Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Kiểm Sát Viên viết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 2176

   Tăng cường vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát thực hiện quyền bầu cử đối với người bị tạm giữ, tạm giam và chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.


Thứ năm - 19/05/2016 05:05
 
          Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân (Điều 2 Hiến pháp năm 2013), bầu cử là một thể chế dân chủ của Nhà nước xã hội chủ nghĩa; nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực của Nhà nước, đại diện cho nhân dân thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bầu cử vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân; thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu tín nhiệm bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước (Điều 7, Điều 27 Hiến pháp năm 2013).

          Quyền bầu cử là một quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, trừ một số trường hợp theo luật định.

          Bầu cử đại biểu Quốc Hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm lỳ 2016-2021 là một sự kiện chính trị lớn của đất nước ta; ngày 22/5/2016 là ngày hội toàn dân, tất cả cử tri trong cả nước thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của công dân theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2015 (sau đây gọi tắt là Luật Bầu cử), Thông tư số 02/2016/TT-BNV ngày 01/6/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

          Trong giới hạn bài viết, tác giả chỉ đề cập đến vấn đề thực hiện quyền bầu cử có liên quan đến công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân đối với người đang bị hạn chế quyền tự do đi lại, bị quản lý, giam giữ đó là:

          - Người đang bị tạm giữ, tạm giam (sau đây gọi tắt là người bị giam giữ);

          - Người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi tắt là người đang chấp hành biện pháp bắt buộc).

          Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân năm 2003 thì: Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri (Điều 25 Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân năm 2003).

          Trong những năm gần đây, công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, các quy phạm pháp luật được pháp điển hóa một cách có hệ thống cả về nội dung lẫn hình thức, đề cao quyền con người, quyền công dân. Đây là quy định mới, tiến bộ của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 là một bước tiến quan trọng và vững chắc trong việc hiện thực hóa quyền dân chủ, quyền công dân, phù hợp với pháp luật quốc tế trong đó quy định: Cử tri là người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành biện pháp giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (1 cấp) nơi người đó đang bị giam giữ hoặc đang chấp hành biện pháp tư pháp (khoản 1 Điều 31 Luật Bầu cử). Tuy nhiên hiện chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về cách thức để những công dân, cử tri này thực hiện quyền bầu cử của mình như thế nào:

          Thứ nhất: Việc tìm hiểu thông tin ứng cử đối với các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Theo điểm c khoản 1 Điều 7 và điểm c khoản 1 Điều 11 Quy chế tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ quy định thì Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam có nhiệm vụ, quyền hạn: Tổ chức, tạo điều kiện cho người đang bị tạm giữ, tạm giam thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; tuy nhiên việc thực hiện quy định này còn phụ thuộc nhiều vào nhận thức pháp luật cũng như ý chí chủ quan của người có thẩm quyền tại cơ sở giam giữ, cũng như hiệu quả của sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và ủy ban bầu cử địa phương trong việc việc niêm yết danh sách, trích ngang lý lịch, thông tin của người ứng cử tại cơ sở giam giữ, tại buồng tạm giữ, tạm giam; do đó người bị giam giữ chưa tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ với danh sách cử tri cũng như thông tin về danh sách đại biểu ứng cử theo quy định.

          Thứ hai: Về lập danh sách cử tri (Điều 31 Luật Bầu cử):

          - Danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập theo khu vực bỏ phiếu; đối với những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thì Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu.

          - Cử tri là người đang bị giam giữ, người đang chấp hành biện pháp bắt buộc  được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (1 cấp) nơi người đó đang bị giam giữ, đang chấp hành biện pháp bắt buộc (khoản 1 Điều 31 Luật Bầu cử);

          Với tình trạng đang bị giam giữ, bị cách ly với đời sống xã hội, bị hạn chế quyền đi lại, tiếp xúc với xã hội bên ngoài thì những người này không có điều kiện thực tế để thực hiện việc cung cấp thông tin về nhân thân cho chính quyền địa phương để lập danh sách cử tri; mặt khác chính quyền địa phương cũng không có thông tin và điều kiện tiếp xúc trực tiếp với người đang bị giam giữ, đang chấp hành biện pháp tư pháp để thu thập thông tin về nhân thân đối với họ; việc tìm hiểu thông tin đều phải thông qua các cơ sở giam giữ, cơ sở quản lý người đang chấp hành biện pháp bắt buộc, vì vậy để có được danh sách chính xác phải thông qua việc phối hợp giữa các cơ sở giam giữ, cơ sở quản lý người đang chấp hành biện pháp bắt buộc với chính quyền địa phương nhằm bảo đảm việc lập danh sách cử tri theo quy định.

