Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Kiểm Sát Viên viết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 5607

   Một số giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thống kê nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát Tuyên Quang.


Thứ ba - 08/11/2016 11:33

          Thống kê nghiệp vụ (TKNV) là một trong những công tác của Viện kiểm sát nhân dân được quy định tại Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Thông qua công tác này giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá chính xác, khách quan tình hình vi phạm pháp luật, kết quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan hữu quan trong công tác phòng, chống tội phạm và chấp hành pháp luật; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để phục vụ hoạt động phòng, chống tội phạm và các hoạt động quản lý, điều hành có liên quan. Số liệu thống kê (SLTK) đã giúp cho Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp nắm tình hình, diễn biến tội phạm và vi phạm, kết quả công tác thực hiện chức năng của ngành để từ đó có những đường hướng, sách lược chỉ đạo, điều hành sát đúng, tích cực, hiệu quả. Có thể nói công tác thống kê trong ngành Kiểm sát nhân dân đã góp một phần đáng kể trong cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa vi phạm, tội phạm của ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng và của các cơ quan tư pháp nói chung.

          Trong những năm qua, công tác TKNV của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung cũng như của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Tuyên Quang nói riêng đã có những bước chuyển biến tích cực. Những kết quả nổi bật trong thực hiện công tác TKNV ở VKSND tỉnh Tuyên Quang được thể hiện ở các nội dung sau:

          Thứ nhất: SLTK trong lĩnh vực tư pháp của VKSND tỉnh ngày càng phát huy tác dụng và đã trở thành một trong những căn cứ quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền lập kế hoạch, chương trình, đánh giá, phân tích thực trạng và đề ra giải pháp phòng, chống vi phạm, tội phạm ở địa phương và là cơ sở để từng ngành có biện pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

          Thứ hai: SLTK của các khâu công tác được sử dụng chính thức để xây dựng các loại báo cáo của ngành như báo cáo sơ kết, tổng kết công tác hằng năm; phục vụ xây dựng báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao trước các kỳ họp Quốc hội; báo cáo cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng; các báo cáo trước cấp ủy và báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát trước các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cùng cấp… Đồng thời cung cấp SLTK hình sự liên ngành cho các cơ quan Công an - Tòa án để xây dựng các báo cáo theo chuyên đề, đột xuất của từng ngành.

          Thứ ba, Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác xử lý, tổng hợp và truyền đưa thông tin được tăng cường, Phòng Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSND tỉnh, các Phòng nghiệp vụ và các VKSND huyện, thành phố đều đã sử dụng các phần mềm TKNV, phần mềm thống kê (TK) hình sự liên ngành… thuận lợi trong việc khai thác, cung cấp dữ liệu TK trong các thời điểm khác nhau khi có yêu cầu; sử dụng đường truyền ftp3 để truyền file dữ liệu thống kê từ các Phòng nghiệp vụ, các VKSND huyện, thành phố về máy chủ VKSND tỉnh và đường truyền ftp4 truyền file dữ liệu tổng hợp của VKSND tỉnh về máy chủ VKSND tối cao. Trên cơ sở các file truyền về, đơn vị tiếp nhận sử dụng phần mềm để tích hợp số liệu thành các biểu TK với đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định của ngành, đảm bảo dữ liệu được truyền gửi giữa các cấp kiểm sát được nhanh chóng, thuận tiện và chính xác.

          Năm 2014, VKSND tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng được Trang tin điện tử của đơn vị, trong đó mở riêng một chuyên mục về công tác TK để các đơn vị thuận tiện trong việc tải, cài đặt các phần mềm TK; đăng tải các biểu mẫu, hướng dẫn nghiệp vụ về công tácTK và các văn bản yêu cầu tổng hợp số liệu TK theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

          Hiện nay 100% cán bộ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát Tuyên Quang được trang cấp, sử dụng máy vi tính trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo mỗi cán bộ nghiệp vụ làm công tác TK đều có máy vi tính nối mạng internet, mạng nội bộ, mạng LAN để thực hiện nhiệm vụ.

