Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Nghiên cứu - Trao đổi

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 1423

   Một số kinh nghiệm, giải pháp hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đối với vụ việc phức tạp, kéo dài


Thứ tư - 29/03/2023 09:40
 
Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là công việc của cơ quan nhà nước, thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với nhân dân, củng cố niềm tin của người dân đối với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan chức năng có thẩm quyền thu thập được những thông tin về một số vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ góp phần đảm bảo và không ngừng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nghiêm trị những hành vi xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

 
Trong những năm gần đây, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Kiểm sát được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Ngày 28/7/2017, Viện KSND tối cao ban hành Chỉ thị số 04/CT-VKSTC về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Viện KSND hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, xác định đây là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm phạm pháp luật. Riêng trong năm 2022 số lượt công dân và số đơn gửi đến Viện KSND tỉnh tăng so với những năm trước; Viện KSND tỉnh Tuyên Quang tiếp 81 lượt công dân (tăng 65 lượt so với năm 2021), trong đó Lãnh đạo Viện tiếp 19 lượt (tăng 19 lượt so với năm 2021); tiến hành tổ chức đối thoại giải quyết đối với 03 vụ việc phức tạp, kéo dài. Tiếp nhận và giải quyết 214 đơn. Nhìn chung nội dung tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh Viện kiểm sát tỉnh tiếp nhận, thụ lý chủ yếu liên quan đến lĩnh vực hoạt động tư pháp. Ngoài ra còn có đơn tố cáo liên quan đến công chức, người lao động trong Ngành. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Viện KSND tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
Qua thực tiễn công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động tư pháp trên địa bàn, đơn vị Thanh tra - Khiếu tố rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với loại vụ việc phức tạp, kéo dài như sau:
 
Về nguyên nhân phát sinh việc tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, kéo dài
 
Một số trường hợp công dân có đơn đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thông báo bằng văn bản, cán bộ, Kiểm sát viên trực tiếp giải thích nhưng vẫn cố tình không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, tiếp tục có đơn kéo dài.
 
Trình độ hiểu biết, nhận thức pháp luật của một số công dân còn hạn chế dẫn đến việc gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo đến cơ quan không đúng thẩm quyền giải quyết cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo, đề nghị kéo dài.
 
Do thông tin thiếu và chưa kịp thời giữa các cơ quan liên quan, dẫn đến nhiều vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực pháp luật nhưng đơn vẫn được các cơ quan chức năng tiếp nhận và chuyển yêu cầu xem xét, giải quyết.
 
Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thiếu kiểm tra, quản lý cán bộ thuộc quyền trong thực thi công vụ; có trường hợp xuất phát từ khiếu nại, nhưng kết quả giải quyết chưa đáp ứng được yêu cầu người khiếu nại nên chuyển sang tố cáo người giải quyết khiếu nại; năng lực của một số cán bộ, công chức trong tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, chất lượng và hiệu quả công tác chưa cao.
 
Một số kinh nghiệm và giải pháp
 
Thứ nhất, quá trình thụ lý, giải quyết đơn thư cần có sự phân loại và cập nhật thường xuyên các vụ việc khiếu nại kéo dài, qua đó xác định rõ thẩm quyền giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, tăng cường tổ chức tiếp xúc, đối thoại với người có đơn thư, không đùn đẩy trách nhiệm.
 
Lãnh đạo Viện định kỳ và đột xuất tiếp công dân, tiến hành tổ chức đối thoại khi cần thiết với công dân để kịp thời xác định nguyên nhân mà người có đơn thư chưa chấp nhận để có biện pháp thích hợp. Thông qua công tác tiếp công dân kết hợp tuyên truyền pháp luật nhằm giúp cho người dân nhận thức đầy đủ và hiểu đúng về nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi tham gia khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp.
 
Thứ hai, việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư phức tạp, kéo dài cần phải giao trách nhiệm cụ thể, gắn với mỗi Kiểm sát viên, hạn chế và tránh trường hợp nay Kiểm sát viên này tiếp, sau lại Kiểm sát viên khác, dẫn đến hiệu quả giải quyết công việc không cao, Kiểm sát viên khó khăn trong việc nắm bắt và giải quyết nội dung khiếu kiện cũng như tạo tâm lý bức xúc cho người có đơn thư nghĩ rằng người có trách nhiệm giải quyết đùn đẩy, trốn tránh …  
 
Thứ ba, các trường hợp khiếu kiện tập trung đông người, nhiều công dân tham gia nhằm gây áp lực với các cơ quan chức năng thì cán bộ được phân công tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải có phương pháp linh hoạt, thích hợp như xác định rõ nội dung, nguyên nhân khiếu kiện, từ đó có biện pháp phù hợp, tách ra thành những vụ việc cụ thể, để việc giải quyết trở nên đơn giản hơn.
 
Việc tiếp công dân có nhiều người cần phải thực hiện nghiêm nguyên tắc đại diện, khi đông người cùng đề nghị giải quyết một vấn đề thì phải yêu cầu cử người đại diện. Kiểm sát viên chỉ tiến hành làm việc khi nhóm người khiếu kiện cử đại diện.  
 
Thứ tư, đối với công dân được tiếp có hành vi đe dọa, xúc phạm người tiếp công dân, xúc phạm cơ quan đơn vị tiếp công dân hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp như dùng chất kích thích, ghi hình, livetream khi không được sự đồng ý của cán bộ, Kiểm sát viên, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình Kiểm sát viên tiến hành từ chối tiếp và giải thích rõ cho công dân biết lý do từ chối.
 
Trường hợp công dân có hành vi gây rối tại nơi tiếp công dân như vò, xé biên bản làm việc, chửi bới, lăng mạ, xúc phạm người tiếp công dân, Kiểm sát viên cần chủ động và kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng, công an xã, phường lập biên bản để xem xét xử lý hành chính đối với hành vi gây rối của công dân được tiếp.
 
Trên đây là một số kinh nghiệm và giải pháp rút ra từ thực tiễn công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của đơn vị Thanh tra- khiếu tố Viện KSND tỉnh Tuyên Quang. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình, năm 2023, đơn vị Thanh tra- khiếu tố tiếp tục phát huy thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của mình nhằm đảm bảo và không ngừng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao vị thế của Ngành và góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương./.
 
                                                           Vũ Khánh Đại - TTKT
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top