Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Kiểm Sát Viên viết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 6399

   Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam trong thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.


Thứ sáu - 25/03/2016 16:05
 
           Vấn đề bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong việc tạm giữ, tạm giam được Đảng, Nhà nước ta quan tâm đặc biệt, đây không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà còn là vấn đề Nhân quyền Quốc tế; Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 (sau đây gọi tắt là BLHS, BLTTHS, Luật thi hành TGTG) chuẩn bị có hiệu lực pháp luật, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ; chấp hành đúng các quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm pháp chế thống nhất; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của luật pháp trong đời sống xã hội.

          Trong khuôn khổ bài viết, tác giả muốn trao đổi về một số vấn đề có tính khái quát trong hoạt động giam giữ trên cơ sở thực hiện các quy định của BLHS, BLTTHS, Luật thi hành TGTG có hiệu lực từ ngày 01/7/2016; Luật Tổ chức VKSND năm 2014 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, hạn chế thấp nhất những vi phạm, thiếu sót xảy ra:

         1- Vấn đề áp dụng các quy định của pháp luật đối với người bị tạm giữ (Điều 59, 117, 118 BLTTHS), người bị tạm giam (Điều 60, 61, 119 BLTTHS)

          - Đối với người bị tạm giữ trong trường hợp bắt quả tang (Điều 111), bắt khẩn cấp (Điều 110), bắt truy nã (Điều 112) thì thời hạn tạm giữ là 03 ngày, trường hợp phải gia hạn thêm nhưng không quá 02 lần (Khoản 2 Điều 118); tổng cộng thời hạn tạm giữ không quá 09 ngày. Cơ quan điều tra có trách nhiệm giải thích quyền và nghĩa vụ và giao ngay quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ cho người bị tạm giữ (thể hiện bằng biên bản giao nhận theo Điều 137, 138 BLTTHS). Trước khi hết thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ 01 ngày Cơ quan điều tra có trách nhiệm xem xét giải quyết việc tiếp tục, hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giữ. Trường hợp xét thấy cần tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn (tạm giam) thì cơ quan điều tra ra lệnh tạm giam bị can và đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn.

          - Sau khi ra lệnh tạm giam bị can (Điều 119 BLTTHS), lệnh bắt bị can để tạm giam (Điều 113 BLTTHS) được Viện kiểm sát phê chuẩn thì thời hạn tạm giam, gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra thực hiện theo Điều 173 BLTTHS; thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố tương ứng với thời hạn quy định tại Điều 240 BLTTHS. Trên cơ sở đó, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can, đồng thời giao ngay lệnh tạm giam, lệnh bắt tạm giam, các quyết định phê chuẩn, quyết định ra hạn tạm giam cho người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố; hoặc Tòa án phải giao ngay Lệnh tạm giam bị can, bị cáo trong giai đoạn xét xử cho người bị tạm giam, thể hiện bằng biên bản giao nhận (Điều 137, 138 BLTTHS). Trước khi hết thời hạn tạm giam, gia hạn thời hạn tạm giam là 05 ngày, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm xem xét giải quyết việc tiếp tục, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo (Điều 125 BLTTHS); đồng thời  phải giao ngay lệnh, quyết định tố tụng đó cho Cơ quan giam giữ và người bị tạm giam, trước khi hết thời hạn tạm giam (ngày cuối cùng) ghi trong lệnh tạm giam (Vận dụng Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-CA-VKS-BQP ngày 07/9/2005 của Bộ Công an, Viện kiểm sát tối cao, Bộ Quốc phòng về quan hệ  giữa Cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2003; Nghị quyết số 04/2004 /NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao Hướng dẫn một số quy định trong Phần thứ ba “Xét sử sơ thẩm” của BLTTHS năm 2003).

          - Đối với Nhà tạm giữ, Trại tạm giam (sau đây gọi tắt là Cơ quan giam giữ) khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ tạm giữ, tạm giam và thực hiện đúng chế độ giam giữ (Điều 16, 17, 18, 19 Luật thi hành TGTG). Trước khi hết thời hạn ghi trong quyết định tạm giữ, quyết định ra hạn tạm giữ 01 ngày, lệnh tạm giam 05 ngày, quyết định gia hạn thời hạn tạm giam 10 ngày, Cơ quan giam giữ phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã ra quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam biết thời hạn tạm giữ, tạm giam sắp hết (Điều 13 Luật thi hành TGTG); Có trách nhiệm trả tự do ngay cho người bị giam giữ khi có lệnh, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tố tụng có thẩm quyền.

          - Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát (Điều 20 BLTTHS, Điều 42 Luật thi hành TGTG) phải kiểm sát chặt chẽ các chứng cứ, tài liệu do cơ quan điều tra thu thập bảo đảm việc tạm giữ, gia hạn thời hạn tạm giữ, lệnh tạm giam, quyết định ra hạn thời hạn tạm giam, các quyết định phê chuẩn có căn cứ; bảo đảm việc phân loại giam giữ đúng đối tượng (Điều 16, 17, 18, 19 Luật thi hành TGTG). Trường hợp không đủ căn cứ thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra hủy bỏ biện pháp tạm giữ hoặc tự mình trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam (khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức VKSND năm 2014; điểm d khoản 2 Điều 42 Luật thi hành TGTG).

         Kể từ ngày 01/7/2016, BLHS năm 2015 có hiệu lực pháp luật thì những vi phạm trong tạm giữ, tạm giam như: Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do; bắt, giữ, giam người không có căn cứ, trái pháp luật; không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do; thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của pháp luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành; không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi đã hết thời hạn giam giữ dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam giữ quá hạn… phải được xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 377 BLHS. Đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền tha trái pháp luật người đang bị tạm giữ, tạm giam phải được xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 378 BLHS.

          2- Một số giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam trong thời gian tới

         Thứ nhất: Cần nhận thức đúng đắn giá trị nhân văn của luật pháp, tôn trọng và đề cao quyền con người, nguyên tắc suy đoán vô tội được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về tố tụng hình sự; Quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc các Bộ luật, Luật liên quan đến công tác tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016; Nghị quyết số 109/2015/QH13, Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc Hội về thi hành Bộ Luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành TGTG năm 2015, nhanh chóng đưa các quy định của pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.

         Thứ hai: Khẩn trương rà soát các vụ án hình sự có bị can, bị cáo đang bị tạm giam theo quy định của BLTTHS năm 2003 để xem xét và đối chiếu về căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn cũng như thời hạn giam giữ đối với từng loại tội phạm và từng đối tượng phạm tội cụ thể (nhất là đối với người chưa thành niên) nhằm giải quyết kịp thời đúng quy định của pháp luật trước khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực pháp luật. Triệt để vận dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo trong quá trình giải quyết việc tạm giữ, tạm giam.

        Thứ ba: Đối với người tiến hành tố tụng, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, khách quan, vô tư, tôn trọng pháp luật và đạo đức nghề nghiệp; nghiên cứu, nắm vững các quy định của luật pháp; hướng dẫn, giải thích pháp luật và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp mà họ được hưởng hoặc không bị pháp luật hạn chế theo quy định của BLTTHS và Luật thi hành TGTG.
 Chú trọng về thời hạn giam giữ để ban hành văn bản tố tụng giải quyết việc tạm giữ, tạm giam theo đúng quy định. Thực hiện việc giao lệnh, quyết định tố tụng về giam giữ cho người bị tạm giữ, bị tạm giam và cơ quan giam giữ bảo đảm kịp thời, đúng thời hạn luật định.

         Thứ tư: Viện kiểm sát thường xuyên kiểm tra, đối chiếu, nắm chắc về thời hạn giam giữ, từ đó kịp thời yêu cầu Cơ quan giam giữ ban hành văn bản thông báo về thời hạn giam giữ cho cơ quan, người tiến hành tố tụng biết để giải quyết việc giam giữ đúng thời hạn. Kiên quyết yêu cầu đưa người bị tạm giữ, tạm giam ra khỏi nơi giam giữ ngay sau khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam ghi trong lệnh, quyết định giam giữ nếu họ không bị giam giữ về một tội phạm khác.

          Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phối hợp chặt chẽ với khâu công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự để nắm chắc số người bị bắt, tạm giữ, tạm giam ở tất cả các giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm), qua đó kịp thời kiểm sát về thủ tục, trình tự, tính có căn cứ và hợp pháp của từng trường hợp bị tạm giữ, tạm giam nhằm phát hiện và xử lý vi phạm; không để xảy ra việc giam giữ người không có căn cứ, trái pháp luật.

          Thứ năm: Kịp thời nắm và giải quyết tin báo tố giác tội phạm trong hoạt động giam giữ; tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định. Đối với các trường hợp gửi lệnh, quyết định tố tụng về tạm giữ, tạm giam chậm, không kịp thời dẫn đến việc quá thời hạn giam giữ nhưng người bị tạm giữ, tạm giam, Cơ quan giam giữ không nhận được lệnh, quyết định về giam giữ có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền hoặc những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác thì Viện kiểm sát cần xác định rõ nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu xử lý vi phạm hoặc khởi tố về hình sự khi có dấu hiệu tội phạm.
 
                                                                                   Lưu Tiến Độ
 
Tổng số điểm của bài viết là: 27 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top