Quá trình giải quyết các nguồn tin về tội phạm Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổ bổ sung năm 2017 ( BLHS), hiện nay có nhiều quan điểm chưa thống nhất về đường lối xử lý cụ thể:
Nội dung vụ việc: Tháng 10/2022, Nguyễn Văn A do không có giấy phép lái xe ô tô hạng FC, không đi làm được nên đến đầu tháng 5/2023 trong lúc sử dụng mạng xã hội Facebook thì A thấy có trang facebook mang tên “ Trung tâm đào tạo cấp giấy phép lái xe” nên đã nhắn tin hỏi để làm 01 (một) Giấy phép lái xe hạng FC giả để sử dụng. Khoảng 15 ngày sau, Nguyễn Văn A nhận được 01 giấy phép lái xe ô tô hạng FC giả mang tên Nguyễn Văn A đề số: 17523335671 do Sở Giao thông vận tải tỉnh H cấp ngày 15/5/2023 từ người giao hàng, đồng thời A thanh toán chi phí làm Giấy phép lái xe ô tô giả cho người giao hàng số tiền là 7.000.000đ (bảy triệu đồng). Sau khi có giấy phép lái xe ô tô Hạng FC giả, ngày 20/6/2023 Nguyễn Văn A điều khiển xe ô tô đầu kéo chở hàng từ tỉnh H về tỉnh Q để giao hàng khi đến Km 172+400 QL2 thì bị lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Q kiểm tra do xe chở hàng vượt quá quá trọng tải quy định, kiểm tra giấy phép lái xe thì A xuất trình giấy phép lái xe ô tô giả Hạng FC do A đã đặt làm trước đó cho lực lượng CSGT, lực lượng CSGT đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với A và thu giữ giấy phép lái xe ô tô giả nêu trên.
Ngày 25/6/2023 Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Q ban hành Kết luận giám định số 195/KL-KTHS, kết luận: Giấy phép lái xe số: 17523335671 do Sở Giao thông vân tải tỉnh H cấp ngày 15/5/2023 mang tên Nguyễn Văn A gửi giám định là giả;
Sau khi thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm có 02 quan điểm cho rằng:
Quan điểm 1 cho rằng: Hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan tổ chức của Nguyễn Văn A là để đối phó với lực lượng Cảnh sát giao thông khi kiểm tra hành chính, không nhằm mục đích thực hiện tội phạm nên hành vi này chỉ là vi phạm hành chính, không cấu thành tội phạm, theo quy định tại khoản 1 Điều 341 BLHS năm 2015. Do đó, cần ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật tố tụng Hình sự, nhưng phải được xử lý hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính Phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự…;
Quan điểm 2 cho rằng: Hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan tổ chức của Nguyễn Văn A điều khiển phương tiện ô tô khi không đủ điều kiện để lừa dối cơ quan, tổ chức là hành vi trái pháp luật. Do đó, hành vi của A đủ yếu tố cấu thành tội: Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức, quy định tại khoản 1 Điều 341 BLHS năm 2015.
Sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật và các tài liệu giải đáp áp dụng pháp luật có liên quan, tác giả không đồng tình với quan điểm một nêu trên, Bởi lẽ: theo quy định tại Điều 341 BLHS: Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu của cơ quan tổ chức.
“ Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền…., hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm”.
- Hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức được hiểu là việc dùng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả không phải do mình làm ra để thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Yếu tố “thực hiện hành vi trái pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 341 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 được hiểu chỉ gắn với hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả”, không gắn với hành vi “làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức”. Do đó, “hành vi trái pháp luật”, quy định tại khoản 1 Điều 341 BLHS được hiểu là hành vi trái pháp luật nói chung (kể cả pháp luật hình sự, pháp luật dân sự, pháp luật hành chính…).
- Theo quy định tại tại khoản 18 Điều 3 của Luật giao thông đường bộ năm 2008 và Điều 12 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các văn bản pháp luật có liên quan xác định: “Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe gắn máy điện) và các loại xe tương tự là nguồn nguy hiểm cao độ”.
Như vậy, theo quy định tại khoản 9 Điều 8 của Luật giao thông đường bộ: Các hành vi bị nghiêm cấm “Điều khiển xe cơ giới không có giấy pháp lái xe theo quy định”. Do đó, hành vi của Nguyễn Văn A khi không đủ điều kiện (không có giấy phép lái xe theo quy định) sử dụng giấy phép lái xe ô tô giả điều khiển xe cơ giới (là nguồn nguy hiểm cao độ) là thực hiện hành vi trái pháp luật đủ yếu tố cấu thành tội: Sử dụng con dấu hoặc tài liệu của cơ quan tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều 341 BLHS. Nếu Nguyễn Văn A sử dụng giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật hình sự, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp bị xử lý theo tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 341 BLHS (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm tội nghiêm trọng) hoặc điểm b khoản 3 Điều 341 BLHS (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm tội đặc biệt nghiêm trọng).
Trường hợp Nguyễn Văn A có đủ điều kiện điều khiển xe cơ giới theo quy định, nhưng làm mất giấy phép lái xe ô tô khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp lại, mà sử dụng giấy phép lái xe ô tô giả điều khiển phương tiện để lừa dối cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, hành vi của Nguyễn Văn A tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì tùy từng trường hợp có thể áp dụng khoản 2 Điều 8 BLHS năm 2015 để xử lý bằng biện pháp khác.
Trên đây là ý kiến của tác giả về đường lối xử lý về nguồn tin về tội phạm nêu trên, rất mong nhận được sự quan tâm tham gia ý kiến của các bạn đọc.
Cấn Văn Tuấn - VKSND huyện Hàm Yên