          Thứ tư, ngày 02/4/2013, Viện trưởng VKSND tỉnh Tuyên Quang có Quyết định số 415/QĐ-VKS-TKTP về việc ban hành Quy chế làm việc của Phòng Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSND tỉnh, trong đó quy định rõ chức năng nhiệm vụ của đơn vị chuyên trách trong quản lý và tổ chức thực hiện công tác TK trong ngành Kiểm sát Tuyên Quang, của các đơn vị khác thuộc VKSND tỉnh; quy định cụ thể về nguyên tắc, trách nhiệm, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác, cơ chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ TK của các đơn vị. Việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế nêu trên đã tạo ra sự đồng bộ, nghiêm chỉnh, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ công tác TKNV theo quy định của ngành.

          Thứ năm, Sản phẩm thông tin TK ngày càng được hoàn thiện, hoạt động phổ biến thông tin TK được đẩy mạnh.

          Sản phẩm TK quan trọng nhất của VKSND tỉnh Tuyên Quang là báo cáo TK công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp hằng tháng, 6 tháng, 12 tháng và TK vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, TKHS, TKTP liên ngành hằng tháng… Hình thức, nội dung, chất lượng của các sản phẩm TK ngày càng được quan tâm, số lượng phát hành và đối tượng sử dụng ngày càng được mở rộng. Hệ thống sản phẩm TK đảm bảo tính thống nhất giữa VKSND tối cao, VKSND tỉnh và VKS cấp huyện có kèm hướng dẫn chi tiết việc giải thích các khái niệm, phạm vi, thời điểm, thời kỳ thu thập, phân tổ, kỳ công bố số liệu giúp cho người dùng tin hiểu rõ bản chất và nội hàm của các chỉ tiêu TK.

          Do chất lượng, hình thức của sản phẩm TK ngày càng được nâng cao, nên sản phẩm TKNV của VKSND tỉnh Tuyên Quang được sử dụng thống nhất trong xây dựng các báo cáo, trong công tác chỉ đạo điều hành và là một trong những căn cứ để đánh giá kết quả thi đua trong ngành. Số liệu TK hình sự, TK tội phạm được liên ngành thống nhất sử dụng để đánh giá tình hình vi phạm, tội phạm ở địa phương…

          Hiện nay trong ngành KSND cũng như VKS hai cấp của tỉnh Tuyên Quang đã hình thành và đang sử dụng thống nhất hệ thống phần mềm với 27 biểu TK công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, TK vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp và 06 phụ lục kèm theo. Cùng với đó là việc thực hiện nhập dữ liệu trên các phần mềm Quản lý và TK án hình sự; phần mềm Quản lý và TK án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp. Nhìn chung, hệ thống TKNV trong ngành được xây dựng đa dạng, tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ các chỉ tiêu TK xuyên suốt trong các giai đoạn tiến hành tố tụng, các khâu công tác nghiệp vụ của ngành, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổng hợp, xây dựng, khai thác số liệu, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin của ngành.

          Thứ sáu, Cơ sở pháp lý cho hoạt động TK được tạo dựng đồng bộ hơn. Công tác thu thập, cung cấp thông tin ngày càng đi vào nề nếp, các đơn vị thuộc VKSND tỉnh đã nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo TK, ý thức trong thực hiện công tác này ngày càng được nâng lên.

          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay chất lượng công tác TKNV vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Số lượng, chất lượng thông tin TK tuy đã được nâng lên, nhưng nhìn chung còn chưa đáp ứng so với yêu cầu cải cách tư pháp. Nguyên nhân là do hiệu quả hoạt động TK ở mức độ trung bình; trong hoạt động TK còn có sự bất cập giữa cách tính, mốc thời gian thu thập một số chỉ tiêu TK; nguồn lực đầu tư cho các hoạt động TK còn chưa tương xứng... Những mặt hạn chế đó là:

          Một là, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn kinh phí và các điều kiện đáp ứng cho yêu cầu về công tác TKNV còn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ nên khó khăn trong quá trình thực hiện hoạt động TK.

