Trong công tác giải quyết án hình sự, hiện có rất nhiều văn bản hướng dẫn việc xác định tội danh, áp dụng tình tiết định khung hoặc tăng nặng, giảm nhẹ... Tuy nhiên trong thực tiễn, đối với từng vụ án cụ thể khác nhau cũng còn có những quan điểm chưa thống nhất. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết định khung, tăng nặng, giảm nhẹ qua 2 vụ án cụ thể:
Về áp dụng tình tiết định khung “Giết 2 người trở lên” và “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”.
Tóm tắt nội dung vụ án: Khoảng 23h20’ ngày 30/12/2021, do nghi ngờ các anh Nông Văn H., Trương Đình M. và Đặng Đình N. đang đi trên 1 xe mô tô (do anh H. điều khiển) là nhóm người đã chặn xe ô tô đánh, chém mình gây thương tích trước đó, Lê Hồng Q. đã điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Mazda3, nhấn ga tăng tốc độ, đâm vào phía sau bên trái xe mô tô do anh H. điều khiển làm xe mô tô đổ, anh M. và anh N. ngã văng vào lề đường, anh H. ngã nằm bất tỉnh trên nắp rãnh thoát nước bên phải theo chiều đi của xe ô tô. Q. điều khiển xe ô tô đi thẳng cách vị trí anh H. nằm khoảng 20m, sau đó điều khiển xe vòng quay lại, thấy anh N. và anh M. đang cúi đỡ, nâng anh H. dậy, Q. tiếp tục nhấn ga tăng tốc độ, điều khiển xe ô tô đâm thẳng vào 3 nạn nhân; bánh trước bên lái, xe ô tô do Q. điều khiển đã đâm chèn qua đầu anh H., đầu xe ô tô bên trái quệt vào đùi trái anh M. gây thương tích. Hậu quả, anh H. chết trên đường đi cấp cứu, nguyên nhân chết do chấn thương đè ép sọ mặt. Anh M. bị thương tích, tỉ lệ tổn thương cơ thể là 3%.
Trong quá trình giải quyết vụ án này, hiện còn có quan điểm chưa thống nhất trong việc áp dụng các tình tiết định khung đối với Lê Hồng Q. về tội Giết người:
Quan điểm thứ nhất: Lê Hồng Q. phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tình tiết định khung theo điểm a, l, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự (BLHS) “Giết 2 người trở lên”, “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”, “Có tính chất côn đồ”; chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 52 BLHS “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”.
Quan điểm này lập luận, hành vi phạm tội của Q. diễn ra như thế nào thì phải chịu đầy đủ các tình tiết theo hành vi đã thực hiện. Trong vụ án này, hành vi của Q. điều khiển xe ô tô để đâm vào anh H., anh M. và anh N. là phương pháp có tính nguy hiểm cao, có khả năng làm chết nhiều người; mục đích là nhằm tước đoạt sinh mạng của cả 3 người, có thể làm cả 3 người chết; việc hậu quả chỉ có anh H. chết, anh M. và anh N. không chết là ngoài ý muốn của Q.. Vì vậy, Q. phải chịu đầy đủ cả 2 tình tiết định khung “Giết 2 người trở lên” và “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”.
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả): Lê Hồng Q. bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tình tiết định khung theo điểm a, n, khoản 1 Điều 123 BLHS “Giết 2 người trở lên” và “Có tính chất côn đồ”; chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 52 BLHS “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”.
Bởi, hiện nay, đã có rất nhiều bài viết, giáo trình, bình luận của nhiều tác giả khái niệm về “Giết 02 người trở lên”;“Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”, các bài viết của nhiều tác giả đều có chung quan điểm, trích dẫn lại như sau:
- Về phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là nói đến tính năng, tác dụng của phương tiện mà người phạm tội sử dụng khi phạm tội có tính nguy hiểm cao, có thể gây thương vong cho nhiều người như: Ném lựu đạn vào đám đông, bỏ thuốc độc vào bể nước... Hậu quả có thể chết người mà người phạm tội mong muốn và có thể chết người khác; có thể chết nhiều người và cũng có thể không ai bị chết (phạm tội chưa đạt).