          Thứ ba: Về niêm yết danh sách cử tri:

          Điều 32 Luật Bầu cử quy định: Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra.

          Tuy nhiên người bị giam giữ, người đang chấp hành biện pháp bắt buộc không thể thực hiện được việc đến những nơi niêm yết danh sách cử tri, do đó họ có thể không kiểm tra được danh sách cử tri đã có tên mình hay chưa ? vì thế quyền khiếu nại hoặc quyền khởi kiện về danh sách cử tri của những người này khó thực hiện được.

          Thứ tư: Khiếu nại về danh sách cử tri (Điều 33 Luật Bầu cử):

          Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh, sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.

          Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

          Hiện nay, pháp luật chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để người bị giam giữ, đang chấp hành biện pháp bắt buộc thực hiện được quyền khởi kiện về danh sách cử tri trước Tòa án theo thủ tục hành chính như thế nào, bởi vì: Điều 49 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự:

          Cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Được biết, đọc, ghi chép, sao chụp và xem các tài liệu, chứng cứ do đương sự khác cung cấp hoặc do Toà án thu thập. Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Toà án. Đề nghị Toà án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản, thẩm định giá tài sản. Yêu cầu Toà án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tham gia phiên toà. Đề nghị Toà án tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Ủy quyền bằng văn bản cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng. Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Đề nghị Toà án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng. Đối thoại trong quá trình Toà án giải quyết vụ án. Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Tranh luận tại phiên toà. Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Toà án. Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Toà án. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu, chứng cứ có liên quan theo yêu cầu của Toà án. Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án và chấp hành các quyết định của Toà án trong thời gian giải quyết vụ án. Tôn trọng Toà án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên toà. Nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

          Theo quy định tại Chương XI về thủ tục giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì thời hạn xem xét thụ lý và đưa vụ án kiện về danh sách cử tri ra xét xử trong vòng 4 ngày (Điều 69 Luật Bầu cử), do đó việc người có đơn khởi kiện đang bị giam giữ hoặc đang chấp hành biện pháp bắt buộc không thể có đủ thời gian tự mình làm việc với Tòa án để giải quyết vụ án hành chính theo quy định đã nêu ở trên.

          Qua thực tiễn công tác kiểm sát, để bảo đảm thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021 của người bị giam giữ, người đang chấp hành biện pháp bắt buộc, chúng tôi thấy cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

          Một là: Viện kiểm sát phối hợp chặt chẽ với Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, cơ sở quản lý người chấp hành biện pháp bắt buộc rà soát, quản lý chặt chẽ số người đang bị giam giữ, số người đang giáo dục và cai nghiện bắt buộc cũng như thời hạn thực hiện các biện pháp đó để phân loại cùng với chính quyền địa phương nơi đóng quân lập danh sách cử tri theo quy định; theo dõi các trường hợp thay đổi, bổ sung danh sách cử tri; Tăng cường công tác tuyên truyền Luật Bầu cử, giải quyết ngay những  vấn đề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cử tri là người đang bị giam giữ, người đang bị giáo dục và cai nghiện bắt buộc.

          Hai là: Phối hợp với chính quyền địa phương để niêm yết danh sách đại biểu ứng cử, danh sách cử tri tại nơi quản lý, nơi giam giữ; đồng thời thường xuyên tuyên truyền, đọc nội dung danh sách bầu cử, danh sách cử tri trên phương tiện loa phóng thanh tại đơn vị. Cơ sở giam giữ, cơ sở quản lý người chấp hành biện pháp bắt buộc cần  chủ động giới thiệu cán bộ đơn vị mình đang cư trú ở khu vực bầu cử gần đó (nơi đóng quân) tham gia thành viên Tổ bầu cử ở địa phương nhằm bảo đảm thuận lợi cho các cử tri “đặc biệt” này thực hiện việc bỏ phiếu.