          Hai là, các Phòng nghiệp vụ thuộc VKSND tỉnh, các VKSND huyện, thành phố có vị trí rất quan trọng trong công tác TKNV của ngành, đây là những đơn vị trực tiếp tiến hành thu thập, đối chiếu, xây dựng số liệu các chỉ tiêu TK. Tuy nhiên, hiện nay công tác TKNV ở những đơn vị này có việc còn chưa đáp ứng được so với yêu cầu đề ra, nguyên nhân chủ yếu do hầu hết các đơn vị nêu trên chưa có cán bộ TK chuyên trách (trừ Phòng TK tội phạm và Công nghệ thông tin), trong khi đó biên chế cán bộ làm công tác chuyên môn ít, cán bộ làm công tác TKNV phải kiêm nhiệm nhiều công việc và chỉ có trình độ chuyên môn là Cử nhân luật, không có trình độ chuyên sâu về công tác TK nên nhiều khi còn bị chi phối thời gian và lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nhận thức của một số lãnh đạo đơn vị về tầm quan trọng của công tác TKNV còn chưa thực sự đầy đủ, dẫn tới thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện tốt công tác này.

          Ba là, hệ thống chỉ tiêu TK còn chưa đồng bộ, thống nhất. Có những lĩnh vực cùng một chỉ tiêu TK nhưng mỗi ngành lại có quy định cách tính và mốc thời gian lấy số liệu khác nhau nên gây khó khăn, vướng mắc trong việc thu thập, đối chiếu và thống nhất số liệu. Ví dụ: Chỉ tiêu án trả hồ sơ để điều tra bổ sung Tòa án tính vào số giải quyết và trừ khỏi tổng số nhưng VKS không tính vào giải quyết mà trừ số cũ của Tòa án trong phần kiểm sát xét xử và nâng số cũ của VKS trong phần VKS phải giải quyết; chỉ tiêu án tạm đình chỉ VKS tính như số giải quyết và trừ khỏi tổng số nhưng Tòa án vẫn tính số tạm đình chỉ tồn tại Tòa án… Theo quy định của các ngành thì thời điểm lấy số liệu TK phục vụ xây dựng các báo cáo của từng ngành cũng có sự khác nhau: Số liệu TK tháng VKS và Tòa án lấy từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng báo cáo, cơ quan Công an lấy từ ngày 16 tháng trước đến hết ngày 15 của tháng lập báo cáo, Cơ quan thi hành án dân sự tính từ ngày đầu của năm báo cáo (01/10 năm trước) lũy kế đến ngày cuối cùng của tháng báo cáo cho đến hết tháng 9 năm sau; số liệu tổng kết của VKS tính từ ngày 01/12 năm trước đến hết 30/11 của năm báo cáo còn ngành Tòa án, Thi hành án dân sự tính từ ngày 01/10 năm trước đến hết 30/9 của năm báo cáo…

          Bốn là, một số văn bản hướng dẫn thực hiện của liên ngành Trung ương còn chưa thống nhất về thời điểm thực hiện việc thu thập, tổng hợp số liệu nên còn gặp khó khăn trong việc đối chiếu, tổng hợp, xây dựng báo cáo TK như: Thông tư liên tịch số 01/2005 quy định về TK hằng tháng lấy số liệu từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng TK; trong khi đó Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN-VKSTC ngày 02/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VKSND tối cao hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố quy định mốc lấy SLTK về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố hằng tháng được tính từ ngày 16 tháng trước đến hết ngày 15 của tháng lập báo cáo TK.

          Năm là, công nghệ thông tin đã được triển khai ứng dụng trong CTTK nhưng chưa sâu, chưa đáp ứng được so với yêu cầu công việc, hệ thống máy vi tính đang sử dụng nhiều máy có cấu hình thấp, hết khấu hao nên trong quá trình sử dụng các phần mềm TK thường hay báo lỗi, việc sử dụng một số phần mềm còn phải mất nhiều thao tác, tính năng kiểm tra, khai thác dữ liệu đã được cập nhật trên một số phần mềm còn chưa cao.

          Từ những vấn đề nêu trên, để tiếp tục thực hiện tốt công tác TKNV, theo cá nhân tôi, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

          - Tiếp tục chú trọng việc đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ TK, kiến thức lý luận, thực tiễn, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và các kiến thức liên quan cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác TKNV, dần hình thành đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ cao và kinh nghiệm chuyên sâu về TK, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác này.

