Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 119

   Nên bỏ tính lãi suất đối với khoản tiền truy thu, tiền phạt từ khi được giảm nghĩa vụ thi hành án lần đầu


Thứ hai - 16/12/2024 15:56
 
Việc thi hành án dân sự là một khâu quan trọng trong hoạt động tư pháp, nhằm đảm bảo các bản án được thi hành đầy đủ, đảm bảo việc thu nộp cho ngân sách Nhà nước đối với các khoản tiền phạt, tiền truy thu trong các vụ án hình sự.

 
Tuy nhiên, công tác kiểm sát thi hành án dân sự thấy hiện công tác này còn gặp phải nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề về tính lãi suất thi hành án đối với một số trường hợp đã được Toà án nhân dân xét giảm nghĩa vụ thi hành án. Bài viết này sẽ phân tích sâu hơn về tác động của việc tính lãi suất đối với quá trình thi hành án dân sự và những khó khăn, vướng mắc cần được xem xét trên nhiều khía cạnh để cân nhắc đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự.
 
Tác động của việc tính lãi suất thi hành án làm tăng thêm khoản tiền phải thu nộp cho ngân sách Nhà nước nhưng về bản chất thì ngân sách Nhà nước không thu được gì qua việc tính lãi xuất chậm trả từ người phải thi hành án.
 
Trường hợp, người phải thi hành án dân sự đối với các khoản thu nộp cho ngân sách Nhà nước có điều kiện thi hành nhưng không tự nguyện thi hành án thì việc tính lãi xuất đối với việc chậm trả là cần thiết, đúng quy định của pháp luật; tuy nhiên việc tính thêm lãi suất đối với khoản tiền phạt, tiền truy thu, án phí đối với người đã được giảm nghĩa vụ thi hành án từ lần thứ nhất trở đi khiến cho khoản tiền phải thu nộp cho ngân sách Nhà nước tăng lên, nhưng việc tính lãi xuất đối với các khoản chậm trả này không để nhằm thu cho ngân sách Nhà nước mà suy cho cùng chỉ là việc tính lãi xuất để sau đó lại xét giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đến khi được miễn toàn bộ số tiền phải thi hành còn lại, trong đó có một phần là lãi xuất chậm trả.
 
Theo quy định tại Điều 61 Luật thi hành án dân sự quy định về điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước được quy định như sau:
 
“1. Người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
 
a) Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;
 
b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
 
2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:
 
a) Thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
 
b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
 
3. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án khi có một trong các điều kiện sau đây:
 
a) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án;
 
b) Hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần năm số tiền còn lại phải thi hành án nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng.
 
4. Người phải thi hành án đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt nhưng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục thi hành được phần nghĩa vụ còn lại hoặc lập công lớn thì được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại.
 
5. Người phải thi hành án quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này chỉ được xét miễn hoặc giảm một lần trong 01 năm đối với mỗi bản án, quyết định.
 
Quyết định thi hành án lần đầu là căn cứ để xác định thời hạn xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án”.
 
Như vậy, một người bị kết án về hình sự đồng thời trong bản án tuyên phải thi hành khoản án phí, truy thu, tiền phạt… nộp ngân sách Nhà nước mà có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 61 Luật thi hành án dân sự thì sẽ được giảm, được miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 61 Luật thi hành án dân sự cho đến hết số tiền phải thi hành.
 
Nếu thực hiện theo quy định hiện hành sẽ ngày càng làm tăng khoản tiền lãi xuất chậm trả, Cơ quan thi hành án dân sự phải tính thêm số tiền chưa thi hành cao hơn, kéo dài thêm thời hạn xoá án tích đối với người bị kết án, các cơ quan thi hành pháp luật phải chi phí thêm thời gian để xem xét việc giảm, miễn nghĩa vụ thi hành án … nhưng cuối cùng ngân sách Nhà nước không thu được gì, xin đưa ra ví dụ cụ thể như sau:
 
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 122/HSST ngày 26/8/1999 của Toà án nhân dân tỉnh T tuyên phạt đối với Bùi Thị L sinh năm 1968, địa chỉ xã KN, huyện SD, tỉnh TQ, 13 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma tuý theo điểm b, khoản 2, Điều 185đ Bộ luật hình sự; phạt tiền 25.000.000đ, truy thu sung quỹ Nhà nước 7.280.000đ (tổng cộng là 32.280.000đ). Bị cáo phải chịu lãi xuất chậm trả với khoản tiền phạt chậm thi hành quy định tại Thông tư liên ngành số 01 ngày 19/6/1997.
 
Bùi Thị L đã thi hành 500.000đ tiền truy thu; 1.000.000đ tiền phạt (tổng cộng là 1.500.000đ);
 
Từ năm 2016 đến nay, Bùi Thị L đã 7 lần được giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự với tổng số tiền 61.463.782đ. Hiện Bùi Thị L còn tiếp tục phải thi hành 11.867.195đ. Hiện tại L thuộc trường hợp không có tài sản để thi hành.
 
Từ dẫn chứng cụ thể nêu trên, đề nghị các cơ quan tư pháp Trung ương cần sớm ban hành hướng dẫn thống nhất cách tính lãi xuất chậm trả đối với các trường hợp đủ điều kiện để xem xét giảm, miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự theo hướng sau:
 
- Phương án 1: Tính đến ngày người phải thi hành các khoản nộp ngân sách Nhà nước, nếu có đủ các điều kiện được giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự lần đầu thì chỉ tính lãi xuất chậm trả theo quy định từ khi bản án có hiệu lực pháp luật đến khi được xem xét quyết định giảm nghĩa vụ lần đầu, không tính lãi tiếp đến khi được miễn toàn bộ phần nghĩa vụ còn lại;
 
- Phương án 2:  Tính đến ngày người phải thi hành các khoản nộp ngân sách Nhà nước nếu có đủ điều kiện được giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự lần đầu thì chỉ tính phần gốc theo bản án (không tính lãi xuất).
 
Quan điểm của người viết đồng tình với phương án số 2 vì việc không tính lãi xuất sẽ rút ngắn thời gian được miễn toàn bộ nghĩa vụ dân sự; góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình thi hành án đối với Cơ quan thi hành án dân sự; giảm thời gian xoá án tích đối với người bị kết án.
 
Người viết: Tạ Văn Thiển- Phòng 8 Viện KSND tỉnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Scroll to top