan Tòa án và đối tượng áp dụng là bị cáo nhưng phải được tuyên bằng bản án là không có tội, tuyên miễm trách nhiệm hình sự; miễn hình phạt; phạt tù nhưng cho hưởng án treo; phạt cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ thì các biện pháp ngăn chặn đang áp dụng phải được hủy bỏ ngay.
 
Thay thế biện pháp ngăn chặn quy định tại Khoản 2, Điều 125 BLTTHS:
 
Khi thấy không còn cần thiết: Quy định này tương đối rộng, nên có nhiều cách hiểu khác nhau và phụ thuộc vào ý chí của người có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ. Xuất phát từ việc không quy định rõ về trường hợp cần thiết nên dẫn đến có hai quan điểm khác nhau:
 
- Trường hợp không cần thiết thì ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và không áp dụng không áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
 
- Trường hợp không cần thiết thì ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, biện pháp ngăn chặn khác ít nghiêm khắc hơn, ít hạn chế quyền công dân hơn (biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú).
 
Theo quan điểm cá nhân: Đồng tình với trường hợp không cần thiết thì ra quyết định hủy biện pháp ngăn chặn (tạm giam) và áp dụng (thay đổi) biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Với lý do là Cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đã xác định và đánh giá được bị can, bị cáo không gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc không tiếp tục phạm tội, cũng như bảo đảm thi hành án.
 
Biện pháp ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam: Với quy định của Điều 121 biện pháp bảo lĩnh; Điều 122 biện pháp đặt tiền bảo đảm của BLTTHS và khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 21; Điều 22 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT thì biện pháp bảo lĩnh; biện pháp đặt tiền để bảo đảm chỉ được áp dụng để thay thế khi bị can, bị cáo đang bị áp dụng biện pháp tạm giam. Nói cách khác là bị can, bị cáo đang bị tạm giam nhưng có đủ điều kiện quy định tại Điều 121, 122 BLTTHS năm 2015 và Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT thì có thể được thay thế áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc biện pháp đặt tiền bảo đảm. Ngoài 02 biện pháp ngăn chặn này ra thì BLTTHS năm 2015 không quy định biện pháp ngăn chặn khác để thay thế biện pháp tạm giam.
 
Như vậy, Cấm đi khỏi nơi cư trú (Điều 123 BLTTHS) là biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với bị can, bị cáo chưa bị áp dụng biện pháp tạm giam, hoặc biện pháp tạm giam đã hết thời hạn, hay biện pháp tạm giam không còn hiệu lực bởi đã được cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ, hoặc chưa bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, hoặc đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng đã hết hạn.
 
Qua nghiên cứu các quy định  của BLTTHS về hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nêu trên, cần kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm những điểm chưa rõ ràng, còn có nhận thức chưa thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn để kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn các quy định của BLTTHS.
 
Vũ Văn Tuyên - P2, VKSND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 28 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top