          - Bảo đảm đủ số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của bộ máy làm công tác TKNV, trong đó chú trọng bảo đảm ổn định đội ngũ những người làm công tác TKNV của các đơn vị thuộc VKSND tỉnh.

          - Tăng cường công tác nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn để đáp ứng yêu cầu về công tác TKNV, nhất là TK công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và TK vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp.

          - Tích cực tham gia hoàn thiện môi trường pháp lý cho công tác TKNV, đây là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của thông tin TK. Nghiêm túc tổ chức thực hiện việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm tình hình thực hiện công tác TKNV theo yêu cầu của ngành, qua đó đề ra những kiến nghị, đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

          - Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác TKNV, đây là công cụ quan trọng phục vụ công tác TKNV. Quan tâm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu, kết nối, chia sẻ và phổ biến thông tin TK; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong tất cả các khâu thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, dự báo, lưu giữ, chia sẻ và công bố thông tin TK. Tăng cường sử dụng Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh để công bố, chia sẻ thông tin, phổ biến, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ công tác TK.

          - Phòng TK tội phạm và Công nghệ thông tin VKSND tỉnh, đơn vị chuyên trách về công tác TKNV, nâng cao vai trò, trách nhiệm là đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm tham mưu cho Lãnh đạo Viện tổ chức thực hiện toàn bộ công tác TKNV trong phạm vi ngành Kiểm sát Tuyên Quang; đề xuất, tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác TKNV; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về công tác TKNV, các phần mềm TK, truyền số liệu cho đội ngũ cán bộ làm công tác TKNV trong ngành; tiến hành kiểm tra và rút kinh nghiệm trong thực hiện công tác TKNV. Các VKSND huyện thành phố, Phòng nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyên trách về công tác TKNV VKSND tỉnh để tổ chức thực hiện có hiệu quả, chất lượng công tác này trong cơ quan, đơn vị mình.

          - Cán bộ được phân công nhiệm vụ làm công tác TKNV phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc được giao; nghiên cứu kỹ và nắm vững các quy định cũng như hướng dẫn về công tác TKNV; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, theo dõi kết quả thụ lý, giải quyết các vụ việc trong các khâu công tác; mở, cập nhật đầy đủ, kịp thời, khoa học các chỉ tiêu trong hệ thống sổ sách để phục vụ tốt việc tổng hợp, xây dựng báo cáo TK; thận trọng, tỷ mỷ trong việc đối chiếu số liệu các chỉ tiêu TK với các cơ quan hữu quan và xây dựng TK, thực hiện chế độ báo cáo đúng thời gian quy định. Kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình… hoặc cán bộ được phân công thực hiện việc nhập thông tin trên phần mềm Quản lý và TK án hình sự, phần mềm Quản lý và TK án dân sự ngay sau khi có phát sinh các lệnh, quyết định tố tụng, thông báo thụ lý cho đến khi kết thúc kiểm sát việc giải quyết; việc nhập dữ liệu các vụ án, bị can, bị cáo, đương sự… phải đầy đủ các thông tin, các chỉ tiêu trong từng giai đoạn trên các phần mềm nhằm đảm bảo cho việc quản lý, tổng hợp, khai thác các loại số liệu thống kê trên các phần mềm được kịp thời, đầy đủ và chính xác.

          Trong phạm vi bài viết, dưới góc độ cá nhân, tôi xin mạnh dạn đề xuất một số nội dung sau:

          - Đề nghị Liên ngành tư pháp Trung ương có quy định thống nhất giữa các ngành về thời điểm lấy số liệu TK; cách tính một số chỉ tiêu như án trả hồ sơ, tạm đình chỉ…  tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên sâu về công tác TKNV để cán bộ TK các cơ quan tư pháp cấp tỉnh tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác TK các đơn vị thuộc ngành mình.

          - Đề nghị VKSND tối cao tiếp tục hoàn thiện các phần mềm TKNV với đầy đủ hệ thống các biểu mẫu, chỉ tiêu TK nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng của công tác này.

          - Đề nghị có chính sách quy định cụ thể về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác TKNV nhằm động viên giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống và nâng cao nhiệt tình, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ công tác TK.

 
Hoàng Đức Quế
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top