- Giết 2 người trở lên: là trường hợp người phạm tội cố ý gây ra cái chết cho 2 người trở lên, hậu quả có thể xảy ra hoặc không xảy ra (phạm tội chưa đạt).
Trong vụ án này, hành vi của Lê Hồng Q. điều khiển xe ô tô là nhằm vào số lượng người cụ thể, mục đích là nhằm giết cả 3 người (anh H, anh M và anh N), không có khả năng gây ra cái chết của người thứ 4. Từ việc xác định rõ số người và khả năng hậu quả chỉ có thể xảy ra theo nội dung vụ án, thì hành vi của Q. chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với tình tiết định khung “Giết 2 người trở lên”, anh M. và anh N. không chết là ngoài ý muốn của Q.. Lê Hồng Q. chỉ chịu tình tiết định khung “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” trong trường hợp, ví dụ: Do muốn giết anh H., khi anh H. đang đứng trong đám đông người, Q. đã điều khiển xe ô tô lao thẳng vào đám đông...
Từ nhận định nêu trên đối với vụ án này, khi đã không áp dụng tình tiết định khung “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” thì cũng không áp dụng tình tiết tăng nặng đối với Lê Hồng Q. “Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội” theo điểm n khoản 1 Điều 52 BLHS.
Như vậy, cả hai quan điểm nêu trên đều có chung đồng nhất: Lê Hồng Q. phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm a, n khoản 1 Điều 123 BLHS “Giết 2 người trở lên”, “Có tính chất côn đồ” và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 52 BLHS “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”. Chưa thống nhất việc áp dụng tình tiết định khung “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” khi đã áp dụng tình tiết định khung “Giết 2 người trở lên”.
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
…
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
g) Phạm tội 02 lần trở lên;
h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
…m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội;
n) Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;…
2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
(Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung)
Về áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” và tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ”.
Tóm tắt nội dung vụ án: Khoảng 12h30’ ngày 14/8/2021, tại nhà ông Lý Văn H., Lý Thị C. (con đẻ của ông H.) bị bệnh tâm thần phân liệt, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đã cầm dao kim loại chém, cứa nhiều nhát vào đầu, cổ ông H.. Hậu quả, ông H. bị chết, đầu rời khỏi cổ.
Trong quá trình giải quyết vụ án, hiện còn có quan điểm chưa thống nhất trong việc áp dụng các tình tiết định khung đối với Lý Thị C.:
Quan điểm thứ nhất: Lý Thị C. phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ, i, n khoản 1 Điều 123 BLHS “Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình”, “Thực hiện tội phạm một cách man rợ”, “Có tính chất côn đồ” và được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.
Vì theo quy định tại Điều 21 BLHS, người bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn Lý Thị C. là người chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, do đó phải chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ về hành vi của mình thực hiện. Hành vi của Lý Thị C. giết ông H. là vô cớ, là hành vi côn đồ, vì vậy, phải áp dụng đầy đủ cả điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS; việc Lý Thị C. là người bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi là tình tiết giảm nhẹ riêng.
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả): Lý Thị C. chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ, i, khoản 1 Điều 123 BLHS “Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình”, “Thực hiện tội phạm một cách man rợ” và được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Không áp dụng tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS.
Như vậy, giữa 2 quan điểm chưa thống nhất việc đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” thì có áp dụng tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” không? Từ những vướng mắc này, rất cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và hướng dẫn cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền để có sự nhận thức và áp dụng thống nhất.
Quang cảnh một phiên tòa xét xử vụ án Giết người, Cướp tài sản.
Nguyễn Tiến Đường
Báo Bảo vệ pháp luật - số 94 ngày 25/11/2022