Trong qua trình áp dụng việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, tôi thấy có những vướng mắc quy định chưa cụ thể như sau:
Điều 51 - Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án BLHS quy định:
1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Toà án ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều luật trên cho thấy việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án phải thỏa mãn điều kiện: Bản án được tổng hợp hình phạt phải là bản án đã phát sinh hiệu lực pháp luật.
Thực tế xảy ra không ít các trường hợp người bị kết án tử hình được chuyển thành tù chung thân khi người bị kết án làm đơn xin ân giảm được Chủ tich nước chấp nhận hoặc họ là phụ nữ có thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, hay là người được đặc xá, nhưng trong thời gian đang thi hành án họ lại bị phát hiện trước khi bị kết án áp dụng hình phạt tử hình họ còn có hành vi phạm tội khác hay trong khi thi hành án (hoặc chấp hành xong hình phạt tù do được giảm mức hình phạt đã tuyên hoặc được đặc xá) họ lại phạm tội, bị xét xử thì việc tổng hợp hình phạt phải viết dài dòng vì chưa có quy định cụ thể. Ví dụ:
Trần Thị Phấn, sinh năm 1965, trú tại tổ 36 phường Trần Phú thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, ngày 8/12/1996 bị bắt giam về tội Mua bán trái phép chất ma túy, năm 1999 Tòa án nhân dân tối cao y án sơ thẩm xử phạt bị cáo tử hình, do Trần Thị Phấn đang nuôi con dưới 36 tháng nên được chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, trong khi đang thi hành án ở trại giam, năm 2005 Phấn bị khởi tố về hành vi năm 1995 cùng các đồng phạm mua bán trái phép 4 Kg thuốc phiện. Vì Bộ luật hình sự chỉ quy định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, nhưng bản phúc thẩm đã tuyên áp dụng hình phạt tử hình đối với bị cáo đã được thay đổi do quyết định chuyển hình phạt của chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nhưng “Quyết định chuyển hình phạt” không phải là bản án nên phần quyết định áp dụng hình phạt của bản án sơ thẩm số 113/2006/HSST ngày 25/12/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang phải ghi: “ Xử phạt Trần Thị Phấn bốn năm tù, tổng hợp hình phạt tù chung thân của bản án hình sự phúc thẩm số 1546 ngày 24/8/1999 của Tòa án nhân dân tối cao xử phạt Trần Thị Phấn Tử hình, sau đó được Chánh án TAND tối cao ra Quyết định số 04 /QĐ ngày 20/9/2000, chuyển hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giam…”
Hay trường hợp Xiêng Phênh, Quốc tịch Lào, tháng 1/1995 có hành vi mua bán trái phép chất ma túy bị kết án tử hình. Thực hiện quyết định ân giảm của Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án phạt tù chung thân đối với Xiêng Phênh, năm 2000 phạm nhân này được đặc xá về nước, nhưng đến ngày 08/4/2012, ông ta đã bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh và Công an tỉnh Bôlykhămxay (Lào) bắt giữ cùng 39 bánh heroin.
Theo khoản 2 Điều 49 BLHS, lần phạm tội này Xiêng Phênh thuộc diện “tái phạm nguy hiểm”. Nhưng lấy văn bản nào để nêu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong các giai đoạn tố tụng? Dựa vào bản án quyết định hình phạt tử hình thì bản án này đã được thay đổi về loại hình phạt, dùng Quyết định ân giảm của Chủ tích nước thì không phải là bản án, theo chúng tôi hợp lý nhất trong trường hợp này là sử dụng Quyết định thi hành án của Chánh án đã xử sơ thẩm đối với Xiêng Phênh về hình phạt tù chung thân.
Từ thực tiễn nêu trên tôi thấy Điều 51 BLHS nên bổ sung thêm khoản 4 theo hướng như sau:
“Quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hay Quyết định thi hành án tù chung thân thực hiện theo Quyết định ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước được coi như một bản án” .
Nếu đề xuất này được chấp nhận thì phần tổng hợp hình phạt của nhiều bản án cũng như việc ghi tên văn bản tố tụng để tính tái phạm, tái phạm nguy hiểm quy định tại tại các điều 49 và 51BLHS sẽ hoàn thiện và có căn cứ để áp dụng.
Nguyễn Thành Minh
Nguyên Kiểm sát viên
VKSND tỉnh Tuyên Quang