          Do điều kiện bị hạn chế quyền tự do đi lại, người bị giam giữ, người chấp hành biện pháp bắt buộc không thể trực tiếp đến điểm bầu cử để bỏ phiếu bầu theo quy định, do đó Tổ bầu cử phải trực tiếp đem theo phiếu bầu và hòm phiếu phụ đến tận buồng giam giữ, nơi quản lý để những cử tri này trực tiếp viết phiếu bầu cử và bỏ phiếu bầu vào hòm phiếu.

          Ba là: Quán triệt, nắm vững quy định của Luật Bầu cử khi có sự thay đổi danh sách cử tri, thuộc một số trường hợp sau:

          - Người đã có tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú, tạm trú nhưng đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, mà bị bắt tạm giữ, tạm giam hoặc phải chấp hành biện pháp bắt buộc thì bị xóa tên trong danh sách cử tri đã lập ở nơi cư trú, tạm trú và được bổ sung tên vào danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, nhà tạm giữ, nơi chấp hành biện pháp bắt buộc để thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo khoản 2 Điều 30 Luật bầu cử:  Trong trường hợp này cử tri có tên trong danh sách cử tri đã lập ở cơ sở có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và Hồi đồng nhân dân 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) nhưng khi thay đổi, được bổ sung vào danh sách cử tri nơi có trại tạm giam, nhà tạm giữ, nơi chấp hành biện pháp bắt buộc thì chỉ được bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (1 cấp).

          - Cử tri là người đang bị giam giữ, đang phải chấp hành biện pháp bắt buộc  và đã có tên trong danh sách cử tri nơi có trại tạm giam, nhà tạm giữ, nơi chấp hành biện pháp bắt buộc nhưng đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, mà được trả tự do hoặc được thay đổi biện pháp ngăn chặn khác hoặc thời hạn giam giữ đã hết hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và được bổ sung vào danh sách cử tri nơi đến để thực hiện quyền bầu cử theo khoản 4 Điều 30 Luật bầu cử:

          Trường hợp họ trở về nơi đăng ký tạm trú thì được bổ sung vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân 2 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện);

          Trường hợp họ trở về nơi đăng ký thường trú thì được bổ sung vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã);

          Bốn là: Khi phát hiện danh sách cử tri có sai sót (không có tên trong danh sách cử tri, thông tin nhân thân có sai sót họ tên, tuổi …) thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày niêm yết, người đang bị giam giữ, đang phải chấp hành biện pháp bắt buộc có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết. Thủ tục khiếu nại được thông qua các cơ sở giam giữ, cơ sở quản lý bắt buộc.

          - Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cơ quan lập danh sách cử tri. Thẩm quyền thụ lý vụ án quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 ngày 24/11/2010 (sau đây gọi tắt là Luật TTHC).

          - Thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày, quá thời hạn trên cử tri không còn quyền khởi kiện, theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 104 Luật TTHC.

          Năm là: Thời hạn xem xét  thụ lý và giải quyết vụ án hành chính được thực hiện như sau: Ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán thụ lý ngay vụ án (Điều 168 Luật TTHC). Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc đình chỉ vụ án và trả lại đơn kiện; trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên toà xét xử (Điều 169 Luật TTHC). Viện kiểm sát tham gia phiên tòa (Điều 170 Luật TTHC). Bản án, quyết định đình chỉ vụ án giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri có hiệu lực thi hành ngay, đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị. Tòa án phải gửi ngay bản án, quyết định đình chỉ vụ án cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp (Điều 172 Luật TTHC).

          Để góp phần vào thành công của cuộc bầu cử, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện tốt chức năng kiểm sát trong công tác góp phần thực hiện tốt Luật Bầu cử, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành Kiểm sát và của địa phương, tôi xin nêu lên một số vấn đề cơ bản có liên quan đến công tác nghiệp vụ kiểm sát về tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự để cùng nghiên cứu, tham khảo; rất mong được bạn đọc quan tâm trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến xây dựng.   

 
        Lưu Tiến Độ
 
Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 10 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top